Bảo đảm an toàn hồ đập, tránh lũ chồng lũ trong mùa mưa bão
Những sự cố vỡ hồ chứa nước liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây khiến người dân không khỏi lo lắng. Đặc biệt trong mùa mưa bão việc bảo đảm an toàn hồ đập, nhất là các đập thủy điện, tránh xảy ra tình trạng lũ chồng lũ đang là mối quan tâm hàng đầu của dư luận.
Bảo đảm an toàn hồ đập, tránh tình trạng lũ chồng lũ trong mùa mưa bão 2020. Ảnh minh họa
Ngày 28/5, đập thủy lợi Đầm Thìn (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) bất ngờ bị vỡ. Sự cố vỡ đập đã gây hư hỏng công trình, ngập lụt đe dọa tính mạng nhân dân vùng hạ du, 16 hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng phải di dời khẩn cấp. Theo thiết kế, đập Đầm Thìn có sức chứa khoảng 600.000m3 nước, được xây dựng từ năm 2008 và đưa vào sử dụng năm 2010, phục vụ nước tưới cho 200ha lúa.
Chỉ chưa đầy 10 ngày sau khi xảy ra sự cố vỡ đập thủy lợi Đầm Thìn tại Phú Thọ thì bất ngờ ngày 6/6 đập Bara Đô Lương (Nghệ An) đang trong quá trình sửa chữa cũng bị vỡ, khoang số 10 và 11 của đập bị gãy sập hoàn toàn. Sự cố vỡ đập đã khiến cho nhà máy nước Đô Lương nằm trên sông Đào, cấp nước sinh hoạt cho 1 thị trấn và 7 xã với 7.800 hộ dân đã phải tạm dừng hoạt động
Đập Bara Đô Lương (Nghệ An) được xây dựng từ năm 1933, dài hơn 340m, dùng để ngăn dòng chảy sông Lam, làm nước dâng lên, đổ vào sông Đào phục vụ tưới tiêu cho 4 huyện Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu và Quỳnh Lưu.
Đây chỉ là 2 trong số những sự cố vỡ đập xảy ra trong thời gian gần đây gây thiệt hại lớn về tài sản, làm hư hỏng công trình, ngập lụt, cuộc sống sinh hoạt thậm chí là tính mạng nhân dân vùng hạ du.
Theo thống kê, hiện cả nước đã xây dựng được hơn 7.100 đập, hồ chứa thủy lợi. Trong đó, có hơn 6 nghìn hồ chứa thủy lợi dung tích trên 50.000m3 với tổng dung tích khoảng 12,5 tỉ m3 và 56 hồ thủy điện bậc thang với tổng dung tích phòng lũ là 9,35 tỉ m3. Những hồ chứa, đập thủy lợi này thực sự là những quả “bom nước”. Nếu không được quản lý, vận hành tốt dẫn tới xảy ra sự cố sẽ gây thiệt hại khôn lường.
Thông tin từ ông Nguyễn Đăng Hà - Vụ trưởng Vụ An toàn đập (Tổng cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay trên cả nước còn 1.645 hồ chứa bị xuống cấp, thiếu khả năng xả lũ. Nguy cấp hơn, trong đó có 200 hồ chứa bị hư hỏng nặng, cần đặc biệt quan tâm và phải xử lý cấp cách ngay trong năm 2020.
Những hồ chứa này phần lớn là bị thấm mạnh qua cả thân đập, nền đập và qua mang cống, mang tràn. Ngoài ra, có hàng trăm hồ bị trượt sạt mái thượng hạ lưu, có tổ mối trong thân đập hoặc chưa được gia cố mái đập, bị nứt đập, thiết bị thoát nước hạ lưu đập bị hư hỏng.
Các hồ bị xuống cấp, hư hỏng nặng tập trung vào nhóm hồ vừa và nhỏ chủ yếu được xây dựng từ những năm 70-80 của thế kỷ trước trong điều kiện kinh tế khó khăn, kỹ thuật hạn chế, thiếu kinh phí bảo trì, sửa chữa nâng cấp. Đặc biệt tiềm ẩn nhiều nguy hiểm trong mùa mưa bão 2020.
Đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, khắc phục các sự cố hư hỏng, xuống cấp hồ đập. Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, các hồ đập chủ yếu được xây dựng ở vùng cao nên nếu xảy ra sự cố vỡ thì một lượng nước lớn sẽ trút xuống vùng thấp gây thiệt hại nặng nề. Đặc biệt, nhiều nhà khoa học cảnh báo về sự nguy hiểm, rủi ro sẽ tăng lên rất nhiều lần tới từ việc phát triển dày đặc các nhà máy thủy điện trong thời gian ngắn.
Thực tế cho thấy, nguy cơ gây thảm họa cho vùng hạ du đến từ nhóm hồ được xây dựng cách đây đã lâu luôn thường trực. Nhiều hồ chứa buộc phải xả tràn khẩn cấp do xuất hiện hiện tượng thấm, nứt, rất khó trụ vững khi mưa lũ bất thường như hiện nay.
Nhưng lo ngại nhất là việc nhiều hồ, đập thủy điện do doanh nghiệp tư nhân vận hành và chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà quên đi chức năng vô cùng quan của các hồ, đập thủy điện đó là điều tiết lũ. Điều này dẫn đến một nghịch lý hiện vẫn chưa có lời giải đó là việc các đập thủy điện tích nước đầy trong mùa hạn nhưng khi lũ tràn về, lập tức xả lũ ồ ạt.
Điển hình vào 23/5/2019, thủy điện Nậm Nơn trên địa bàn huyên Tương Dương (Nghệ An) tiến hành xả lũ. Tuy nhiên, việc xả lũ này không thông báo với người dân, không có người đi kiểm tra phía hạ du để cảnh báo.
Việc này đã khiến anh Vi Văn May (34 tuổi, trú tại xã Xá Lượng, huyện Tương Dương) cùng em trai là Vi Văn Thân chèo thuyền dưới khu vực đập thủy điện gặp nạn. Lượng nước xả lớn khiến thuyền bị lật, anh Thân may mắn được người dân cứu sống còn anh May bị nước cuốn trôi và tử vong.
Hay vào đêm 23 rạng sáng 24/6/2019, thủy điện Sử Pán 1 bất ngờ xả lũ không thông báo đã gây ra trận lũ quét kinh hoàng trên địa bàn huyện Sa Pa. Hậu quả là nhiều tài sản bị cuốn trôi, nhà cửa, hoa màu của hơn 50 hộ dân ở thôn Bản Dền (xã Bản Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) mất trắng.
Nhận định của Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh, hiện các địa phương đã bước vào mùa mưa, qua đánh giá thì thấy trên cả nước có hàng nghìn hồ chứa thủy lợi mất an toàn rất cao. Tuy nhiên một số hồ chứa vừa và lớn vẫn còn vài địa phương giao cho cấp xã quản lý. Điều này gây nguy cơ mất an toàn rất cao.
Vì vậy, ông Tỉnh đề nghị các địa phương phải cho rà soát, đối với những hồ chứa vừa và lớn mà đang giao cho cấp xã quản lý thì phải bàn giao ngay cho các công ty khai thác công trình thủy lợi quản lý. Đồng thời rà soát năng lực của các cơ sở nếu họ được giao các công trình hồ chứa nhỏ, thường xuyên đào tạo nâng cao năng lực cho các đơn vị khai thác quản lý đập, hồ chứa thủy lợi để đảm bảo đúng năng lực theo quy định.
Trước thực trạng biến đổi khí hậu gây ra mưa, lũ cực đoan, bất thường đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn đập, hồ chứa. Vấn đề cấp bách cần làm ngay lúc này là đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành sớm việc tu bổ, nâng cấp đối với các hồ chứa đã xác định được nguồn vốn. Nhất là các đơn vị quản lý các hồ chứa, đập thủy điện cần nâng cao trách nhiệm, tránh để xảy ra tình trạng lũ chồng lũ gây thêm thiệt hại.