Bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh trong những ngày trời rét đậm, rét hại

Ngày 8-1, thời tiết ở Hà Nội chuyển rét đậm. Diễn biến phức tạp của thời tiết phần nào có ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, nhất là việc học tập của học sinh. Tuy nhiên, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và các nhà trường đã chủ động có phương án phòng, chống rét, bảo đảm an toàn sức khỏe của học sinh trong những ngày trời rét đậm, rét hại.

Ảnh minh họa: Nguồn internet

Ảnh minh họa: Nguồn internet

Hiệu trưởng được chủ động điều chỉnh giờ học

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànôịmới, do đã nắm được thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia về diễn biến thời tiết, phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch phòng, chống rét, bảo đảm sức khỏe cho học sinh. Tùy theo điều kiện thực tế, mỗi đơn vị, địa phương có những quy định cụ thể với mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn tuyệt đối về sức khỏe cho học sinh.

Thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tại Văn bản số 4424/SGDĐT-CTTT ngày 16-12-2020 về việc bảo đảm sức khỏe và phòng, chống rét cho học sinh, phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện, thị xã đã quán triệt tới 100% trường học trên địa bàn về việc linh hoạt điều chỉnh giờ vào học buổi sáng trong những ngày trời rét đậm. Ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì cho biết, phòng đã chỉ đạo các nhà trường căn cứ diễn biến thời tiết và điều kiện thực tế để quyết định thời gian vào học buổi sáng cho học sinh. Các trường học ở các xã miền núi có thể bắt đầu vào học tiết 1 lúc 8h hoặc muộn hơn, tùy tình hình.

Còn Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nam Từ Liêm Lê Thị Thanh Tâm thông tin, năm học 2020-2021, toàn quận có 95 trường học với hơn 70.000 học sinh mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe của học sinh trong những ngày trời rét, các nhà trường được chủ động quyết định thời gian đón học sinh buổi sáng. Phòng Giáo dục và Đào tạo quận yêu cầu các nhà trường tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc đưa - đón học sinh của các phụ huynh. Với những học sinh đến trường muộn, các nhà trường vẫn nhận học sinh bình thường.

Rà soát cơ sở vật chất

Là địa phương có quy mô giáo dục lớn với 111 trường học, hơn 60.000 học sinh, có nhiều trường thuộc các xã miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì đã yêu cầu các nhà trường rà soát lại toàn bộ cơ sở vật chất của đơn vị và kịp thời cải tạo, nâng cấp.

Bà Nguyễn Thị Phương Loan, Hiệu trưởng Trường Mầm non Khánh Thượng A (huyện Ba Vì) cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn, song nhà trường luôn quan tâm trang bị các điều kiện chăm sóc trẻ tại trường như chăn, đệm... Toàn bộ trẻ đều được sử dụng nước nóng trong sinh hoạt hằng ngày tại trường; khẩu phần ăn bảo đảm dinh dưỡng và giữ nhiệt. Nhà trường cũng nhắc nhở phụ huynh quan tâm bảo đảm sức khỏe khi đưa - đón con, mang thêm quần áo, tất... dự phòng hằng ngày tới lớp để đề phòng trong trường hợp cần thiết...

Trong khi đó, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu cho hay, các nhà trường trên địa bàn đã chủ động rà soát, kiểm tra toàn bộ các phòng học, phòng chức năng, khu vực ăn của học sinh... để bảo đảm đủ ánh sáng, tránh gió lùa. Các trường tổ chức cho học sinh bán trú có trách nhiệm bảo đảm thực phẩm đủ dinh dưỡng, xây dựng chế độ ăn hợp lý, bảo đảm thức ăn được giữ nóng và có chỗ ngủ trưa đủ ấm cho học sinh. Các trường mầm non được lưu ý hơn về khâu đón trẻ buổi sáng để kịp thời phát hiện trẻ có dấu hiệu bất thường về sức khỏe...

Bên cạnh việc tăng cường các điều kiện phòng, chống rét tại trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông chỉ đạo các nhà trường tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh về việc học tập trong những ngày trời rét đậm. Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng, căn cứ vào điều kiện thực tế và sức khỏe của học sinh, gia đình quyết định cho con đến trường học hoặc nghỉ học ở nhà trong những ngày trời rét đậm. Những học sinh nghỉ học sẽ được bố trí học bù. Giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm theo dõi tình hình sức khỏe của học sinh hằng ngày.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới, ông Hoàng Hữu Trung, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho gia đình học sinh, năm học 2020-2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội không quy định chi tiết về việc cho học sinh nghỉ học trong những ngày trời rét đậm như mọi năm, mà giao quyền chủ động cho các hiệu trưởng. Tùy theo điều kiện thực tế và diễn biến thời tiết ở mỗi địa bàn, hiệu trưởng có thể điều chỉnh thời gian học sao cho học sinh không phải đến trường quá sớm vào buổi sáng.

Trong những ngày trời rét đậm, phụ huynh học sinh có thể cho con nghỉ học ở nhà và thông tin cụ thể cho giáo viên chủ nhiệm. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lưu ý, các nhà trường trong những ngày trời rét không tổ chức các hoạt động tập trung học sinh ngoài trời và không bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục.

Thống Nhất

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-duc/988172/bao-dam-an-toan-suc-khoe-cho-hoc-sinh-trong-nhung-ngay-troi-ret-dam-ret-hai