Bão chồng lũ khiến 17 người chết, 13 người mất tích
Mưa lũ vẫn đang hoành hành các tỉnh miền Trung, tính đến 19h ngày 11/10, mưa lũ đã làm 17 người chết, 13 người mất tích, nước của một số con sông tại các tỉnh Miền Trung từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi vẫn đang lên.
Theo báo cáo của các địa phương, tình hình thiệt hại ban đầu tính đến 19h ngày 11/10, mưa lũ tại các tỉnh miền Trung đã làm 17 người chết, trong đó Quảng Trị 6 người, Huế 3 người, Quảng Ngãi 1 người, Gia Lai 1 người, ĐăkLăk 1 người , Quảng Nam 3 người, Quảng Bình 1 người, Lâm Đồng 1 người.
Chỉ riêng trong ngày 11/10, số người chết đã tăng lên 8 người so với báo cáo ngày 10/10, trong đó Quảng Trị thêm 3 người chết, Quảng Nam thêm 2 người chết, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Lâm Đồng thêm 1 người chết.
Hiện vẫn còn 13 người mất tích, trong đó Quảng Bình 1, Quảng Trị 6, Huế 1, Đà Nẵng 4, Gia Lai 1, giảm 1 người ở Quảng Trị đã tìm thấy thi thể...
Tính đến ngày 10/10, mưa lũ cũng làm hơn 33 ngàn căn nhà bị thiệt hại, trong đó 4 nhà bị hư hỏng hoàn toàn. Tổng cộng có 206 xã/phường bị ngập, độ ngập sâu từ 0,3m đến 3m. Tổng số hộ bị ngập là 109.034 hộ.
Tại Thừa Thiên-Huế có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to trên diện rộng. Mưa lớn khiến mực nước tại các hồ chứa và thủy điện lên rất cao và nhận lệnh xả lũ để bảo đảm an toàn đập. Điều này khiến mực nước sông Hương và sông Bồ lên nhanh vượt mức báo động III và dự báo tiếp tục lên trong đêm 11/10 đến sáng 12/10.
Hầu hết các tuyến đường tỉnh đã ngập sâu, tắc giao thông, ngành giao thông đã rào chắn hạn chế đi lại. Hệ thống đường ở các huyện, thị xã hầu hết cũng ngập úng, hàng nghìn nhà cửa bị ngập sâu, cô lập.
Do ảnh hưởng của triều cường bờ biển tiếp tục bị sạt lở nặng với chiều dài hơn 10,0km tập trung ở các đoạn qua xã Vinh Hải nay xã Giang Hải với dài 3,5 km, qua xã Phú Thuận hơn 2,5 km, qua xã Phú Diên dài hơn 2,0km…
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã chỉ đạo cho học sinh các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang và thị xã Hương Trà nghỉ học từ 12-13/10.
Tại Quảng Trị, mưa lũ 5 ngày liên tiếp đã làm 6 người tử vong, 6 người mất tích. Vùng đồng bằng, trung du, TP Đông Hà và các huyện lân cận có nhiều nơi bị ngập nặng.
Tại huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế, hệ thống đường ở các huyện, thị xã hầu hết cũng ngập úng, hàng nghìn nhà cửa bị ngập sâu, cô lập.
Lũ trên các sông đều lên nhanh và đạt đỉnh ở mức trên báo động 2 đến báo động 3, có nơi trên báo động 3, riêng sông Hiếu (tại trạm Thủy văn Đông Hà) vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1983. Trên địa bàn tỉnh có 39.741 hộ với 122.364 người bị ảnh hưởng bởi ngập lụt.
Tại Quảng Nam, do mưa lớn cùng các nhà máy thủy điện xả lũ, nhiều địa phương tại Quảng Nam bị ngập sâu. Trong đó, các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn và TP Hội An là những địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 6 khiến nhiều nơi ở huyện miền núi Nam Trà My sạt lở nặng, hàng nghìn khối đất đá tràn xuống khiến giao thông bị chia cắt. Nhiều đoạn trên tuyến Quốc lộ 1A qua địa bàn Quảng Nam cũng bị ngập nước, giao thông khó khăn.
Tại Đà Nẵng, theo số liệu cập nhật, có 9/11 xã của huyện Hòa Vang bị ngập sâu, có nơi nước ngập hơn 1,5m, nhấn chìm nhiều nhà cửa, hoa màu. Chính quyền Đà Nẵng phải di dời 752 hộ/2.558 người tại các xã Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Phú, Hòa Liên, Hòa Bắc, Hòa Ninh, Hòa Khương, Hòa Châu, Hòa Tiến và quận Cẩm Lệ đến nơi an toàn.
Tỉnh Quảng Bình có 15.000 nhà bị ngập lụt, nhiều công trình thủy lợi, giao thông bị hư hỏng nghiêm trọng. Huyện Lệ Thủy bị ngập lụt nặng nhất với hơn 9.100 nhà bị ngập nước, huyện Quảng Ninh với trên 4.800 nhà.
Tại Quảng Ngãi, bão số 6 kèm gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 khiến hàng loạt cây xanh ở Lý Sơn gãy đổ, toàn huyện đảo này mất điện và 4 người dân bị thương.
Mưa lũ làm cho 8 người dân trong tỉnh bị thương, một ngôi nhà bị sập, 71 nhà bị tốc mái, hư hỏng… Nhiều tuyến giao thông bị sạt lở, nước lũ chia cắt nên chính quyền địa phương cử lực lượng canh gác, không cho người và phương tiện qua lại.
Chiều 11/10, khi bão số 6 chưa tan hẳn, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia tiếp tục thông tin về áp thấp nhiệt đới mới trên biển Đông.
Vào hồi 1h ngày 12/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 118,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 630km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 24h tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh lên thành bão.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới trên biển Đông và tình hình mưa lũ đang diễn biến hết sức phức tạp tại khu vực Trung Bộ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT – Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN có công điện yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố; các Bộ, ngành triển khai theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực nguy hiểm, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ của các phương tiện, quản lý chặt chẽ tàu thuyền ra khơi. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời khi có tình huống.