Báo chí và trách nhiệm với Ðảng, với Nhân dân

'Nước lấy dân làm gốc' - đây là tư tưởng quán xuyến, cốt lõi trong toàn bộ tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời có giá trị lý luận và định hướng thực tiễn cho sự nghiệp cách mạng đất nước ta trong giai đoạn hiện nay. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tiếp tục kế thừa, phát huy và đúc rút ra vai trò của Nhân dân trong bối cảnh mới: 'Tin ở dân, chăm lo cho dân, lấy dân làm gốc là một bài học lớn được rút ra từ chiều sâu lịch sử đất nước ta. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Bác Hồ và Ðảng ta luôn nhận thức sâu sắc vai trò to lớn của Nhân dân, ý nghĩa cực kỳ quan trọng của công tác dân vận, thường xuyên chăm lo xây dựng và củng cố mối liên hệ chặt chẽ với Nhân dân'.

Cả cuộc đời, Bác Hồ đã dâng hiến trọn vẹn cho nước, cho dân, vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, mà mục tiêu không gì khác là để “nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Không một phút ngơi nghỉ, không một chút riêng tư, và Người gởi lại điều mong muốn cuối cùng của đời mình trong bản Di chúc cách đây 55 năm: “Ðiều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Ðảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Dấn thân, sâu sát thực tế là một trong những đòi hỏi hết sức quan trọng của người làm báo. (Trong ảnh: Lực lượng phóng viên báo chí vượt ngàn trùng sóng gió để tác nghiệp tại Quần đảo Trường Sa, chủ quyền biển đảo thiêng liêng và máu thịt của Tổ quốc Việt Nam).

Dấn thân, sâu sát thực tế là một trong những đòi hỏi hết sức quan trọng của người làm báo. (Trong ảnh: Lực lượng phóng viên báo chí vượt ngàn trùng sóng gió để tác nghiệp tại Quần đảo Trường Sa, chủ quyền biển đảo thiêng liêng và máu thịt của Tổ quốc Việt Nam).

Bác Hồ lưu ý với những người “công bộc” của dân: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Người khẳng định bản chất, mục tiêu của sự nghiệp cách mạng ở nước ta: “Mục đích của chủ nghĩa xã hội là gì? Nói một cách đơn giản và dễ hiểu là: Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, trước hết là Nhân dân lao động” và “Nếu nước nhà độc lập mà dân không hạnh phúc tự do, thì độc lập chẳng có nghĩa lý gì”.

Những bài học về Nhân dân mà Bác để lại cho chúng ta là vô cùng sâu sắc. Phong cách giản dị, gần gũi, trọng dân, tin dân, hiểu dân, học dân và phụng sự Nhân dân được Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cả cuộc đời để thể hiện một cách trọn vẹn, nhất quán, xuyên suốt, tuyệt vời trong tư tưởng, tình cảm, nghĩ suy và hành động của Người. Ðó là những điều mà thế hệ hôm nay, trong đó có đội ngũ người làm báo chí cần khắc cốt ghi tâm, biến việc học theo Bác thành biểu hiện, công việc cụ thể, thiết thực.

Phong cách giao tiếp, ứng xử với Nhân dân cũng là một vấn đề thiết thân, trực tiếp với nghiệp vụ báo chí của đội ngũ người làm báo. Nhân dân là nguồn tin, là thông tin, nhưng đồng thời cũng là độc giả, là người đánh giá cao nhất, công tâm nhất, quyết định nhất đối với chất lượng tác phẩm báo chí của người làm báo nói riêng và cơ quan báo chí nói chung.

Lực lượng phóng viên Báo Cà Mau luôn sâu sát với thực tiễn, gần gũi với Nhân dân để thu thập chất liệu cho các tác phẩm báo chí. (Ảnh: Phóng viên Báo Cà Mau tác nghiệp khu vực ven sông 7 Háp, xã Đông Hưng, huyện Cái Nước).

Lực lượng phóng viên Báo Cà Mau luôn sâu sát với thực tiễn, gần gũi với Nhân dân để thu thập chất liệu cho các tác phẩm báo chí. (Ảnh: Phóng viên Báo Cà Mau tác nghiệp khu vực ven sông 7 Háp, xã Đông Hưng, huyện Cái Nước).

Không gần dân, người làm báo dễ sa vào một xu hướng tiêu cực trong báo chí là báo chí “sa-lon”, mà gần đây có thể gọi thêm một biến tấu là báo chí ở “quán cà phê”. Những thông tin báo chí được xào nấu, lượm nhặt trở thành những dòng chảy tin tức vô hồn, vô cảm, thậm chí là phản cảm. Vì không gần gũi với người dân, với đời sống, những đề tài báo chí, sản phẩm báo chí chung chung, vô thưởng vô phạt, vô tác dụng vẫn xuất hiện. Thậm chí, có những sự kiện dự kiến diễn ra, nhưng vì lý do nào đó mà tạm hoãn, do phóng viên chủ quan, không theo sát sự kiện mà chỉ “nghe ngóng”, thế rồi tin tức soạn sẵn vẫn đưa về tòa soạn và đăng tải như thật.

Tình trạng phóng viên ngán ngại đi cơ sở không phải là vấn đề quá mới mẻ. Có những người làm báo, thậm chí đến cơ sở tạo ra sự nghi ngờ của cơ quan, đơn vị về tính chính danh. Thiếu chất liệu sống, thiếu sự gần gũi với Nhân dân, những tác phẩm báo chí vì thế cũng mất đi sinh khí, hồn vía, và chưa chạm được vào nhu cầu của công chúng, độc giả, của những vấn đề bức thiết trong đời sống xã hội. Từ đây, hình ảnh, uy tín, tiếng nói, vai trò của người làm báo nói riêng, của cơ quan báo chí nói chung ngày càng sút giảm.

Những phóng viên đi cơ sở đã bao giờ bị từ chối khéo kiểu: “Sao lúc khó khăn không thấy, lúc người ta làm ăn được thì tới hoài. Tiếp mấy bận rồi, thôi lần này mấy anh chị cảm phiền tìm người khác giùm”? Hoặc khó dễ kiểu: “Hỏi gì tụi tui nói đó, nhưng hổng có cho quay phim, chụp ảnh gì nha”; thậm chí gay gắt: “Miễn tiếp mấy anh nhà báo”... Trong chặng đường tác nghiệp, chắc đồng nghiệp không hiếm lần nếm trải những hoàn cảnh éo le, cười ra nước mắt ấy. Gác qua những cảm xúc cá nhân, điều đáng lo lắng hơn chính là vấn đề niềm tin của người dân đối với người làm báo và cơ quan báo chí, bởi không có niềm tin thì không có gì, và mất niềm tin là mất tất cả.

“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, sở dĩ người dân không mặn mà với báo chí có nguyên nhân sâu xa từ việc cơ quan báo chí, người làm báo chí chưa thể hiện hết vai trò, sứ mệnh của báo chí. Thử hỏi cái máy quay, cái máy chụp ảnh có tội tình gì, có căn cứ khoa học nào để dẫn đến việc cứ quay phim chụp ảnh là tôm chết, heo chết, dưa hấu nứt mình, rụng cuống...? Rồi còn chuyện cứ báo chí đưa tin, làm phóng sự thì dẫu có trúng mùa thì... rớt giá(?!). Những định kiến “kỳ cục” ấy, cơ hồ đã trở thành một ý niệm cực đoan có tính chất tâm linh tiêu cực, hết sức nguy hại, một sự phản tỉnh mà cơ quan báo chí, người làm báo phải thật sự chú ý.

Ðó là chưa kể việc một số ít người làm báo chưa xây dựng được sự chuẩn mực, phù hợp khi tiếp xúc với người dân ở cơ sở. Tác phong của người làm báo, dù cá tính riêng như thế nào đi nữa vẫn phải thể hiện được điều đầu tiên là trọng dân. Sự tôn trọng thể hiện qua những điều nhỏ nhất qua cách ăn mặc, lời ăn, tiếng nói, thái độ, cử chỉ... Nếu giữ thái độ bề trên, thể hiện hoặc thờ ơ, vô cảm thì rất khó để tiếp cận, khai thác thông tin, chớ đừng mong những tác phẩm báo chí tốt. Ðáng buồn hơn, một số ít người làm báo còn có những hành vi hạch sách, nhũng nhiễu, làm phiền người dân vì động cơ, mục tiêu không trong sáng. Ðiều này là điều cấm kỵ của người làm báo, nó được quy định trong luật, trong quy tắc ứng xử của nghề nghiệp, và đời hơn, đó còn là những giá trị cơ bản của đạo lý làm người.

Không học dân nên tư duy và năng lực của nhà báo khó có thể phát huy, phát triển, nếu không nói là thụt lùi. Nhà báo, phóng viên không phải là người “biết tuốt” mọi thứ. Sự khiêm tốn, học hỏi Nhân dân sẽ rất hữu ích, mở ra cả chân trời kiến thức mới để bản thân có thể tiến bộ hơn, hoàn thành công việc một cách hiệu quả hơn.

Trải nghiệm của bản thân, sinh ra ở cái nôi của nghề chiếu Tân Duyệt, ấy vậy mà trong một cuộc trò chuyện, có người đã đố tôi rằng: “Cái khung dệt chiếu thì ai cũng biết rồi, nhưng người trong nghề gọi chính xác đó là cái gì, đố nhà báo đó”. Tôi từ bất ngờ chuyển sang hổ thẹn vì không thể trả lời cho câu hỏi đó. “Cái không”, chính xác, còn tôi thì có một bài học nhớ đời. Ðó chỉ là một điều rất nhỏ, trong biển trời tri thức, kinh nghiệm của đời sống, của Nhân dân mà người làm báo dù có giỏi đến mấy cũng không tài nào thấu tỏ hết cho được.

Không ngừng học hỏi từ thực tiễn, từ Nhân dân, đội ngũ phóng viên, cộng tác viên của Báo Cà Mau không ngừng trưởng thành và gìn giữ sự chuẩn mực đạo đức người làm báo. (Ảnh: Cộng tác viên Báo Cà Mau tác nghiệp tại Vườn cò Tư Sự, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình).

Không ngừng học hỏi từ thực tiễn, từ Nhân dân, đội ngũ phóng viên, cộng tác viên của Báo Cà Mau không ngừng trưởng thành và gìn giữ sự chuẩn mực đạo đức người làm báo. (Ảnh: Cộng tác viên Báo Cà Mau tác nghiệp tại Vườn cò Tư Sự, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình).

Không vì Nhân dân, vì sứ mệnh nghề nghiệp nên một số người làm báo thường thích nêu vấn đề mà không đi đến cùng tận vấn đề. Gọi nôm na là làm báo kiểu “buông đuôi”. Bởi thế, với người dân, sự có mặt, có tham gia của báo chí hay không đôi khi không quá quan trọng. Người dân cũng không còn mặn mà để cung cấp nguồn tin, đồng hành cùng báo chí, thế là báo chí và người làm báo mất đi một kênh thông tin, một kho đề tài báo chí vô tận trong đời sống.

Không phụng sự Nhân dân nên dễ dẫn đến lầm đường, lạc lối, chạy theo lợi ích vật chất dẫn đến vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí là vi phạm pháp luật, bị pháp luật trừng trị.

Làm gì để khắc phục được những vấn đề nêu ra, đó là do nhận thức của người làm báo. Nhân dân vẫn ở đó, vẫn là cội nguồn của sức mạnh dân tộc, là hiện thực sinh động của cuộc sống, thay đổi hay không là ở người làm báo, cơ quan báo chí. Gần dân, trọng dân, tin dân, hiểu dân, học dân và phụng sự Nhân dân - nói thì ngắn nhưng để làm được thì vô cùng khó, cần cả quá trình nỗ lực cả về nhận thức, tư duy và hành động. Với người làm báo, hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất trong hình ảnh, phong cách giao tiếp với Nhân dân; tiếp đến là chịu khó đi cơ sở, chịu khó phê và tự phê, nỗ lực trau dồi cả tri thức, đạo đức để tiến bộ; cụ thể hơn là thể hiện điều đó thông qua những tác phẩm báo chí tốt, thấm đẫm hơi thở cuộc sống, nêu bật được tiếng nói của Nhân dân; và cao nhất, là góp phần làm tròn trọng trách, sứ mệnh của người làm báo, của cơ quan báo chí cách mạng: Phụng sự Ðảng, Tổ quốc và Nhân dân./.

Phạm Hải Nguyên

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/bao-chi-va-trach-nhiem-voi-dang-voi-nhan-dan-a34470.html