Bảo đảm an toàn hoạt động ngoại khóa

Vấn đề bảo đảm an toàn cho học sinh khi tham gia các hoạt động ngoại khóa một lần nữa được xới xáo lại khi thời gian gần đây tại Hà Nội và một số địa phương liên tiếp xảy ra các vụ học sinh bị tai nạn. Chặt chẽ trong quy trình triển khai, tăng cường trách nhiệm ở mọi khâu là yêu cầu quan trọng của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đối với các nhà trường khi triển khai hoạt động này, nhằm ngăn chặn các nguy cơ gây rủi ro cho học sinh.

Học sinh Trường Tiểu học Điện Biên (quận Hoàn Kiếm) tham gia trải nghiệm hầm chữ A tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: Thế Đại

Những nguy cơ tiềm ẩn

Nhiều năm gần đây, việc đa dạng hóa các hoạt động giáo dục đã được ngành Giáo dục đẩy mạnh, giúp học sinh phát triển toàn diện. Ông Hoàng Hữu Trung, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, các hoạt động ngoại khóa là nội dung nằm trong kế hoạch giáo dục ngoài giờ lên lớp quy định tại chương trình phổ thông hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nội dung này được các trường học trên địa bàn Hà Nội triển khai với nhiều hình thức, giúp học sinh tăng cường tính tự chủ, hoàn thiện các kỹ năng trong giao tiếp, ứng phó với các tình huống trong cuộc sống… Ngoài giờ học chính khóa, để hiểu thêm về nghề nghiệp, học sinh được thăm các làng nghề, cơ sở sản xuất, hoặc được thực hành cấy lúa, làm lính cứu hỏa… tại các khu trải nghiệm. Để tăng hiệu quả giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức, nhiều trường đưa học sinh tới thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, đền thờ Chu Văn An…

Học sinh Nguyễn Đức Minh, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) chia sẻ: “Em rất hào hứng với các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Không chỉ giảm căng thẳng sau những giờ học chính khóa, đây còn là cơ hội để chúng em có thể vận dụng kiến thức đã học, học thêm được nhiều kỹ năng và hiểu thêm về cuộc sống…”.

Tuy nhiên, việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn. Chỉ riêng trong tháng 1-2021 đã có hai học sinh tử vong khi đi ngoại khóa cùng nhà trường, gồm một học sinh tiểu học ở thành phố Hồ Chí Minh và một học sinh trung học phổ thông ở thành phố Hà Nội. Trước đó, vào tháng 3-2019, một học sinh trung học cơ sở ở Hà Nội cũng bị tử vong khi tham gia hoạt động ngoại khóa…

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phúc Thọ Kiều Trọng Sỹ cho rằng, các nguy cơ gây mất an toàn cho học sinh xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có thể do học sinh quá hiếu động, quy trình tổ chức chưa chặt chẽ hoặc do các yếu tố khách quan… Còn theo bà Trần Thanh Mai, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Tô Hoàng (quận Hai Bà Trưng), việc lơ là, khó khăn trong bao quát số lượng học sinh đông cũng có thể khiến các em gặp thương tích...

Chung sức chặn rủi ro

Tăng cường trách nhiệm, siết chặt quy trình tổ chức các hoạt động trải nghiệm là giải pháp mà các đơn vị, trường học đang triển khai nhằm chung sức ngăn chặn các nguy cơ rủi ro đối với học sinh.

Theo ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ, ngoài các phần việc theo quy định, khâu tiền trạm có vai trò quan trọng. Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên khá nhiều khu trải nghiệm phải đóng cửa, nay vận hành trở lại nên có thể còn sơ suất trong việc duy tu, bảo dưỡng trang thiết bị. Việc khảo sát, đánh giá, xác định các nguy cơ mất an toàn để quyết định việc có đưa học sinh đến hay không hoặc cần tránh những khu vực, hoạt động gì để cảnh báo là cần thiết.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm) tham gia hoạt động trải nghiệm làm chiến sĩ.

Còn theo ông Nguyễn Hà Huy Thích, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chúc Động (huyện Chương Mỹ), nhà trường coi trọng việc phối hợp với phụ huynh học sinh và lựa chọn đơn vị phối hợp khi tổ chức hoạt động ngoại khóa. Trước mỗi chuyến đi, nhà trường và phụ huynh đều rà soát lại sức khỏe của toàn bộ học sinh và mỗi chuyến đi đều có nhân viên y tế đi cùng.

Trong khi đó, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng thông tin, để bảo đảm an toàn cho học sinh, phòng chỉ phê duyệt cho các trường tổ chức hoạt động ngoại khóa khi đáp ứng các yêu cầu bắt buộc, được phụ huynh đồng thuận và số lượng học sinh tham gia tối đa là 500 em, không đi quá xa,...

Liên quan đến nội dung này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, việc bảo đảm an toàn cho học sinh khi tham gia tất cả các hoạt động giáo dục ở trong và ngoài nhà trường được ngành Giáo dục Hà Nội xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Sở vừa yêu cầu các trường học rà soát việc tổ chức cho học sinh đi tham quan, tham gia hoạt động trải nghiệm với yêu cầu thực hiện chặt chẽ quy trình, phân công rõ trách nhiệm của từng thành viên, có sự phối hợp thường xuyên giữa cha mẹ học sinh và giáo viên chủ nhiệm lớp, tuyệt đối không để hở bất cứ khâu nào trong quy trình đó.

“Cùng với việc trang bị kiến thức, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các nhà trường quan tâm đến việc trau dồi cho học sinh kỹ năng ứng phó với các tình huống thường gặp trong cuộc sống, biết phòng ngừa các nguy cơ không an toàn...”, ông Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh.

Thống Nhất

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-duc/989167/bao-dam-an-toan-hoat-dong-ngoai-khoa