Bảo đảm an toàn thực phẩm khu vực cổng trường

Những tháng đầu năm 2024, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội kiểm tra và phát hiện hơn 3.700 vụ vi phạm an toàn thực phẩm, tăng 44% so với 6 tháng cuối năm 2023.

Chỉ riêng kiểm tra tại quận Bắc Từ Liêm, cơ quan chức năng đã phát hiện ở cổng Trường Tiểu học Đức Thắng và Trường Mầm non Sao Mai bày bán hơn 1.700 mặt hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Trong khi đó, theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), có tới 70% - 80% thức ăn đường phố, bao gồm cả quà vặt trước cổng trường, được xác định là bị nhiễm khuẩn như Ecoli - loại vi khuẩn gây tiêu chảy, bệnh đường ruột và khuẩn gây tả.

Nguyên nhân của những vi phạm nói trên là do công tác quản lý an toàn thực phẩm không đồng nhất, vẫn có sự đan xen, chồng chéo. Việc quản lý cơ sở sản xuất thực phẩm quy mô nhỏ còn chưa hiệu quả; việc xử lý vi phạm còn chưa nghiêm. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh vẫn có thói quen chiều con trẻ bằng cách mua quà ăn vặt bán ở các hàng rong sau khi tan trường như "phần thưởng" mà không nghĩ đến những chất độc đang dần ngấm vào cơ thể con em mình...

Thời gian qua, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, giám sát những nơi tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nhất là hàng rong trước cổng trường. Tuy nhiên, đến nay tình trạng kinh doanh ăn uống tự phát không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trước cổng trường học vẫn chưa được ngăn chặn triệt để.

Trước thực tế này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà đã ký ban hành Kế hoạch số 210/KH-UBND (ngày 11-7-2024) về chuyên đề “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Theo đó, thành phố yêu cầu các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học; đề cao vai trò, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực hiện những quy định về an toàn thực phẩm; chủ động phòng ngừa ngộ độc, bệnh truyền qua thực phẩm đối với học sinh.

Để thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kế hoạch số 210/KH-UBND, thời gian tới, các địa phương, cơ quan chức năng của thành phố cần giám sát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm tra, lưu mẫu thức ăn theo quy định; nghiêm cấm các cơ sở cung cấp thực phẩm không bảo đảm quy định về an toàn thực phẩm đưa vào trường học.

Chính quyền địa phương và các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý của mình phải thường xuyên nhắc nhở, yêu cầu những người bán hàng trước cổng trường học phải chế biến thức ăn sạch sẽ, hợp vệ sinh, bán thức ăn rõ nguồn gốc, thực hiện tốt các quy định về an toàn thực phẩm.

Trường hợp trẻ em ăn thực phẩm từ những người bán hàng rong bày bán trước cổng trường và bị ngộ độc thực phẩm, người bán hàng rong phải chịu trách nhiệm. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thực tế mà người bán hàng rong có thể bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với sự cố về ngộ độc thực phẩm mà mình gây ra.

Các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội cần có quy định cấm ăn quà trước cổng trường, phổ biến đến học sinh và các bậc phụ huynh ngay từ đầu năm học, đồng thời thực hiện việc đóng cổng trường giờ ra chơi. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền cho học sinh kiến thức về an toàn thực phẩm, kiên quyết nói không với các thực phẩm “bẩn”, thực phẩm không rõ nguồn gốc bày bán trước cổng trường.

Hà Trang

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/bao-dam-an-toan-thuc-pham-khu-vuc-cong-truong-672857.html