Báo chí Việt Nam làm gì để bắt kịp 'chuyến tàu' trí tuệ nhân tạo?
Chuyển đổi số báo chí, trong đó có chuyển đổi số phát thanh – truyền hình (PT-TH) liên tục được nhắc đến trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, thực chất để hiểu và triển khai được thì không hề dễ dàng.
Kỷ nguyên số với chuyển đổi số mở ra những cơ hội lớn cho báo chí truyền thông nói chung và phát thanh nói riêng. Việc tận dụng nền tảng số để đưa thông tin đến với công chúng là cơ hội rất lớn. Cùng với việc xuất hiện trên nền tảng số, với ưu thế về dữ liệu, về kinh nghiệm, về nội dung, các Đài Phát thanh và Truyền hình (PT-TH) dễ dàng và nhanh chóng thu hút được một lượng công chúng mới.
Dù phát thanh truyền thống hay hiện đại, mục tiêu là phục vụ công chúng
Chia sẻ tại hội thảo “Chuyển đổi số phát thanh: Thực tiễn quốc tế và Việt Nam” diễn ra ngày 12/7 tại Thanh Hóa, trong khuôn khổ Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XVI – năm 2024, ông Matthew O’Sullivan, Tổng Biên tập ABC News khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, dù thực hiện chuyển đổi số PT-TH bằng bất cứ cách nào, một trong những giá trị cốt lõi quan trọng của tòa soạn là các phóng viên, biên tập.
Vì thế chúng ta phải làm sao khuyến khích được sự say mê, khát vọng cống hiến để tìm cách thay đổi cách kể một câu chuyện theo yêu cầu mới.
“Một trong những yêu cầu của chúng tôi đó là phải xác định đối tượng công chúng mục tiêu để từ đó cách kể câu chuyện, tiếp cận. Nếu khán thính giả là giới trẻ, thì cùng câu chuyện đó, cách kể chuyện phải có cách thể hiện hiện đại, sử dụng công nghệ để hấp dẫn và tăng sự tương tác với công chúng”, ông Mathew cho hay.
Theo ông Mathew, tòa soạn hội tụ, ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo vào hoạt động sản xuất chương trình sẽ là nguồn thông tin tham khảo quý giá giúp đội ngũ quản lý cũng như các biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên của các đài PT-TH hiểu rõ hơn về chuyển đổi số để có thể thay đổi và thích ứng, xây dựng một chiến lược chuyển đổi số phù hợp với điều kiện của từng đơn vị.
“Ở ABC News, chúng tôi yêu cầu: chuyển đổi số trong tác nghiệp, tự giác cập nhật kiến thức chuyển đổi số vào việc sáng tạo tác phẩm báo chí là điều bắt buộc với tất cả phóng viên. Chúng tôi khuyến khích mỗi phóng viên khi thể hiện tin, bài viết tự quay lại clip của chính bản thân lúc đó. Với những thử nghiệm đó, chúng tôi ghi nhận sự thành công đáng kể khi gia tăng mạnh tương tác của khán thính giả với các phóng viên, biên tập viên”, ông Mathew chia sẻ.
“Tôi nghĩ, từ hội thảo hôm nay, Việt Nam cũng nên mạnh mẽ, quyết liệt hơn để trí tuệ nhân tạo, nền tảng số sẽ là một phần trong quá trình phát triển đi lên. Muốn vậy, đào tạo - cập nhật kịp thời những xu hướng, cách làm mới từ báo chí khu vực phải được gấp rút tiến hành”, ông Mathew đề xuất.
Tiến sĩ Veysel Binbay, Giám đốc Ban Công nghệ và Đổi mới - Hiệp hội Phát thanh Truyền hình châu Á - Thái Bình Dương bày tỏ vui mừng vì chứng kiến nhiều cơ quan báo chí tại Việt Nam, trong đó có VOV đã tiếp cận nhanh với nhiều công nghệ hiện đại.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất của chuyển đổi số chính là ở con người và tư duy để làm sao tạo ra được một quy trình sản xuất mới, những thông tin mới…
“Hợp tác và trao đổi các vấn đề tin tức, thời sự giữa trụ sở và các đài khu vực là xu hướng mà chúng ta cần tính đến để vừa làm phong phú, đa dạng nguồn thông tin, vừa hỗ nhau tiết giảm chi phí sản xuất các sản phẩm báo chí vốn tiêu tốn khá lớn nguồn kinh phí hoạt động”, ông Veysel Binbay cho hay.
Báo chí Việt Nam sẽ làm gì để có thể bắt kịp "chuyến tàu" trí tuệ nhân tạo?
Chia sẻ ý kiến về việc chuyển đổi số báo chí, ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập Vietnamplus nêu ý kiến, một số chuyên gia của ngành truyền thông – báo chí từng nói: “Ngành truyền thông đã lỡ tàu trong cách mạng công nghệ 4.0, vì thế không thể tiếp tục bỏ lỡ chuyến tàu trí tuệ nhân tạo”.
Theo ông Nguyễn Hoàng Nhật, chưa bao giờ việc sản xuất chương trình lại nhanh và dễ dàng như hiện nay nhờ có các công cụ công nghệ như trí tuệ nhân tạo. Báo chí Việt Nam đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo ở một số khâu và đã thu được những kết quả đáng ghi nhận.
“Thế giới đã đi rất nhanh trong việc ứng dụng thành tựu công nghệ, trong đó có công nghệ trí tuệ nhân tạo trong công tác sản xuất. Vậy, báo chí Việt Nam sẽ làm gì để có thể bắt kịp chuyến tàu trí tuệ nhân tạo?”, ông Nguyễn Hoàng Nhật đặt câu hỏi.
Hiện nay, một số cơ quan báo chí Việt Nam ứng dụng từ chatbot đến trợ lý ảo trong tóm tắt nội dung, đề xuất tin liên quan theo thói quen, lứa tuổi và mối quan tâm của người dùng. Trong việc lọc bình luận nhờ sử dụng trí tuệ nhân tạo, các bình luận xấu được chốt chặn nhanh và tốt hơn, bớt rất nhiều việc cho con người.
“Trí tuệ nhân tạo không làm mất bớt việc của phóng viên, biên tập viên. Nếu sử dụng công nghệ này tốt có thể giúp giảm đáng kể các công việc trong khâu sản xuất sản phẩm, chương trình. Từ làm bảng biểu, soát lỗi chính tả, đề xuất từ ngữ thay thế phù hợp ngữ cảnh…. làm cho tác phẩm hoàn thiện nhanh và chính xác hơn”, ông Nhật cho hay.
Song rõ ràng, thách thức hiện nay đối với báo chí Việt Nam là chưa có khung khổ pháp lý cho việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, khiến việc thanh toán, hợp lý hóa các giấy tờ khó khăn rất nhiều cho các cơ quan báo chí truyền thông.