Bảo đảm an toàn thực phẩm mùa lễ hội

Giám sát chặt nguyên liệu thực phẩm

Vào dịp đầu xuân, đặc biệt là Lễ hội Rằm tháng giêng, du khách thập phương đến Bình Dương viếng chùa rất đông, trong đó tập trung tại miếu Bà Thiên Hậu, chùa Hội Khánh, chùa Tây Tạng (TP.Thủ Dầu Một), chùa núi Châu Thới (TP.Dĩ An). Để bảo đảm ATTP cho du khách thập phương vãng cảnh, đi chùa trong mùa Lễ hội Rằm tháng giêng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm ATTP trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.

Hôm qua (29-1), P.V đã có mặt tại một số điểm bán thức ăn sáng trên đường Nguyễn Du, Thích Quảng Đức, đường Cách Mạng Tháng Tám… phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một để nắm tình hình. Tại đây, các điểm bán thức ăn luôn đông khách bởi món ăn khá phong phú, giá cả lại mềm. Từ bún bò, bò kho, bún riêu, hủ tiếu, bún thịt nướng, bánh canh, cơm tấm... đến các món chay đều có đủ. Mỗi tô giá chỉ từ 20.000 - 30.000 đồng. Theo quan sát của P.V, nhìn chung các cơ sở bảo đảm được các điều kiện về ATVSTP; khu vực sơ chế, chế biến cách xa nguồn ô nhiễm; khuôn viên rộng, thoáng; thực phẩm được để trên các kệ cao; có màn che chắn thực phẩm chín... Do lượng du khách đông, trước đó Chi cục ATVSTP tỉnh đã đề nghị các cơ sở thực hiện đúng các quy định về bảo đảm ATVSTP, tránh ngộ độc thực phẩm, đồng thời bảo đảm quy tắc 2K (khẩu trang, khử khuẩn) để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và dịch bệnh truyền nhiễm khác.

Công tác bảo đảm an toàn VSTP trong mùa lễ hội năm 2023 sẽ được các cơ quan chức năng của tỉnh tăng cường thực hiện

Trong những ngày gần đây, TP.Thủ Dầu Một đang tăng cường công tác kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm công tác bảo đảm ATVSTP. Các đoàn kiểm tra tập trung vào những mặt hàng được người dân tiêu thụ nhiều trong dịp lễ hội và có yếu tố nguy cơ cao như các sản phẩm chay. Qua quá trình kiểm tra, giám sát, thành phố kiên quyết xử lý nghiêm những vi phạm về chất lượng và điều kiện an toàn trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định. Trong quá trình kiểm tra, giám sát, các đơn vị kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, các quy định của pháp luật về đảm bảo chất lượng ATTP cho người quản lý, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng.

Trong khi đó, các địa điểm phục vụ ăn uống và các quầy hàng kinh doanh thực phẩm chùa núi Châu Thới (TP.Dĩ An) đã được Ban quản lý chùa và các đơn vị y tế của địa phương giám sát chặt chẽ, nguyên liệu thực phẩm đầu vào và các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sử dụng nguồn nước máy trong sản xuất, chế biến thực phẩm.

Thanh, kiểm tra kết hợp với tuyên truyền

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Đạt, Giám đốc Chi Cục ATVSTP tỉnh, cho biết nhằm bảo đảm tốt công tác ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm trong thời điểm diễn ra Lễ hội Rằm tháng giêng, chi cục đã xây dựng các kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; chỉ đạo và hướng dẫn trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm, kiểm tra, giám sát, ký cam kết đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố theo phân cấp quản lý. Để hướng các cơ sở tham gia kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy định bảo đảm vệ sinh ATTP trong chế biến, kinh doanh thực phẩm, chi cục chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân, chủ cơ sở nhận thức đúng đắn về việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, giữ uy tín với du khách thập phương.

Thực tế cho thấy, do nhận thức của người kinh doanh, người tiêu dùng được nâng lên nên nhiều cơ sở dịch vụ ăn uống đã ý thức được tầm quan trọng của việc bảo đảm vệ sinh ATTP. Điều này thể hiện ở việc các cơ sở chấp hành tốt các điều kiện vệ sinh ATTP từ khâu chế biến thực phẩm, vệ sinh môi trường xung quanh khu vực bán hàng, vệ sinh bát, đũa sạch sẽ cho đến tuân thủ các quy định về nguồn nguyên liệu đầu vào. Chị Nguyễn Thị Hiếu, chủ cửa hàng cơm chay trên đường Thích Quảng Đức (TP.Thủ Dầu Một), cho biết để gầy dựng uy tín quán và bảo đảm vệ sinh ATTP, quán nhập các loại nguyên liệu rau củ quả bảo đảm tươi sống, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đây cũng là điều kiện để quán giữ uy tín với thực khách.

Hiện Chi cục ATVSTP tỉnh vẫn đang duy trì đoàn kiểm tra, giám sát, phối hợp với các địa phương, Ban quản lý các chùa thực hiện bảo đảm ATTP cho du khách thập phương về tham quan, viếng chùa trên địa bàn tỉnh.

"“Thống kê từ đầu năm 2023 đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra trường hợp khách thập phương bị ngộ độc thực phẩm và chưa xảy ra các trường hợp người dân bị ngộ độc thực phẩm hàng loạt hoặc ngộ độc thực phẩm nặng. Tuy nhiên, không vì vậy mà tỉnh chủ quan, lơ là trong khâu quản lý. Ngay từ trước Tết Nguyên đán, Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra tại các bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn, thức ăn đường phố, hạn chế không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng tới hình ảnh đất và người Bình Dương trong lòng du khách khi về dâng hương trong mùa Lễ hội Rằm tháng giêng”.

(Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế)

HOÀNG LINH

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/bao-dam-an-toan-thuc-pham-mua-le-hoi-a289107.html