Bảo đảm an toàn cho tàu thuyền mùa mưa bão
Mùa mưa bão 2024 đến muộn hơn so với nhiều năm, nên những tháng cuối năm, tình hình vẫn còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Công tác bảo đảm an toàn cho tàu thuyền vẫn đang được các tỉnh và các đơn vị liên quan quan tâm, nhất là trong những đợt bão lớn.
Cơn bão số 3 hồi đầu tháng 9 được dự báo có cường độ mạnh nhất trong 30 năm trở lại đây. Khi cơn bão mới vào biển Đông và còn khá xa vùng biển Việt Nam, Thanh Hóa đã có 8 công điện và chỉ đạo để triển khai các giải pháp ứng phó. Trong đó, lực lượng bộ đội biên phòng và chính quyền các địa phương đã phối hợp kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú. Các đài thông tin duyên hải cũng được chỉ đạo liên tục thông tin diễn biến của bão, thông báo vùng nguy hiểm và hướng thoát ra nhanh nhất, đồng thời kêu gọi phương tiện nhanh chóng trở về những nơi tránh trú. Trên bờ, ban quản lý các cảng, âu tránh trú và các địa phương cũng vào cuộc tích cực để bố trí chỗ neo đậu an toàn.
Từ nhiều năm qua, mỗi khi có mưa bão, Âu tránh trú tàu thuyền Lạch Hới ở phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn) lại trở nên nhộn nhịp. Hàng trăm phương tiện sau khi cập bến cá để chuyển hải sản lên bờ đều được lực lượng bộ đội biên phòng và cán bộ Ban Quản lý Cảng cá Thanh Hóa yêu cầu sớm di chuyển vào âu tránh trú. Nơi đây luôn có các cán bộ túc trực hướng dẫn nơi đậu cũng như yêu cầu chằng buộc tránh va đập, cắt hệ thống điện để phòng chống cháy nổ.
Ông Lê Văn Hân, Cán bộ phụ trách Cảng cá Thanh Hóa, cho biết: Mỗi khi có bão, Ban Quản lý Cảng cá đều phối hợp chặt chẽ với lực lượng bộ đội biên phòng và chính quyền các phường, xã của TP Sầm Sơn trong việc bố trí, sắp sếp nơi neo đậu an toàn. Thường thì khi cập bến, chúng tôi để các tàu cập cảng cá, yêu cầu nhanh chóng bốc xếp hải sản, rồi yêu cầu vào âu tránh trú ngay. Hiện TP Sầm Sơn có 157 phương tiện khai thác hải sản chiều dài từ 15m trở lên, mỗi lần bão gió đều được bố trí tránh trú tại âu Lạch Hới. Âu có công suất đến 700 tàu, nên còn tiếp nhận tàu của huyện Hoằng Hóa và các tỉnh bạn vào tránh trú kịp thời khi có bão.
Lực lượng quan trọng bậc nhất là bộ đội biên phòng, được giao công tác liên lạc, kêu gọi tàu thuyền về bến khi có bão lũ, thiên tai không an toàn. Các đồn biên phòng tuyến biển hiện vẫn đang tổ chức ứng trực và sẵn sàng các phương án theo nhiệm vụ tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh giao.
Một trong các đơn vị hoạt động tích cực và hiệu quả nhất là Đồn Biên phòng Sầm Sơn có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ an ninh biên giới vùng biển trên địa bàn 14 xã, phường của TP Sầm Sơn và huyện Quảng Xương. Khu vực này có chiều dài bờ biển là 29,5km, 2 cửa lạch với gần 2.700 tàu, thuyền. Theo thiếu tá Trương Chí Cường, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sầm Sơn, mỗi đợt bão, đơn vị luôn cập nhật tình hình diễn biến, tiếp nhận nhanh nhất các công điện của tỉnh và chỉ đạo từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh để chuyển tải đến ngư dân đang trên biển. Đồng thời nhanh chóng kêu gọi, duy trì liên lạc liên tục qua hệ thống thông tin liên lạc. Trên bờ, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đều được huy động tối đa lực lượng, tham gia hỗ trợ ngư dân neo buộc tàu thuyền. Tàu cá TP Sầm Sơn và huyện Quảng Xương đã có phương án bố trí neo đậu tại âu tránh trú bão Lạch Hới và sông Lý thuộc xã Quảng Thạch, huyện Quảng Xương khi có bão gió lớn.
Theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 8 cảng cá, trong đó: Có 3 cảng cá đã được UBND tỉnh công bố cảng cá loại II gồm: Cảng cá Hòa Lộc, Cảng cá Lạch Hới và Cảng cá Lạch Bạng; 4 cảng cá do UBND cấp huyện quản lý, gồm: Cảng cá Hoằng Phụ, Cảng cá Hoằng Trường, Cảng cá Quảng Nham, Cảng cá Hải Châu chủ yếu phục vụ cho tàu cá khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng, trong đó Cảng cá Hải Châu đã được UBND cấp huyện công bố cảng cá loại III. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có Cảng cá Hòn Mê nhưng chủ yếu phục vụ quốc phòng.
Mỗi cảng cá nói trên có thể đáp ứng cho 390 đến 450 lượt tàu cá có công suất tối đa là 300 đến 400CV/tàu hoạt động; tiếp nhận cùng lúc được từ 48 - 75 tàu cá trên 15m vào neo đậu bốc xếp hải sản. Những thời điểm gió mùa hoặc thiên tai cường độ nhỏ, tàu thuyền có thể tránh trú tạm tại các cảng cá. Tuy nhiên, khi có bão lớn, các phương tiện của tỉnh được yêu cầu vào các khu neo đậu tránh trú bão để bảo đảm an toàn. Hiện, Thanh Hóa đã đầu tư 4 khu neo đậu tránh trú bão được công bố, trong đó 3 khu neo đậu cấp tỉnh và khu neo đậu Lạch Hới là cấp vùng. Các khu neo đậu đến nay đáp ứng nhu cầu cho 2.084 tàu cá ra vào neo đậu an toàn. Trong đó, Âu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Lạch Trường, huyện Hậu Lộc đáp ứng neo đậu an toàn cho 264 tàu cá có công suất đến 400CV. Âu neo đậu tránh trú bão Lạch Hới, TP Sầm Sơn là nơi neo đậu an toàn cho 700 tàu cá có công suất đến 400CV. Âu neo đậu tránh trú bão Lạch Bạng, thị xã Nghi Sơn là nơi tránh trú cho 800 tàu cá đến 400CV. Âu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá cửa sông Lý, huyện Quảng Xương có sức chứa 320 tàu cá đến 400CV. Tất cả đang phát huy tác dụng, trở thành “ngôi nhà” an toàn cho hơn 6.100 phương tiện của ngư dân xứ Thanh.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/bao-dam-an-toan-cho-tau-thuyen-mua-mua-bao-226021.htm