Báo chí và sứ mệnh truyền thông chính sách

Thực tiễn phát triển cho thấy, báo chí đóng vai trò quan trọng đối với sự thành công hay thất bại của chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước xây dựng và thực thi. Truyền thông chính sách là sứ mệnh đặc biệt của báo chí, nhất là trong bối cảnh thông tin đa chiều hiện nay.

Đưa chính sách đến với cuộc sống

Chính sách là vấn đề quan trọng hàng đầu trong sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Những năm qua, các cơ quan báo chí ở nước ta đã làm tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng và chính quyền đối với Nhân dân, trở thành diễn đàn dân chủ, thông tin hai chiều, phản ánh trung thực, trách nhiệm tâm tư và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, trong đó có truyền thông chính sách.

Truyền thông chính sách là một trong những kênh quan trọng và bảo đảm việc thực hiện quyền làm chủ của người dân trong tham gia xây dựng pháp luật; có ý nghĩa rất quan trọng nhằm củng cố và xây dựng niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước về mỗi chủ trương, chính sách mới được ban hành.

Một minh chứng rõ nét cho vai trò của truyền thông chính sách được thể hiện thông qua việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thông qua truyền thông về chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, các cơ quan báo chí đã tích cực tuyên truyền để “Dân biết - Dân làm - Dân bàn - Dân kiểm tra - Dân giám sát - Dân thụ hưởng”.

Báo chí góp phần quan trọng vào thành quả công cuộc xây dựng nông thôn mới

Báo chí góp phần quan trọng vào thành quả công cuộc xây dựng nông thôn mới

Nhờ việc làm tốt công tác truyền thông về chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng, Nhà nước, trong gần 15 năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã huy động được sự tham gia của đông đảo các tầng lớp Nhân dân và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Diện mạo nông thôn ngày một đổi thay tích cực. Nông thôn đã và đang trở thành những miền quê đáng sống.

Có thể khẳng định, thời gian qua, công tác truyền thông chính sách đã bám sát thực tế, tôn trọng thực tế, lấy thực tế làm thước đo, được thực hiện công khai, minh bạch, chủ động, kịp thời hơn, có nhiều cách làm sáng tạo, đột phá, hiệu quả cao, phù hợp với nội dung tuyên truyền, tình hình, điều kiện và bối cảnh của từng cơ quan, địa phương, đơn vị, góp phần quan trọng đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống.

Với truyền thông chính sách được quan tâm mạnh mẽ trong giai đoạn hiện nay, báo chí đang có những cơ hội mạnh mẽ để gánh vác trách nhiệm xã hội và sứ mệnh của mình cùng với Đảng và Nhà nước trong việc truyền thông chính sách. Ngoài việc kịp thời chủ động đưa chính sách đến với người dân, báo chí còn làm nhịp cầu giữa Nhân dân với Nhà nước trong góp ý, phản biện, thực thi chính sách, để chính sách thực sự mang lại hiệu quả vì dân.

Để báo chí đi trước mở đường

Vai trò của báo chí trong xây dựng nông thôn mới được dẫn chứng ở trên chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện phản ánh tác động của báo chí đối với sự thành công hay thất bại của chủ trương, chính sách do các cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng và thực thi. Không có báo chí đi trước mở đường, chủ trương, chính sách khó có thể được đông đảo người dân đón nhận và đồng lòng tuân thủ.

Trong bối cảnh hiện nay, một chính sách từ dự thảo, phản biện, chỉnh lý, ban hành… đều cần được truyền thông một cách toàn diện, sâu rộng, chính xác, và báo chí tiêp tục được xác định có vai trò quan trọng trong công tác truyền thông chính sách, có thể góp phần vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước.

Theo TS Trần Văn - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, quan hệ giữa báo chí và người làm chính sách có thể được coi là những bộ phận cấu thành không thể tách rời của xã hội, nhất là trong bối cảnh bùng nổ thông tin, số hóa hoạt động truyền thông.

Truyền thông chính sách là sứ mệnh đặc biệt của báo chí.

Truyền thông chính sách là sứ mệnh đặc biệt của báo chí.

Để báo chí làm tốt vai trò, chức năng truyền thông chính sách, TS Trần Văn cho rằng, các nhà quản lý cần cởi mở hơn với báo chí, coi báo chí là một kênh thông tin hữu ích hai chiều để tiếp nhận thông tin trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật, cũng như trong phân tích đánh giá tác động của dự án luật.

TS Nguyễn Đức Kiên - Nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đánh giá, báo chí đang làm tốt vai trò phản ánh thực trạng xã hội, nhưng cần đầu tư vào việc nghiên cứu chuyên sâu đòi hỏi kết hợp kiến thức chuyên môn, quản lý Nhà nước, tâm lý xã hội, thị trường… Từ đó, tiếp tục thực hiện đầy đủ và có hiệu quả chức năng phản biện, định hướng xã hội.

Vị chuyên gia kinh tế từng nhiều năm tư vấn cho Thủ tướng cũng nhìn nhận rằng: ở bộ ngành, địa phương, cơ quan nào thực hiện tốt trách nhiệm giải trình, thì cùng với sự vào cuộc phản biện của báo chí, chính sách đó sẽ được đón nhận và thực thi tốt. Điều này đặt ra đòi hỏi các cơ quan hoạch định chính sách cần cố gắng để tận dụng hiệu quả hơn nữa thế mạnh của các cơ quan truyền thông.

Nhiều ý kiến chuyên gia, nhà quản lý đồng quan điểm rằng, trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, công tác truyền thông chính sách cần tiếp tục được chú trọng, nâng cao tính chuyên nghiệp trong toàn hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước, từ đó góp phần tạo sự đồng thuận, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong việc thực thi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Truyền thông chính sách đã và sẽ là sứ mệnh đặc biệt của báo chí. Trong bối cảnh mới, vai trò định hướng của báo chí sẽ tiếp tục đóng góp quan trọng để có thể cụ thể hóa được các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận xã hội, đưa Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

“Truyền thông chính thống phải bảo vệ được quyền và nghĩa vụ chính đáng của Nhân dân, là kênh thông tin thực sự tin cậy để Nhân dân gửi gắm và có những tiếng nói phản biện, đóng góp tích cực cho đời sống của người dân cũng như phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước. Ngoài bảo vệ Nhân dân, báo chí cũng cần tuyên truyền tích cực, có những góp ý nhằm khắc phục hạn chế, hướng đến xây dựng một chính quyền phục vụ, trước hết là phục vụ Nhân dân, phục vụ doanh nghiệp…” - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Việt Hùng.

Tùng Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bao-chi-va-su-menh-truyen-thong-chinh-sach.689853.html