Bảo đảm an toàn cho trẻ em trên ô tô khi tham gia giao thông
Ngày 26/9/2023, Trung tâm Tư vấn Sức khỏe và Phát triển Cộng Đồng (CHD) và Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á (Quỹ AIP) đã phối hợp tổ chức cuộc họp chuyên đề khoa học 'Đề xuất phương án về quy định bảo vệ trẻ em trên xe ô tô'.
Cuộc họp tập trung vào những vấn đề thực tế về bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho trẻ em tại Việt Nam, các bằng chứng và kinh nghiệm quốc tế trong đó có Malaysia và Philippines thuộc khu vực Đông Nam Á về việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô.
Đồng thời đưa ra những đề xuất về các quy định sử dụng thiết bị an toàn phù hợp với trẻ em theo độ tuổi và chiều cao nhằm bảo vệ trẻ em trên xe ô tô khi tham gia giao thông.
Việt Nam chưa có quy định về thiết bị an toàn cho trẻ em và vị trí an toàn của trẻ em trên xe ô tô
Theo Trung tâm Trung tâm Tư vấn Sức khỏe và Phát triển cộng đồng (CHD), tại Việt Nam, vấn đề tai nạn thương tích, đặc biệt tai nạn giao thông đường bộ đã và đang là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ và của toàn xã hội. Trong xu hướng sử dụng ô tô tăng nhanh, đặc biệt là đối với các gia đình có trẻ em, quy định về thiết bị an toàn trên xe ô tô tại Việt Nam là vô cùng cần thiết để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Kết quả nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phòng, Chống Chấn thương (Đại học Y tế Công cộng) cho thấy chỉ 1,3% xe có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ, trong đó, tỷ lệ này ở Hà Nội là 2,6%, tại Thành phố Hồ Chí Minh là 1,1% và Đà Nẵng là 0%. Hầu hết người dùng thiết bị an toàn cho trẻ là do đã quen khi sử dụng ở nước ngoài.
Hiện nay, Việt Nam chưa có quy định về thiết bị an toàn cho trẻ em và vị trí an toàn của trẻ em trên xe ô tô. Nội dung này đang được đề xuất trong Dự thảo Luật Trật tự An toàn Giao thông Đường bộ, đang trong quá trình lấy ý kiến hoàn thiện.
Dự thảo Luật quy định người lái xe và người được chở trên xe ô tô phải thắt dây đai an toàn tại những chỗ có trang bị dây đai an toàn khi tham gia giao thông trên đường bộ. Trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35m được chở trên xe ô tô chở người không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông đường bộ. Trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em. Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em.
Điều đó đồng nghĩa với việc nhóm trẻ em từ 4-12 tuổi chưa được bảo vệ tốt nhất khi tham gia giao thông bằng ô tô theo dự thảo này. Xét về góc độ bảo vệ trẻ em, căn cứ vào cân nặng và chiều cao của trẻ em Việt nam từ 1-12 tuổi theo chuẩn WHO, Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới về thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô trong đó sử dụng tiêu chí chính là chiều cao dưới 135 cm.
Theo các nghiên cứu, thiết bị an toàn cho trẻ em có thể giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong từ 34% đến 81% /năm và giảm các chấn thương nghiêm trọng từ 35% đến 72% và đồng thời có thể giảm các chấn thương khác của trẻ từ 25% đến 58 % trong các vụ va chạm.
Bảo đảm an toàn cho trẻ em trên ô tô khi tham gia giao thông
Theo Tiến sĩ Dương Khánh Vân - cán bộ kỹ thuật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vị trí an toàn nhất cho trẻ là hàng ghế sau bởi nó có khả năng giảm nguy cơ chấn thương kể cả trường hợp dùng và không dùng thiết bị an toàn.
Sử dụng thiết bị an toàn phù hợp và được lắp đúng cách có thể giúp giảm ít nhất 60% số ca tử vong ở trẻ em. Sử dụng đệm nâng có liên quan đến việc giảm 19% các chấn thương không gây tử vong khi so sánh với trẻ em cùng độ tuổi chỉ sử dụng dây an toàn ngồi ở phía sau xe.
Bà Dương Khánh Vân cũng chia sẻ các quy định về thiết bị an toàn của Liên Hợp Quốc, một số kinh nghiệm triển khai Luật Thiết bị An toàn tại Malaysia, Philippines. Dựa trên bằng chứng hiện có, WHO khuyến nghị cần luật hóa quy định trẻ em sử dụng thiết bị an toàn cho đến ít nhất 10 tuổi/cao 135cm; hạn chế cho trẻ em ở độ tuổi nhất định ngồi ở ghế trước của ô tô; có các yêu cầu kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn tham chiếu cho thiết bị an toàn.
Căn cứ vào những nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm về thực hành tốt trên 91 quốc gia ban hành luật bắt buộc quy định sử dụng thiết bị an toàn, ngày 28/4/2022, Tổ chức Y tế Thế giới đã gửi văn bản khuyến nghị tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc đảm bảo giới hạn tuổi sử dụng thiết bị an toàn trên xe ô tô cho trẻ em là tới 12 tuổi. Theo đó, trẻ em cao dưới 150cm và dưới 12 tuổi phải được chở bằng hệ thống an toàn trên xe ô tô cho trẻ em phù hợp với tuổi chiều cao của trẻ và không được ngồi ở hàng ghế trước của xe. Việt Nam có thể xây dựng khung thời gian hợp lý để áp dụng quy định này trong quá trình triển khai thực tế.
Quy định số 129 (R129) của Hội đồng Kinh tế châu Âu của Liên hợp quốc định nghĩa “thiết bị an toàn là thiết bị có đủ khả năng đảm bảo an toàn cho trẻ ở tư thế ngồi hoặc nằm trên xe ô tô, được thiết kế để giảm nguy cơ chấn thương cho người dùng, trong trường hợp xảy ra va chạm hoặc xe giảm tốc độ đột ngột, bằng cách hạn chế sự di chuyển của cơ thể trẻ.”
Quy định này thay thế Quy định 44 (R44) của Liên Hợp Quốc. R129 áp dụng cho trẻ em dưới 12 tuổi/cao dưới 150cm, trong khi quy định trước đó R44 áp dụng cho trẻ em dưới 10 tuổi/cao dưới 135cm.
“Việt Nam hiện đang áp dụng luật thiết bị an toàn và xét về thời gian cần thiết để thông qua luật nói chung, việc áp dụng tiêu chuẩn mới R129 sẽ hiệu quả hơn” - bà Dương Khánh Vân nêu khuyến nghị.
Tại cuộc họp, các đại biểu nhất trí và ủng hộ thông điệp: Trẻ em có quyền được bảo vệ trên xe ô tô khi tham gia giao thông.
Theo đó, để bảo đảm an toàn giao thông cho trẻ em trong bối cảnh ô tô gia tăng nhanh, chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông được cải thiện và tốc độ giao thông ngày càng cao (đặc biệt trên mạng lưới cao tốc và quốc lộ), kết hợp với kinh nghiệm quốc tế, nên quy định rõ trong dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ một số nội dung sau:
Trẻ em cao dưới 135cm và dưới 12 tuổi phải được chở trên xe ô tô con cá nhân bằng thiết bị an toàn dành cho trẻ em. Trẻ em cao dưới 135 cm và dưới 12 tuổi không được ngồi ở hàng ghế của người lái xe. Người lái xe ô tô cá nhân có trách nhiệm bảo đảm thực hiện các quy tắc này. Xe ô tô cá nhân phải có các thiết kế thông dụng để lắp đặt sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em.
Bổ sung mức xử phạt trong Nghị định, với mức phạt ít nhất từ 4.000.000-6.000.000 đồng với hành vi không sử dụng thiết bị an toàn phù hợp khi chở trẻ em trên xe ô tô con cá nhân nhằm bảo đảm mức phạt cao hơn 2-3 lần so với việc tuân thủ (mua và sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe).
Theo các nhà khoa học, quy định này khả thi về mặt kỹ thuật và cần xây dựng lộ trình theo từng giai đoạn cụ thể, cần sự tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức của người dân và cộng đồng, xã hội.
Trung tâm Trung tâm Tư vấn Sức khỏe và Phát triển cộng đồng (CHD) là một tổ chức khoa học công nghệ được thành lập năm 2010 với mục đích cải thiện sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống. Với bề dày kinh nghiệm và có đội ngũ chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực, CHD đã và đang thực hiện các hoạt động nghiên cứu và dự án góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng và an toàn giao thông đường bộ. CHD cam kết tăng cường năng lực của các gia đình, cộng đồng và đối tác bằng cách thực hiện các biện pháp can thiệp vào cộng đồng, góp phần đạt được các tác động xã hội và sức khỏe cộng đồng tối đa và bền vững.
Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á (Quỹ AIP) là một tổ chức phi lợi nhuận với sứ mệnh phòng chống thương tích và tử vong do va chạm giao thông đường bộ tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Xuyên suốt hơn 20 năm hình thành và phát triển, Quỹ AIP đã và đang thực hiện các dự án góp phần cải thiện an toàn giao thông đường bộ một cách hiệu quả tại các nước châu Á và châu Phi.
Nguồn: Bộ Giao thông Vận tải, TTXVN