Bảo đảm an sinh xã hội - Không để ai bị bỏ lại phía sau

Những năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tập trung thực hiện tốt công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân với mục tiêu: Không để ai bị bỏ lại phía sau. An sinh xã hội ngày càng được chăm lo song song với phát triển kinh tế - xã hội là nền tảng để tỉnh vươn mình phát triển nhanh và bền vững.

Những chính sách đặc thù của tỉnh hướng tới người nghèo, người yếu thế

Đồng chí Đặng Văn Diên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TU ngày 21/8/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh đã và đang tiếp tục bổ sung, hoàn thiện nhiều cơ chế, chính sách trợ giúp xã hội, ưu tiên hỗ trợ người nghèo, người khuyết tật, đối tượng yếu thế. Hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ đối tượng chính sách, yếu thế trong xã hội được quan tâm, nhiều chính sách hỗ trợ luôn ở mức cao hơn quy định chung của cả nước. Đây chính là bước đệm quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, phấn đấu đến năm 2025 tỉnh không còn hộ nghèo.

Thời gian qua, tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng, tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội thông qua việc ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, các chính sách đặc thù riêng của tỉnh. Nổi bật như: Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế (BHYT) cho người từ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi; hỗ trợ mức đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình nông nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2023 - 2025; chính sách nâng mức hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng cho người cao tuổi cô đơn thuộc hộ nghèo, mở rộng đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng là người cao tuổi cô đơn thuộc hộ cận nghèo… Đây là những chính sách thiết thực, nhận được sự đồng tình cao của các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người yếu thế…

Là người cao tuổi, cô đơn thuộc hộ nghèo, bà Nguyễn Thị Hoạt ở xã Phạm Ngũ Lão (Kim Động) được hưởng chính sách theo mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội và chính sách trợ giúp xã hội đối với một số đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Với số tiền trợ cấp là 2.250.000 đồng/tháng, bà đã thoát nghèo. Cuộc sống của bà Hoạt đã bớt khó khăn, tuổi già bớt khó nhọc.

An cư, lạc nghiệp là ước mơ của bao gia đình thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn… Tiếp nối thành công của Chương trình Chung tay xây dựng nhà ở cho hộ nghèo và hộ nạn nhân chất độc da cam tỉnh Hưng Yên năm 2023, để tiếp tục hỗ trợ hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo và triển khai phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên phạm vi cả nước đến năm 2025”, năm 2024, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục triển khai kế hoạch hỗ trợ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Hưng Yên xây dựng và sửa chữa nhà ở đợt 1 năm 2024. Theo đó, căn cứ kết quả rà soát, thẩm định tại các địa phương, trong đợt 1 có 240 hộ nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện để được hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở. Mức hỗ trợ 80 triệu đồng/hộ xây mới và 40 triệu đồng/hộ sửa chữa. Cùng với đó, các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, nhà hảo tâm… quan tâm hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn về nhà ở có điều kiện xây mới, sửa chữa nhà ở.

Khánh thành, bàn giao nhà Đại đoàn kết cho bà Phạm Thị Cậy, phường Lê Lợi (thành phố Hưng Yên)

Khánh thành, bàn giao nhà Đại đoàn kết cho bà Phạm Thị Cậy, phường Lê Lợi (thành phố Hưng Yên)

Phấn khởi trong ngôi nhà kiên cố, vững chãi, bà Phạm Thị Cậy ở phường Lê Lợi (thành phố Hưng Yên) xúc động chia sẻ: Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, ngôi nhà ở đã xuống cấp từ lâu nhưng chưa đủ kinh phí để xây dựng. Tôi cảm ơn các cấp chính quyền, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp, doanh nghiệp… đã quan tâm, giúp đỡ hỗ trợ kinh phí xây nhà. Ngôi nhà mới hoàn thiện, gia đình tôi có thêm động lực, cố gắng lao động sản xuất để từng bước ổn định cuộc sống.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Cùng với thực hiện hiệu quả các chính sách đặc thù, thời gian qua, tỉnh đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, kịp thời các chính sách hỗ trợ giảm nghèo như: Hỗ trợ về tín dụng ưu đãi; hỗ trợ đào tạo nghề gắn với tạo việc làm; hỗ trợ về giáo dục và đào tạo; hỗ trợ về y tế… Trong năm 2024, toàn tỉnh đã tổ chức thăm, tặng quà 204.211 lượt người có công, gia đình liệt sĩ; người cao tuổi; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng khác… với tổng kinh phí trên 120 tỷ đồng.

Năm 2024, bão số 3 (Yagi) đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân ở nhiều địa phương. Cấp ủy, chính quyền các cấp cùng với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân đã chung tay giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3 ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất. Bà Lê Thị Lục, hộ cận nghèo ở xã Minh Hải (Văn Lâm) bày tỏ: Nhà ở của gia đình tôi bị ảnh hưởng của bão số 3, tôi đã được các đồng chí lãnh đạo huyện, xã quan tâm thăm hỏi, tặng quà. Tôi rất xúc động.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, các ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án về hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin… Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền các cấp đã tập trung huy động tối đa các nguồn lực xã hội hỗ trợ để giảm nghèo một cách bền vững. Đến nay, tỉnh có huyện Văn Giang không còn hộ nghèo.

Với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, các hộ nghèo, hộ cận nghèo, người yếu thế tiếp cận tốt hơn chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng. Mức sống của người dân được cải thiện. Đến hết năm 2024, tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 0,44% (hoàn thành sớm hơn so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra).

Thu Yến

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/bao-dam-an-sinh-xa-hoi-khong-de-ai-bi-bo-lai-phia-sau-3178233.html