Bảo đảm an ninh, trật tự tại các bệnh viện: Cần quyết liệt xử lý vi phạm
Dù đã có sự phối hợp giữa các bên nhưng vi phạm trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, các hành vi trộm cắp, móc túi, hành hung y, bác sĩ, nhân viên y tế… vẫn xảy ra trong và ngoài các bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội. Do vậy, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp, quyết liệt xử lý vi phạm nhằm hạn chế những vụ việc gây mất an ninh, trật tự, ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh.
Tình trạng lộn xộn tại cổng Bệnh viện Bạch Mai luôn tiềm ẩn nhiều vi phạm về trật tự đô thị, an toàn giao thông. Ảnh: Bá Hoạt
Còn diễn biến phức tạp
Ngày 27-11, có mặt tại cổng Bệnh viện Bạch Mai (đường Giải Phóng, quận Đống Đa), phóng viên Báo Hànôịmới có thể dễ dàng nhận thấy nơi đây luôn xuất hiện nhiều vi phạm về trật tự đô thị, an toàn giao thông.
Là lái xe ôm thường xuyên phải chở khách đến khu vực này, anh Vũ Văn Hưng (quê tỉnh Thái Bình) cho biết, xung quanh cổng bệnh viện thường xuyên xảy ra ùn tắc bởi có rất nhiều xe taxi, xe ôm chờ đón khách, bất chấp việc các lực lượng chức năng nỗ lực dẹp bỏ. “Tội phạm cũng lợi dụng sự lộn xộn trước cổng bệnh viện để hoạt động, đã có nhiều trường hợp bệnh nhân và người nhà bị trộm cắp tài sản”, anh Vũ Văn Hưng nói.
Cũng xảy ra tình trạng như trên, nhưng khu vực cổng Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức (phố Phủ Doãn, quận Hoàn Kiếm) còn thêm tình trạng bán hàng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.
Chị Dương Thị Quyên (quê tỉnh Thanh Hóa) thường xuyên qua lại đây cho biết, khu vực cổng Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức rất nguy hiểm mỗi khi bệnh nhân và người nhà phải đi dưới lòng đường đông đúc xe cộ, dễ xảy ra tai nạn giao thông…
Đây cũng là thực trạng xảy ra tại nhiều cơ sở y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội như Bệnh viện Việt - Pháp Hà Nội, Viện Bỏng quốc gia, Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều)…
Theo Phó Chủ tịch UBND phường Định Công (quận Hoàng Mai) Nguyễn Cường Hùng, trên địa bàn phường có Bệnh viện Bưu điện (cơ sở 1) là nơi tiềm ẩn nhiều phức tạp về an ninh, trật tự. Năm 2019 có 4 vụ việc về an ninh, trật tự xảy ra và đã được xử lý. Song, con số đó chưa phản ánh hết được thực trạng mất trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông ở đây.
“Môi trường đông bệnh nhân, người nhà bệnh nhân lưu trú cũng là điều kiện để các đối tượng cò mồi, trộm cắp, lừa đảo lợi dụng trà trộn hoạt động phạm pháp, gây mất an ninh trật tự trong bệnh viện”, ông Nguyễn Cường Hùng chia sẻ.
Thời gian qua, bên trong các bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng xảy ra nhiều vụ việc hành hung y, bác sĩ, nhân viên y tế, gây mất an ninh trật tự. Gần đây nhất, ngày 4-11, một nữ điều dưỡng Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức đang mang thai 4 tháng đã bị bệnh nhân hành hung ngay trong giờ làm việc.
Theo Công an thành phố Hà Nội, trong 5 năm qua đã có 14 vụ hành hung nhân viên y tế tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn… Công an các địa phương đã khởi tố 9 vụ với 12 bị can, xử lý hành chính 4 vụ…
Thực tế qua 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự với các bệnh viện trên địa bàn thành phố, Công an thành phố Hà Nội đã tổ chức đấu tranh, xử lý 242 vụ trộm cắp tài sản, 5 vụ cố ý gây thương tích, 206 vụ gây rối trật tự công cộng, 7 vụ chống người thi hành công vụ, 13 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 94 vụ cò mồi... tại khu vực các bệnh viện. Công an thành phố Hà Nội cũng đã phát hiện, xử lý hơn 21.000 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông tại khu vực bệnh viện, cơ sở y tế với số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 12 tỷ đồng…
Phối hợp nhiều giải pháp
Bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) cho rằng, nguyên nhân của thực trạng trên là do sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong xử lý vi phạm thiếu quyết liệt...
Theo bà Vũ Thị Minh Hạnh, nếu không quan tâm đúng mức đối với vấn đề giữ gìn an ninh, trật tự tại các bệnh viện thì rất có thể tình trạng hành hung nhân viên y tế sẽ ngày càng tăng. Hậu quả sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình hành nghề của nhân viên y tế, kết quả khám, chữa bệnh của cơ sở y tế và đặc biệt là việc chăm sóc người bệnh.
Tình trạng quá tải là một trong những nguyên nhân gây mất an ninh, trật tự tại các bệnh viện. Trong ảnh: Điều trị cho người bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức. Ảnh: Thái Hiền
Theo ông Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai, việc bố trí lực lượng bảo vệ, công an hay lắp đặt camera an ninh ở bệnh viện rất cần thiết nhưng chưa đủ. Điều quan trọng nhất là phải giáo dục ý thức, nâng cao nhận thức cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khi vào bệnh viện khám, chữa bệnh. Cùng với đó, pháp luật phải đủ mạnh, nghiêm minh để ngăn chặn tình trạng bạo hành trong ngành Y tế.
Đưa ra những giải pháp để hạn chế tình trạng mất an ninh tại bệnh viện, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, ngoài việc củng cố lại cơ sở vật chất, trang thiết bị an ninh, có ưu tiên các khoa có nguy cơ mất an ninh cao, các bệnh viện cũng cần bồi dưỡng cách giao tiếp, ứng xử cho cán bộ y tế, giảm bớt xung đột giữa bác sĩ với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu trung ương đề nghị cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, ví dụ tuyên truyền, giáo dục nhân viên y tế; tăng mức độ xử phạt với những hành vi bạo hành cán bộ y tế. Ngoài ra, các bệnh viện cần thuê đội ngũ bảo vệ chuyên nghiệp, có nghiệp vụ chứ không chỉ có nhiệm vụ kiểm tra thủ tục giấy tờ người bệnh.
Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, Công an thành phố Hà Nội đã ký kết quy chế phối hợp với 33 bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn thành phố. Trong đó, Công an thành phố sẽ tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình các tổ công tác đặc biệt; tổ chức bồi dưỡng, đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ cho đội ngũ bảo vệ bệnh viện; nâng cao kỹ năng xử lý tình huống, năng lực tự bảo vệ cho đội ngũ y, bác sĩ. Bên cạnh đó, công an sẽ kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm đội ngũ y, bác sĩ.