Bảo đảm an toàn thực phẩm mùa lễ hội năm 2023
Thanh Hóa là địa phương có hơn 1.500 di tích lịch sử - văn hóa và hơn 300 lễ hội lớn, nhỏ diễn ra hàng năm, trong đó nhiều lễ hội được tổ chức vào dịp đầu xuân, vì vậy, ngay sau Tết Quý Mão, lượng người đổ về các lễ hội tăng cao. Đây cũng là thời điểm các dịch vụ ăn uống nở rộ. Để bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) tại lễ hội xuân 2023, các cơ quan chức năng của tỉnh đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, nhất là ở những nơi có khu du lịch, điểm di tích, tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về vệ sinh ATTP.
Lễ hội Đền Nưa - Am Tiêm (Triệu Sơn) những ngày này thu hút khá đông khách tham quan. Tại đây có khoảng 30 cơ sở kinh doanh ăn uống. Để bảo đảm an ninh trật tự, ATTP trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, công tác quản lý các nhà hàng, quán ăn được UBND huyện Triệu Sơn đặt lên hàng đầu, trong đó lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào mặt hàng người dân tiêu thụ nhiều trong dịp tết, đồng thời xử lý nghiêm vi phạm về chất lượng, điều kiện an toàn trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định.
Ông Tào Quang Sơn, Trưởng Ban Quản lý Di tích Đền Nưa – Am Tiên, cho biết: Để bảo đảm ATTP trong mùa lễ hội, huyện đã thành lập tổ công tác liên ngành để thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các nhà hàng, quán ăn bảo đảm ATTP cho du khách. Ngoài ra, lực lượng quản lý thị trường sẽ kiểm tra về nguồn gốc thực phẩm, mặt hàng ăn sẵn và quán bún phở... Ban quản lý di tích cũng đã tổ chức cho các hộ kinh doanh các gian hàng phải ký cam kết, chịu trách nhiệm bảo đảm vệ sinh, đúng quy định.
Tại Đền Bà Triệu (Hậu Lộc) cũng thu hút hàng ngàn người về dâng hương, vãn cảnh. Tại đây, công tác bảo đảm vệ sinh ATTP được đặc biệt chú trọng. Ban chỉ đạo vệ sinh ATTP của huyện đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đổi mới phương pháp kiểm tra, trong đó tập trung vào mặt hàng dễ xảy ra nguy cơ mất ATTP, hạn chế không để xảy ra sự cố đáng tiếc liên quan đến vệ sinh ATTP trong mùa lễ hội xuân 2023.
Ông Lê Ngọc Doãn, Chủ tịch UBND xã Triệu Lộc (Hậu Lộc), cho biết: Để bảo đảm ATTP, trong khuôn viên Đền Bà Triệu nghiêm cấm hoạt động buôn bán thực phẩm. Đối với phạm vi bên ngoài đền, địa phương có ban kiểm tra, tổ chức ký cam kết với các hộ kinh doanh để bảo đảm ATTP. Ngoài ra, vấn đề về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng thực phẩm cũng được thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các hộ kinh doanh.
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối về vệ sinh ATTP tỉnh, 100% đơn vị y tế đã triển khai kế hoạch, phương án phòng, chống ngộ độc thực phẩm mùa lễ hội xuân 2023. Tình hình vệ sinh ATTP trong dịp lễ hội xuân 2023 đến thời điểm này cơ bản ổn định, không xảy ra ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Hiện tại có 3 đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đang tập trung kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Các lực lượng chức năng cũng chú trọng kiểm soát những đầu mối sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm tại những nơi có khu du lịch, điểm di tích, nhằm ngăn chặn kịp thời thực phẩm giả, kém chất lượng tuồn vào thị trường, phòng chống ngộ độc thực phẩm, bảo đảm sức khỏe người dân.
Ông Nguyễn Hữu Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh ATTP tỉnh, trưởng đoàn kiểm tra liên ngành số 1 tỉnh cho biết: Theo lịch kiểm tra đợt này, đoàn đã xử lý 3 cơ sở vi phạm, xử phạt 24 triệu đồng; đối với các cơ sở nhỏ lẻ tại các lễ hội, đoàn kiểm tra giao lại cho UBND xã phường, thị trấn thực hiện kiểm tra theo đúng phân cấp. Cùng với công tác xử lý vi phạm, đoàn cũng đã hướng dẫn việc bảo đảm vệ sinh ATTP tại các cơ sở phục vụ ăn uống cho các đoàn khách về địa phương để tham dự lễ hội; giám sát việc thực hiện kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thức ăn theo quy định; hướng dẫn các cơ sở thực hiện các biện pháp bảo đảm ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, chấp hành các quy định về ATTP; kết hợp tuyên truyền các biện pháp bảo đảm ATTP cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và người tiêu dùng, đặc biệt tại những nơi tập trung đông người và xung quanh khu vực tổ chức lễ hội.
Ngoài 3 đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, các địa phương cũng đã thành lập 154 đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện, xã và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về ATTP; kiến thức lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến doanh nghiệp và người dân.
Các lực lượng chức năng cũng xây dựng, triển khai kế hoạch kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo phân cấp quản lý. Qua đó, đã phát hiện một số vi phạm mà các cơ sở thường mắc phải như: chưa đủ điều kiện bảo đảm ATTP, chưa công bố chất lượng sản phẩm, vi phạm các quy định thực hành ATTP...
Mùa lễ hội xuân 2023 ở Thanh Hóa diễn ra đến tháng 3, 4 âm lịch. Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp cũng như ngành chức năng, trong mùa lễ hội, người dân, du khách khi đến với xứ Thanh nên đề cao cảnh giác trước những loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, không nhãn mác... nhằm tự bảo vệ sức khỏe của mình để có một mùa lễ hội vui tươi, an toàn.