Báo chí tự đổi mới để được 'đặt hàng'

Trong bối cảnh tin giả lan truyền trên mạng xã hội, tầm quan trọng của báo chí trong truyền thông chính sách là cần thiết hơn bao giờ hết.

Báo chí tác nghiệp tại kỳ họp Quốc hội. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội.

Báo chí tác nghiệp tại kỳ họp Quốc hội. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội.

Truyền thông chính sách trên báo chí không phải là xuôi chiều

Theo ông Lee Byung Hwa - Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam, "trong bối cảnh tin giả lan truyền trên mạng xã hội và thông tin được truyền đi một cách rời rạc thì báo chí cung cấp thông tin đáng tin cậy, tạo nền tảng cho thảo luận xã hội thông qua việc cung cấp chính xác và phân tích chuyên nghiệp về sự việc. Vai trò của báo chí trong lĩnh vực truyền thông chính sách quan trọng hơn bao giờ hết".

Quả đúng như vậy, truyền thông chính sách đóng vai trò rất quan trọng, thúc đẩy xã hội trở nên công bằng, dân chủ hơn. Khả năng phản biện xã hội của truyền thông chính sách, ảnh hưởng của truyền thông chính sách và các phương tiện truyền thông chính sách mới tác động đến nhận thức của người dân Việt Nam...

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển. Chúng ta có rất nhiều vấn đề cần đương đầu như xóa đói giảm nghèo, nâng cao trình độ dân trí, bảo vệ môi trường, chống tham nhũng, tiêu cực... Ở các quốc gia như Việt Nam, truyền thông chính sách trên báo chí được xem là kênh hữu hiệu để đạt được các mục tiêu lớn liên quan đến phát triển kinh tế và ổn định xã hội.

Hơn nữa xét ở khía cạnh khác, truyền thông chính sách trên báo chí không phải chỉ là xuôi chiều để giải thích, truyền đạt chính sách đến người dân mà còn là kênh giúp Nhà nước xây dựng hình ảnh của mình. Xây dựng hình ảnh quốc gia bằng việc xây dựng các chiến lược truyền thông chính sách là một cách hiệu quả và tích cực.

Truyền thông chính sách qua báo chí giúp các cơ quan nhà nước đưa thông tin đến người dân về các chính sách kinh tế, văn hóa xã hội, luật pháp đến với dân chúng, thuyết phục công chúng thay đổi nhận thức và hành xử đúng pháp luật. Ngoài ra, Chính phủ cũng qua truyền thông chính sách để lấy ý kiến dư luận trước khi ban hành các văn bản pháp lý. Nhờ truyền thông, nhà nước điều chỉnh các chính sách và tạo ra sự đồng thuận cao trong dân chúng.

Báo chí khi làm truyền thông chính sách không phải chỉ thông tin một chiều mà để người dân có thể phản hồi, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình. Các cuộc tranh luận, chất vấn, phản biện về chủ trương, chính sách tại Quốc hội; các cuộc tọa đàm, tranh luận, các thông tin đa chiều trên phương tiện thông tin đại chúng về mọi vấn đề chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước, với sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị, xã hội và người dân là thực tiễn diễn ra hàng ngày trong đời sống của người dân Việt Nam.

Một chủ trương, chính sách chỉ hiệu quả khi được xã hội chấp thuận, khi làm tốt truyền thông chính sách, thì ngay từ khâu nhận diện vấn đề, đề xuất chính sách đều có thể bắt đầu từ cộng đồng. Thậm chí, nhà nước có thể đồng hành cùng xã hội trong việc xây dựng chính sách.

Đảm bảo nguồn lực để báo chí làm truyền thông chính sách

Và quan trọng là phải có nguồn lực cho truyền thông chính sách. Chiến lược dù tốt, kế hoạch dù hay nhưng nếu không có nguồn lực bảo đảm thì khó trở thành thực tế. Theo PGS.TS Phạm Minh Sơn - Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nguồn lực cho truyền thông chính sách bao gồm nguồn lực tinh thần và nguồn lực vật chất. Nhận diện và thúc đẩy hai dòng nguồn lực này là cách để tăng cường truyền thông chính sách một cách hiệu quả, bền vững.

Nguồn lực vật chất cho công tác truyền thông chính sách bao gồm chính sách về truyền thông; đội ngũ nhà báo, nhà truyền thông chính sách; công nghệ truyền thông chính sách; ngân sách dành cho truyền thông chính sách...

"Trong bối cảnh hiện nay, nguồn lực cho truyền thông chính sách là vấn đề lớn, nhận được sự quan tâm của nhiều phía, đặc biệt là các cơ quan trực tiếp tổ chức triển khai công tác truyền thông chính sách ở các bộ, ngành và các cơ quan báo chí. Nếu thiếu các nguồn lực vật chất quan trọng này thì dù quyết tâm có cao, mong muốn có lớn nhưng làm gì cũng khó", PGS.TS Phạm Minh Sơn nhận định.

Báo chí phải thay đổi cách làm

Tất nhiên để làm được thì các kênh truyền thông chính sách, đặc biệt là báo chí, phải thay đổi cách làm. Nhìn tổng thể, hiện nay đa phần báo chí, truyền thông dừng lại ở câu chuyện đưa tin về chính sách. Điều này làm cho công chúng mới chỉ tiếp nhận được một phần thông tin, chưa tác động nhiều vào chiều sâu để nhân dân hiểu kỹ, nắm vững và làm theo các chính sách công vốn được ban hành rất nhiều trong công tác quản lý, điều hành của Nhà nước nói chung.

Theo ông Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, báo chí chính thống được xem là lực lượng chủ công, là cánh tay nối dài trong việc hỗ trợ truyền thông chủ trương chính sách. Báo chí đưa thông tin từ Đảng, Nhà nước và cơ quan bộ, ngành, các địa phương đến với người dân, lắng nghe tiếng nói của người dân, từ đó tác động ngược trở lại với những người làm chính sách. Nhưng báo chí vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn lớn về cơ chế, nguồn lực để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của mình.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm thì trong truyền thông chính sách, một số cơ quan báo chí còn thiếu sáng tạo, tính đặc thù của mỗi cơ quan báo chí chưa được phát huy một cách triệt để; thiếu tính phản biện, đánh giá, dự báo. Nhiều tòa soạn chưa chủ động xây dựng kế hoạch truyền thông chính sách bài bản…

Truyền thông chính sách là quá trình chuyển tải thông điệp, cơ chế, chính sách của Chính phủ, cơ quan hành chính các cấp đến người dân. Truyền thông chính sách hiệu quả sẽ giúp người dân hiểu rõ, tham gia, hợp tác, đồng thuận trong quá trình thực thi chính sách.

Vậy đâu là giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong công tác thực hiện truyền thông chính sách của báo chí, để truyền thông thực sự là nguồn lực quan trọng, tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong xây dựng, thực hiện các chính sách.

Để phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong truyền thông chính sách, trước hết báo chí tự thân phải đổi mới. Chuyển đổi số là con đường nhanh nhất để báo chí tiếp cận nhiều hơn, gần hơn với công chúng báo chí, hướng tới mục tiêu là có trải nghiệm nội dung tốt hơn, từ đó truyền thông chính sách sẽ hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, cần hệ thống hóa thông tin chính sách, biến thông tin chính sách trở thành dữ liệu lớn, cùng với thuật toán, dữ liệu lớn tạo ra giá trị để phát triển nền kinh tế tri thức; Phải có cách tiếp cận đa dạng hơn về các sản phẩm báo chí trong quá trình tham gia truyền thông chính sách.

Ngoài việc tạo ra các sản phẩm mang tính thông tin chính sách tới người dân và phản ánh thực tiễn xã hội tới các cơ quan hoạch định chính sách; với đặc thù bám sát công chúng, báo chí cần chủ động tham gia sâu hơn và tạo ra những sản phẩm mang tính dự báo và đo lường tác động truyền thông đến từ sự tương tác của dư luận, cử tri với chính sách.

Từng có những ý kiến đặt vấn đề là báo chí cũng cần phải nhìn lại mình khi đã thực sự làm tốt truyền thông chính sách hay chưa. Ở Việt Nam hiện nay có hơn 800 cơ quan báo chí, nhưng chỉ có khoảng gần 200 cơ quan báo chí thực sự làm công tác truyền thông chính sách.

Mặt khác các cơ quan báo chí cần phải khách quan, giữ tinh thần phản biện nhưng trên cơ sở tinh thần xây dựng. Trong thực tế thời gian qua đã xảy ra những vụ việc đáng tiếc khi có một số bài báo có tác động tiêu cực tới sự phát triển chung, cũng như gây ra những hiểu nhầm của người dân về một số chính sách ở một số địa phương.

Vướng mắc hiện nay theo lãnh đạo một số cơ quan báo chí là một trong những khó khăn mà báo chí đang gặp phải cũng nằm ở chính cơ chế đặt hàng, khi các thủ tục đấu thầu đang gây khó cho chính những cơ quan báo chí có thể giành được những hợp đồng truyền thông chính sách ở trung ương và cả địa phương.

Tuy nhiên, mặt khác các cơ quan báo chí cần chủ động hơn, tận dụng chính các tổ chức báo chí của mình giúp các ban, bộ, ngành hiểu được những vướng mắc và khó khăn mà báo chí đang gặp phải trong nhiệm vụ truyền thông chính sách.

Công tác truyền thông chính sách còn đòi hỏi nhiều nỗ lực. Truyền thông chính sách không chỉ là câu chuyện mong kiếm những nguồn lực mà còn là câu chuyện hợp tác giữa cơ quan chức năng và cơ quan báo chí, câu chuyện tuyên truyền không chỉ một chiều mà còn phải đa chiều, phản biện để hoàn thiện chính sách.

Chuyên đề: Báo chí và truyền thông chính sách
Khái niệm chính sách trong truyền thông chính sách là các chính sách công bao gồm các biện pháp của Đảng, Chính phủ thể chế hóa và bảo đảm thực thi để giải quyết các vấn đề xã hội hoặc phát triển xã hội.

Truyền thông chính sách là quá trình chuyển tải thông tin về chính sách của Đảng, Nhà nước về những lĩnh vực cụ thể thông qua các kênh truyền dẫn khác nhau, trong đó báo chí chính thống giữ vai trò chính, để đưa chính sách đến với công chúng. Nhằm đảm bảo sự thông suốt giữa chủ thể ban hành chính sách và các nhóm thụ hưởng, điều chỉnh bởi chính sách đó trong xã hội.

Từ đó góp phần thay đổi nhận thức, tiến tới điều chỉnh hành vi và thái độ của người thụ hưởng chính sách phù hợp với lợi ích của mỗi cá nhân, của cộng đồng và của toàn xã hội không nằm ngoài lợi ích chung của quốc gia, dân tộc và của toàn thể nhân dân.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, truyền thông chính sách không phải chỉ có báo chí chính thống, vai trò truyền thông chính sách của mạng xã hội đang tác động khá rõ nét.
Không thể phủ nhận mạng xã hội có những đóng góp tích cực vào truyền thông chính sách, đặc biệt là tham gia vào quá trình phản biện từ khâu dự thảo chính sách góp phần làm cho chính sách ra đời sát thực hơn với đời sống nhân dân. Nhưng đồng thời mạng xã hội cũng khiến quá trình truyền thông chính sách xuất hiện những thông tin sai lệch, thiếu kiểm chứng hoặc suy diễn không đúng với quan điểm của những người soạn thảo chính sách.

Cho nên tính chính thống, chính xác của báo chí vẫn là sự đảm bảo cho vai trò chủ lực của báo chí trong truyền thông chính sách. Điều này được thể hiện rõ trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ "Về việc tăng cường truyền thông chính sách" ban hành tháng 3/2023, đã xác định "báo chí là dòng chảy chính".
Vậy làm thế nào để báo chí “giữ nhịp” là “dòng chảy chính” trong truyền thông chính sách?

Đó là những điều chúng tôi trăn trở đặt ra trong số báo kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam năm nay với một mong muốn rằng: Báo chí cần phải được tiếp thêm nguồn lực để làm tốt việc truyền thông chính sách góp phần để chính sách ra đời phù hợp với lòng dân, giúp tạo ra đồng thuận xã hội.
Đ.Đ.K

Cẩm Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bao-chi-tu-doi-moi-de-duoc-dat-hang-10284454.html