Báo chí với biển đảo quê hương

Ý thức rõ trách nhiệm của báo chí trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên biển, các nhà báo, phóng viên cũng đang dùng ngòi bút đanh thép của mình 'tiếp lửa' cho người lính nơi đầu sóng ngọn gió, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biển trời Việt Nam.

Nối đất liền với hải đảo biên cương

Một món quà mà những người lính đảo vô cùng trân quý mỗi lần có đoàn công tác của nhà báo, phóng viên ra thăm, đó chính là những tờ báo, tạp chí, đặc san tới từ đất liền. Nhìn cuốn báo cũ được nâng niu trên tay, lật dở đến sờn góc, đủ thấy món ăn tinh thần này quý giá đến nhường nào với các chiến sĩ hải quân.

Người lính hiên ngang giữa đất trời, bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Người lính hiên ngang giữa đất trời, bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Những người lính đảo đã vậy, chiến sĩ nơi giàn khoan càng thiếu thốn. Họ khao khát được nghe tin từ đất liền, được vui niềm vui chung, cảm nhận không khí hân hoan suốt “dải đất hình chữ S” mỗi dịp Tết đến Xuân về và cả những ngày lễ trọng đại của đất nước. Không gì khác, báo chí chính là sợi dây kết nối, đem đến cho người lính chút ấm áp giữa mênh mông biển trời.

Thế nhưng không chỉ có vậy. Thượng tá Phạm Văn Thọ, Chính ủy Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân đã từng chia sẻ với phóng viên: “Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho các cơ quan đơn vị trong lữ đoàn, nhất là các đơn vị đóng quân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa có một vị trí, vai trò rất quan trọng, bởi nó đóng góp vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ chung của đơn vị. Đặc biệt, chúng tôi quan tâm đến các đồng chí là hạ sĩ quan, chiến sĩ lần đầu ra đảo thực hiện nhiệm vụ. Cần giáo dục về truyền thống, về nhiệm vụ để xây dựng bản lĩnh và đặc biệt là định hướng tư tưởng, cho cán bộ chiến sĩ có nhận thức đúng thì sẽ có hành động đúng và quyết tâm cao để trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đạt kết quả tốt nhất”.

Tờ báo được nâng niu trên tay người lính đảo.

Tờ báo được nâng niu trên tay người lính đảo.

Và một trong những phương pháp giáo dục vừa hiệu quả, vừa dễ dàng ăn sâu vào tư tưởng của các chiến sĩ là qua báo chí. Mỗi tờ báo các chiến sĩ đọc đều được cấp trên lựa chọn kỹ, trong đó có nhiều bài viết khẳng định chủ quyền biển đảo dân tộc; thể hiện tiếng nói đanh thép của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về vấn đề biển Đông; ca ngợi những người lính đảo đang kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió để bảo vệ biên cương Tổ quốc và cả tấm lòng, trái tim của người dân đất liền gửi gắm tới đảo xa. Cứ như vậy, ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo và ý chí quật cường được bồi đắp mỗi ngày, thấm nhuần trong đời sống tinh thần của người lính.

Tới thăm nhà giàn, trải nghiệm phần nào cuộc sống thiếu thốn và khắc nghiệt nơi đây, ai cũng ấn tượng trước sự rắn rỏi, kiên cường của người lính hiên ngang mang súng đứng giữa trời. Và có lẽ điều các chiến sĩ hải quân trăn trở nhất là người thân nơi quê nhà. Bởi lời thủ thỉ lúc sắp chia tay phóng viên của cậu lính chỉ là: “Anh chị có viết về chúng em thì cho ảnh chúng em lên với nhé, để bố mẹ ở nhà cũng được thấy mà yên tâm”. Vậy là chúng tôi mang theo bao tâm tình của người lính biển gửi về đất liền, cả nỗi đau đáu nhớ thương, niềm tự hào và lòng quyết tâm gói gọn trong nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt đen sạm.

Nhiệm vụ lớn với biển đảo Tổ quốc

Nặng lòng với tâm tình của người lính nơi đảo xa, những người làm báo càng ý thức rõ ràng hơn về trọng trách của báo chí trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Thời gian qua, các cơ quan báo chí đã tham gia rất tích cực và có hiệu quả trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về vị trí chiến lược của biển, đảo Việt Nam, cũng như trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia của toàn xã hội. Thông tin trên báo chí đã góp phần cổ vũ tinh thần yêu nước, khơi gợi lòng tự hào dân tộc trong xây dựng và bảo vệ đất nước; nâng cao ý thức đấu tranh bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong các tầng lớp Nhân dân, tạo sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè và dư luận quốc tế.

Nhà giàn thêm rộn ràng khi đón đoàn khách tới thăm.

Nhà giàn thêm rộn ràng khi đón đoàn khách tới thăm.

Bên cạnh tuyên truyền bảo vệ chủ quyền quốc gia, công tác tuyên truyền đã phản ánh đậm nét nhiệm vụ phát triển kinh tế biển. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên thực hiện các chuyến công tác vùng hải đảo, bám biển cùng ngư dân để có những tin bài nóng hổi, phản ánh sự hiện diện của người dân Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam. Chính điều này đã thể hiện biển, đảo là một bộ phận không thể tách rời trong toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

Có thể nói rằng, báo chí đã chuyển tải được tinh thần, chủ trương xử lý vấn đề biển Đông của Đảng, Nhà nước ta đến với các tầng lớp Nhân dân, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội. Góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân về vị trí chiến lược của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên hiện nay, sự phát triển của các kênh thông tin xuyên biên giới khiến nhiệm vụ đấu tranh thông tin quốc tế ngày càng gay gắt, đòi hỏi báo chí trong tuyên truyền về biển, đảo, biên giới phải đảm bảo tính chính xác, kịp thời, sắc sảo, thuyết phục.

Theo đó, báo chí cần truyền tải thông tin tới Nhân dân Việt Nam cả trong và ngoài nước để họ nắm bắt đầy đủ thông tin, tích cực ủng hộ và động viên lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và ngư dân kiên cường bám biển, khôn khéo trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia. Đặc biệt, thể hiện niềm tin vững chắc, khẳng định quan điểm giải quyết mọi mâu thuẫn, bất đồng thông qua đàm phán, hòa bình.

Báo chí cần khẳng định sự kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia của Đảng và Nhà nước, coi đó là yêu cầu tối thượng, bảo vệ chủ quyền quốc gia gắn với bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ thành quả của cách mạng, bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác để xây dựng và phát triển, bảo vệ tình đoàn kết, hữu nghị với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Báo chí cần chủ động đồng hành với Quân chủng Hải quân để có thể đưa nhà báo, phóng viên tác nghiệp thực tế hoặc tiếp nhận thông tin. Từ đó phản ánh toàn diện và sâu sắc về kết quả thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, đối ngoại quốc phòng của Quân chủng Hải quân, đập tan mọi luận điệu khiêu khích gây chia rẽ của các thế lực thù địch.

Mỗi cơ quan báo chí cũng cần tăng cường tuyên truyền về những chính sách của Đảng, Nhà nước chăm lo cho hậu phương cán bộ, chiến sĩ công tác nơi biển đảo. Khích lệ, động viên cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân, các lực lượng bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo; khuyến khích Nhân dân định cư ổn định lâu dài trên đảo, làm ăn dài ngày trên biển; tuyên truyền bồi đắp tình yêu, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp Nhân dân đối với biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Giữ vững chủ quyền biển đảo vừa là trách nhiệm, vừa là tình yêu, sự biết ơn của những người làm báo. Bởi, trên cùng một chiến tuyến, các nhà báo, phóng viên cũng đang dùng ngòi bút đanh thép của mình “tiếp lửa” cho người lính nơi đầu sóng ngọn gió, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biển trời Việt Nam.

Hoàng Trường Giang

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/bao-chi-voi-bien-dao-que-huong-436671.html