BẢO ĐẢM AN TOÀN GIAO THÔNG Ở CÁC KHU CÔNG NGHIỆP

Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, những năm qua, các khu công nghiệp (KCN) ngày càng xuất hiện nhiều trên địa bàn các tỉnh, thành phố. Hiện nay, cả nước có hàng trăm KCN đang hoạt động. Để thuận tiện giao thương, phần lớn các KCN đều nằm sát các trục đường giao thông lớn, điều đó góp phần làm gia tăng số lượng người và phương tiện tham gia lưu thông, gây nên áp lực lớn về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông (ATGT).

Thực tế, các địa phương có nhiều KCN hoạt động, như: Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bình Dương... đã thu hút số lượng lớn người lao động, giải quyết công ăn việc làm cho người dân, góp phần tăng trưởng kinh tế. Song bên cạnh đó cũng phát sinh nhiều vấn đề xã hội, trong đó có tình trạng ùn tắc, mất an ninh trật tự, ATGT và xảy ra tai nạn giao thông (TNGT). Trước giờ làm việc, khi tan tầm, tan ca, công nhân tham gia giao thông rất nhiều, cùng với lưu lượng xe tải, xe khách lưu thông lớn, dẫn đến ùn tắc, tiềm ẩn nguy cơ TNGT rất cao. Thêm nữa, ý thức chấp hành luật giao thông của không ít người còn hạn chế cũng là nguyên nhân dẫn đến những vụ TNGT đáng tiếc, thậm chí là thảm khốc, để lại hậu quả khôn lường.

 Ảnh minh họa. TTXVN.

Ảnh minh họa. TTXVN.

Để bảo đảm trật tự, ATGT, giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và bị thương), nhất là ở các địa phương có KCN, cần có sự vào cuộc tích cực và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng, các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Trong đó, với vai trò nòng cốt trong bảo đảm trật tự, ATGT, lực lượng cảnh sát giao thông, công an các địa phương chủ trì phối hợp với các ngành chức năng tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT bằng nhiều hình thức: Tuyên truyền trực tiếp trong các nhà máy, KCN, thông qua hệ thống phát thanh, phương tiện trực quan, băng rôn, khẩu hiệu ngay tại khu làm việc, cổng các doanh nghiệp, nhà máy, KCN. Chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát, trực tiếp điều tiết giao thông tại các "điểm đen" tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT vào giờ cao điểm, đêm khuya; giải quyết dứt điểm những nơi thường xảy ra ùn tắc giao thông, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm gây mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Đối với lực lượng công an phụ trách các KCN, cần chú trọng phối hợp làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, yêu cầu ký cam kết bảo đảm ATGT và đưa vấn đề thực hiện ATGT vào trong quy chế, xét thưởng, thi đua của cán bộ, công nhân. Đồng thời có sự hỗ trợ, làm cầu nối giúp cán bộ, công nhân trong các KCN được học các khóa đào tạo lái xe; nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ...

Cùng với công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát hành vi vi phạm pháp luật về giao thông, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, các cấp công đoàn ở các KCN cần sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu, mô hình hoạt động hiệu quả trong công tác bảo đảm trật tự, ATGT; phê phán những hiện tượng tiêu cực, hành vi vi phạm khi tham gia giao thông. Mỗi cán bộ, công nhân trong các KCN cần liên tục bồi đắp cho bản thân mình ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về giao thông; luôn nhớ lời nhắc nhở “Phía trước tay lái là sự sống. Hãy lái xe bằng cả trái tim”... Như thế cũng đồng nghĩa với trân quý sinh mạng của mình và của người khác khi cầm tay lái. Có được điều này sẽ góp phần làm giảm TNGT, mang lại hạnh phúc cho chính bản thân và gia đình người tham gia giao thông cũng như toàn xã hội.

NGÔ DUY ĐÔNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/bao-dam-an-toan-giao-thong-o-cac-khu-cong-nghiep-591823