Bảo đảm an toàn hồ thủy lợi trong mùa mưa bão: Nhiều giải pháp phòng ngừa, ứng phó
Trong khi mùa mưa bão đã đến, nhiều hạng mục hồ thủy lợi của thành phố Hà Nội đang bị xuống cấp, hư hỏng, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố. Để bảo đảm an toàn công trình thủy lợi quan trọng này, giảm ngập lụt cho vùng hạ du, các cấp, ngành, địa phương đang triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Hồ thủy lợi Văn Sơn nằm trên địa bàn các xã: Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ) được xây dựng năm 1968-1969, rộng khoảng 167ha. Với dung tích trữ 7 triệu mét khối nước, hồ Văn Sơn có nhiệm vụ cấp nước tưới cho 396ha sản xuất nông nghiệp vào mùa kiệt, cắt lũ rừng ngang từ tỉnh Hòa Bình đổ về...
Tuy nhiên, ngày 22-6, có mặt tại khu vực hồ, phóng viên Báo Hànôịmới nhận thấy, nhiều hạng mục của công trình thủy lợi quan trọng này đang bị hư hỏng, xuống cấp: Mặt đập, thân đập làm bằng đất, chưa được gia cố,xuất hiện nhiều vị trí sụt lún, sạt lở. Đập tràn và sân tràn bị bong phần bê tông giáp bể tiêu năng; nhà tháp van cống bị nứt nẻ...
Theo Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Chương Mỹ Đỗ Việt Dũng, dung tích hữu ích của hồ Văn Sơn hiện chỉ khoảng 3,81 triệu mét khối, bằng 54% thiết kế. Nguyên nhân là do lòng hồ từ khi xây dựng đến nay chưa được nạo vét. Đặc biệt, trong thân đập của hồ đang tồn tại 23 tổ mối, nguy cơ rất lớn xảy ra sự cố khi mực nước hồ dâng cao trong nhiều ngày... Tương tự, nhiều hạng mục hồ Suối Hai (nằm trên địa bàn các xã: Tản Lĩnh, Thụy An, Cẩm Lĩnh, Ba Trại thuộc huyện Ba Vì) đang bị xuống cấp, hư hỏng, nghiêm trọng nhất là hạng mục cống điều tiết.
Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Ba Vì Phan Văn Tân cho biết, kiểm tra công trình trước mùa mưa bão năm nay, đơn vị phát hiện nhiều vị trí đáy cống tiếp tục bị xâm thực, bào mòn trơ cốt thép. Bên cạnh đó, hai bên tường cống bị xói chân tường trơ thép; van điều tiết thượng lưu bị rò rỉ nước, chảy rất mạnh về hạ lưu. “Với hiện trạng như trên, cống điều tiết nước hồ Suối Hai có nguy cơ rất cao xảy ra sự cố...”, ông Phan Văn Tân bày tỏ lo ngại.
Toàn thành phố Hà Nội hiện có 117 hồ thủy lợi, nằm trên địa bàn 6 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây. Phần lớn đập hồ thủy lợi của Hà Nội được xây dựng từ những năm 1960, 1970 của thế kỷ trước, với kỹ thuật thi công thủ công, vật liệu không bền... Mặc dù các cấp, ngành đã quan tâm, đầu tư kinh phí sửa chữa, nâng cấp nhiều đập hồ, nhưng vẫn còn một số công trình cần tiếp tục được quan tâm; trong đó có các hồ: Văn Sơn, Mèo Gù, Suối Hai...
Liên tục kiểm tra, kịp thời ứng phó
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Đào Quang Khải cho biết, triển khai kế hoạch bảo đảm an ninh nguồn nước, thành phố Hà Nội dự kiến chi khoảng 666 tỷ đồng, trong đó có khoảng 540 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp, chống xuống cấp các công trình đập, hồ bị hư hỏng, xuống cấp, nguy cơ mất an toàn thuộc địa bàn các huyện: Sóc Sơn, Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức và thị xã Sơn Tây...
Trước tiên, để bảo đảm an toàn đập hồ thủy lợi trong mùa mưa bão năm nay, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với các doanh nghiệp thủy lợi đã kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình. Trên cơ sở đó, Sở NN&PTNT đã báo cáo, đề xuất UBND thành phố tiếp tục bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp hạng mục hư hỏng, xuống cấp; đồng thời, xây dựng các phương án bảo đảm an toàn công trình và hạ du hồ thủy lợi...
Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới, lãnh đạo các doanh nghiệp thủy lợi khẳng định, đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tăng cường theo dõi, cập nhật thông tin dự báo khí tượng thủy văn; tính toán lưu lượng nước, dự tính khả năng gia tăng mực nước hồ để chủ động vận hành hồ chứa chống lũ an toàn. Cùng với đó, bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra, theo dõi công trình để phát hiện và xử lý ngay khi có sự cố xảy ra; vận hành thử cửa van, thiết bị phục vụ xả lũ của các hồ chứa…
“Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Chương Mỹ đã giả định và lập phương án ứng phó với 5 tình huống có thể gây sự cố đập hồ Văn Sơn. Ở tình huống nguy hiểm nhất là xuất hiện các hiện tượng có nguy cơ vỡ đập, xí nghiệp báo cáo cơ quan có thẩm quyền chi viện lực lượng, phương tiện nhanh chóng di dời các hộ dân sinh sống phía hạ lưu đập; tập trung nhân lực, vật tư, phương tiện tại chỗ để xử lý giờ đầu...”, Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Chương Mỹ Đỗ Việt Dũng nêu phương án.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường, việc bảo đảm an toàn hồ đập, công trình thủy lợi không chỉ là tu sửa, nâng cấp. Giải pháp tối ưu nhất hiện nay của ngành Nông nghiệp là tăng cường giám sát, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa lũ, từ đó có các giải pháp điều tiết lượng nước trong hồ hợp lý, bảo đảm an toàn cho công trình trong những tháng mưa lũ...