Báo chí Việt Nam muốn phát triển phải đổi mới và giữ được giá trị cốt lõi
Chiều 15/3, trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc năm 2024, Diễn đàn báo chí toàn quốc đã được tổ chức nhằm chia sẻ thông tin về nghề báo cũng như kinh nghiệm làm báo trong thời kỳ công nghệ số ngày càng phát triển.
TP Hồ Chí Minh mong báo chí đồng hành
Tại Diễn đàn, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, sau nhiều năm Hội báo toàn quốc đều được tổ chức ở thủ đô Hà Nội, năm nay Ban tổ chức quyết định đổi địa điểm đăng cai là TP Hồ Chí Minh. Đây là cơ hội để báo chí TP Hồ Chí Minh thúc đẩy cộng tác thông tin, phối hợp hoạt động chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan báo chí trên khắp cả nước trong thời gian tới.
"Hiện nay, tại TP Hồ Chí Minh có nhiều cơ quan báo chí hàng đầu cả nước cùng đội ngũ phóng viên, biên tập viên “thiện chiến”. Vì thế, TP Hồ Chí Minh luôn ghi nhận và đánh giá rất cao sự đóng góp của báo chí trong cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung và trong quá trình xây dựng, phát triển TP Hồ Chí Minh nói riêng. TP Hồ Chí Minh cũng không phân biệt báo Trung ương hay báo của Thành phố, thay vào đó luôn xem lực lượng báo chí thống nhất và đóng góp quan trọng cho sự phát triển thành phố", đồng chí Phan Văn Mãi chia sẻ.
Đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh: Trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh mong muốn các cơ quan Trung ương và các cơ quan báo chí địa phương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Thành phố; là "tai, mắt" của Thành phố để giúp nhìn rõ hơn về chiến lược cũng như các định hướng, biện pháp, giải pháp sắp tới. Trong lịch sử, TP Hồ Chí Minh được biết đến sự năng động, sáng tạo, tìm tòi những cách làm mới, có khi "xé rào" quy định. Nhưng năng động thế nào trong bối cảnh hiện nay, TP Hồ Chí Minh vẫn mong muốn báo chí bằng kinh nghiệm của mình có thể phân tích thêm, khơi thêm được sự năng động, sáng tạo nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ hoặc sẽ sớm được tổng kết để TP Hồ Chí Minh có những giải pháp đột phá.
"Năm 2025 là kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều kế hoạch để triển khai các hoạt động chào mừng. Vì vậy, tôi mong muốn báo chí sẽ tham gia, đồng hành cùng thành phố, không chỉ dừng lại ở tuyên truyền mà tham gia nhiều nội dung, hoạt động khác nhau để lan tỏa hình ảnh của TP Hồ Chí Minh đến đông đảo người dân cả nước và ngoài nước", đồng chí Phan Văn Mãi nói.
Báo chí phải làm hơn những gì đang làm
Tại diễn đàn, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông nhận định, công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ nhất đối với lĩnh vực báo chí, truyền thông và tạo ra sự thay đổi căn bản của lĩnh vực này, đồng thời cũng là trận địa chính của báo chí.
“Vì vậy, báo chí phải làm những việc mới, phải làm hơn những gì đang làm. Nghĩa là, báo chí cần một không gian rộng hơn tiêu chí “Ai, cái gì, khi nào và ở đâu”. Bởi ngày nay, độc giả mong muốn biết những gì ở sau những tin tức kia, đó có thể là một sự diễn giải, phân tích hoặc bình luận tin tức; đó cũng có thể là một cái nhìn đa chiều, một sự thấu hiểu sâu sắc và trí tuệ, một sự diễn giải thú vị, đầy tính gợi mở hoặc một giải pháp cho những vấn đề của đất nước. Do đó, báo chí muốn phát triển thì cần không gian mới, cần yếu tố, lực lượng và nguồn lực sản xuất mới, kể cả cần động lực mới", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, không gian mới là không gian số, lực lượng sản xuất mới là công nghệ số, nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số, yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số, động lực mới là đổi mới sáng tạo số. Bởi vậy, đầu tư vào công nghệ số, nhân lực số, dữ liệu số và đổi mới sáng tạo số sẽ là đầu tư vì tương lai của báo chí Việt Nam.
"Tuy nhiên, những khó khăn và những vấn đề của báo chí gần đây không làm giảm đi vai trò của báo chí mà chỉ nói lên một điều là báo chí cần phải đổi mới. Theo đó, công nghệ số, Internet và truyền thông xã hội là những cú huých mạnh mẽ để đổi mới báo chí Việt Nam. Muốn đi xa thì phải về gần, báo chí muốn đổi mới thì phải tìm về và giữ vững những giá trị cốt lõi và sứ mệnh ban đầu của báo chí cách mạng", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, ngày nay báo chí đổi mới không phải là một việc quá khó. Thực tế, đổi mới là đi tìm một cách làm dễ hơn cho một việc khó hơn. Cách làm mới đó thường xuất hiện từ một góc nhìn khác, một cách tiếp cận khác. Cụ thể, đổi mới là thay vì viết thì hãy làm nền tảng để mọi người viết; thay vì để mọi người đọc trên trang web của mình thì hãy để họ đọc trên các nền tảng khác nhau; thay vì cung cấp thông tin thì hãy cung cấp tri thức; thay vì tự làm thì hãy hợp tác; thay vì để phóng viên phải xử lý rất nhiều thông tin thì hãy để họ xử lý những thứ mà rất ít thông tin và để cho AI xử lý rất nhiều thông tin; thay vì tránh tai nạn thì hãy kiểm soát tai nạn...