Bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy tại tỉnh miền núi Bắc Kạn
Tỉnh Bắc Kạn thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam, là một tỉnh miền núi cao, phần lớn diện tích là đồi, núi. Tỉnh hiện có 08 đơn vị hành chính (07 huyện, 01 thành phố) với 108 xã, phường, thị trấn, trong đó dân số hiện có trên 300.000 người, mật độ dân số trung bình 63,45 người/km2. Cùng với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nền kinh tế - xã hội của tỉnh từng bước phát triển, xây dựng cơ bản được đẩy mạnh; các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu công nghiệp…được quan tâm đầu tư xây dựng mới góp phần thay đổi bộ mặt nền kinh tế của tỉnh, đồng thời kéo theo tiềm ẩn nhiều nguy cháy, nổ có thể xảy ra.
Trong 5 năm trở lại đây (từ năm 2015 – 2020), trên địa bàn tỉnh xảy ra tổng số 173 vụ cháy, làm 01 người chết, 06 người bị thương, thiệt hại về tài sản trên 17 tỷ 200 triệu đồng và 19,36 ha rừng. Trong đó, năm 2015 xảy ra 25 vụ cháy, thiệt hại về tài sản 1 tỷ 321 triệu đồng; năm 2016 xảy ra 44 vụ cháy, làm chết 01 người, bị thương nặng 04 người, thiệt hại về tài sản gần 8,6 tỷ đồng và 13,06 ha rừng; năm 2017 xảy ra 38 vụ cháy, làm bị thương 02 người, thiệt hại về tài sản gần 3 tỷ đồng và 5,405 ha rừng; năm 2018 xảy ra 23 vụ cháy, thiệt hại trên 1,86 tỷ đồng và 0,9 ha rừng; năm 2019 xảy ra 26 vụ cháy, thiệt hại tài sản gần 1,5 tỷ đồng; năm 2020 xảy ra 17 vụ cháy, thiệt hại về tài sản ước tính 0,973 tỷ đồng.
Có thể thấy, trong năm 2016 thiệt hại do cháy gây ra làm 01 người chết, 04 người bị thương và thiệt hại về tài sản là 8,586 tỷ đồng, nhưng đến năm 2018 con số này đã giảm mạnh với việc không có người chết và bị thương, thiệt hại về tài sản cũng giảm mạnh xuống còn 1,86 tỷ đồng; Năm 2018 cả tỉnh xảy ra 25 vụ cháy, giảm tới 19 vụ, bằng 43% so với năm 2016 và trong năm 2016 có 18/44 vụ, bằng 40,9% là do lực lượng tại chỗ tự dập tắt nhưng đến năm 2018 là 16/25 vụ, bằng 64%. Gần đây nhất, trong 6 tháng đầu năm 2021, số vụ cháy trên địa bàn cũng chỉ dừng lại ở 07 vụ, không có vụ cháy lớn, thiệt hại ước tính 290 triệu đồng.
Có được kết quả trên là do trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền địa phương và Công an tỉnh, cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh đã đồng lòng, nỗ lực hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Chủ động dự báo tình hình, tham mưu đúng, trúng cho UBND tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo có hiệu quả công tác PCCC&CNCH trên địa bàn; thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC&CNCH, phát động phong trào toàn dân tham gia PCCC; tăng cường công tác nắm tình hình, quản lý chắc địa bàn, cơ sở; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật về PCCC; thực hiện tốt công tác thường trực, sẵn sàng về lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy, cứu nạn cứu hộ khi có cháy, nổ, tai nạn sự cố xảy ra.
Kết quả, tỷ lệ người dân được tiếp cận với các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác PCCC ngày càng được tăng lên, đặc biệt là các khu vực vùng sâu, vùng xa và tập trung nhiều người dân tộc thiểu số; người đứng đầu các cơ sở nâng cao nhận thức, ý thức trong công tác PCCC, chủ động trang bị đầy đủ phương tiện PCCC, duy trì đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng được trang bị phương tiện PCCC, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng PCCC đáp ứng yêu cầu PCCC tại cơ sở. Từ đó góp phần giảm thiểu nguy cơ cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra.
Tuy nhiên, thời gian qua trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra một số vụ cháy lớn gây thiệt hại nhiều về tài sản, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. Điển hình như: vụ cháy thiêu rụi 03 nhà dân rạng sáng ngày 02/02/2016, tại phố Ngã Ba, thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn do chập điện. Ước tính thiệt hại lên đến 4 tỷ 800 triệu đồng, rất may không có thương vong về người; vụ cháy khác xảy ra vào khoảng 04 giờ 00 phút sáng ngày 05/12/2019 tại bản du lịch homestay Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn nằm ven bờ thắng cảnh hồ Ba Bể do sơ suất, bất cẩn trong sử dụng ngọn lửa trần. Đám cháy đã thiêu rụi 02 nhà nghỉ homestay cùng nhiều tài sản, vật dụng bên trong, không có thiệt hại về người…
Bên cạnh những thuận lợi, quá trình thực hiện công tác PCCC tại địa bàn tỉnh cũng gặp không ít khó khăn như: Địa hình đồi núi, nhiều đèo, dốc quanh co, cơ sở hạ tầng giao thông trong tỉnh chất lượng còn kém, nhân sự lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH còn mỏng dẫn đến công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, tổ chức tuyên truyền, kiểm tra, tổ chức chữa cháy và cứu nạn cứu hộ gặp nhiều khó khăn; tỉnh có diện tích rừng lớn, dẫn đến luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy rừng, đặc biệt trong mùa hanh khô, nắng nóng; điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nên việc quan tâm, đầu tư cho hoạt động PCCC còn hạn chế; nhận thức, ý thức về PCCC của một bộ phận nhân dân chưa cao, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Thời gian tới, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những khó khăn trong việc thực hiện công tác quản lý Nhà nước về PCCC trên địa bàn, đồng thời tăng cường thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC tới các cấp ủy đảng và toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người dân. Tiếp tục tham mưu xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCCC, trong đó chú trọng các chế tài xử phạt mang tính răn đe đối với những vi phạm quy định an toàn PCCC; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực PCCC.
Hai là, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC. Chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí tăng cường và đa dạng hình thức tuyên truyền PCCC, nâng cao chất lượng nội dung tuyên truyền, giúp người đứng đầu, người lao động và người dân nâng cao ý thức thực thi pháp luật và kiến thức, kỹ năng về PCCC. Phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền về PCCC trực tiếp tại cơ sở, nhất là đối với các thôn, bản, tổ dân phố thông qua các buổi họp tổ, họp thôn để người dân nắm và chấp hành tốt các quy định của pháp luật về PCCC. Chuyển biến nhận thức về vai trò của các cấp, các ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong tổ chức thực hiện công tác PCCC, tiến tới mục tiêu xã hội hóa công tác này.
Ba là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ đối với các cơ sở theo quy định, tăng cường kiểm tra đột xuất khi phát hiện các dấu hiệu không đảm bảo an toàn về PCCC nhất là đối với các chợ, trung tâm thương mại, khu dân cư, cơ sở tập trung đông người, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, khu rừng có nguy cơ cháy cao...Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về PCCC, những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, có nguy cơ trực tiếp gây ra cháy, kiên quyết đình chỉ hoặc tạm đình chỉ hoạt động.
Bốn là, tham mưu cấp ủy, chính quyền văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, các cơ quan, doanh nghiệp trong việc thực thi các biện pháp quản lý Nhà nước về PCCC theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh hướng dẫn để cơ sở, khu dân cư tổ chức thực hiện tốt công tác PCCC, làm tốt việc tự kiểm tra an toàn PCCC; kịp thời phát hiện và khắc phục các sơ hở, thiếu sót về đảm bảo an toàn PCCC; xây dựng, kiện toàn, củng cố lực lượng PCCC cơ sở và lực lượng dân phòng, định kỳ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao ý thức, kiến thức nghiệp vụ PCCC; quan tâm bố trí nguồn kinh phí và duy trì lực lượng PCCC tại chỗ hoạt động thực sự có hiệu quả, phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia công tác PCCC. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác PCCC.
Năm là, chú trọng công tác huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho cán bộ, chiến sĩ, duy trì thực hiện tốt công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu, kịp thời xuất xe đi chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Sáu là, xây dựng đội ngũ cán bộ Cảnh sát PCCC&CNCH và cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ PCCC tại Công an các đơn vị, địa phương vững về chuyên môn, nghiệp vụ, có trình độ pháp luật và kiến thức quản lý Nhà nước về PCCC. Định kỳ hàng năm tổ chức mở lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ PCCC, cử cán bộ, chiến sĩ tham gia thi kiểm tra nghiệp vụ công tác thanh tra, kiểm tra, thẩm duyệt, nghiệp vụ tuyên truyền về PCCC do Bộ Công an tổ chức./.