Bảo đảm an toàn thực phẩm tại Hà Nội: Lực lượng chức năng, người tiêu dùng cùng vào cuộc
Trong 3 tháng hè năm nay (từ tháng 5 đến tháng 7), Hà Nội không để xảy ra bất kỳ vụ ngộ độc thực phẩm nào. Thế nhưng, công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố vẫn còn rất nhiều khó khăn. Vì vậy, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần kiên quyết nói không với thực phẩm bẩn.
Xử phạt vi phạm hơn 14,4 tỷ đồng
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2019, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở thực phẩm được tăng cường. Toàn thành phố đã huy động sự vào cuộc của 718 đoàn thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm. Kết quả, có 62.210 lượt cơ sở được thanh tra, kiểm tra, trong đó phát hiện 3.747 cơ sở vi phạm và xử phạt hành chính với số tiền hơn 14,4 tỷ đồng.
Riêng Công an thành phố đã phát hiện 2.067 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, xử lý vi phạm hành chính 1.992 vụ, thu nộp ngân sách hơn 6,3 tỷ đồng, đồng thời khởi tố 3 vụ với 5 đối tượng sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng.
Lực lượng chức năng kiểm tra sản phẩm sữa Vinamilk tại một cơ sở kinh doanh.
Có được kết quả trên, theo ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thành viên Ban Chỉ đạo Công tác an toàn thực phẩm của thành phố, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm đã chặt chẽ, hiệu quả, nhất là duy trì phối hợp với các tỉnh lân cận về kiểm soát nguồn nguyên liệu thực phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm nhập về Hà Nội.
Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra được các cấp, các ngành tập trung có trọng tâm, trọng điểm, thường xuyên tiến hành kiểm tra đột xuất vào các ngành, nhóm sản phẩm, các khâu chế biến có nguy cơ cao về mất an toàn thực phẩm, đồng thời xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.
Nhờ đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm của chủ các cơ sở. Nhiều cơ sở đã đầu tư trang thiết bị mới, đồng bộ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, ý thức về bảo đảm an toàn thực phẩm đã tốt hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Công tác an toàn thực phẩm của thành phố cho rằng, tình hình vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu, qua đường tiểu ngạch và thực phẩm không bảo đảm an toàn từ tỉnh khác vào Hà Nội tuy giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Thêm vào đó, tình hình biến đổi khí hậu ngày một phức tạp làm gia tăng nguy cơ thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là tình hình bệnh Dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng lớn đến người chăn nuôi, tiêu thụ các sản phẩm từ thịt lợn…
Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng còn dễ dãi trong việc lựa chọn thực phẩm, chưa phản ánh với cơ quan quản lý và tẩy chay các cơ sở thực phẩm không an toàn.
Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, áp lực của việc nâng cao năng suất vật nuôi, cây trồng cũng làm tăng việc sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất thực phẩm. Đây là nguyên nhân quan trọng gây ô nhiễm thực phẩm, tồn dư hóa chất trong sản phẩm thực phẩm.
Thế nhưng, một số chất cấm sử dụng trong nông nghiệp như: Leucomalachite Green, Malachite Green, Enrofloxacine, Chloramphenicol, Ciprofloxacin, Enrosulfan... lại chưa có quy định trong danh mục các chất cấm, quy định ngưỡng cho phép có trong sản phẩm thực phẩm do Bộ Y tế ban hành nên gây khó khăn cho công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Thay đổi thói quen “tiện đâu mua đấy”
Từ nay đến cuối năm, công tác quản lý an toàn thực phẩm tiếp tục được tăng cường. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung, tại 30 quận, huyện, thị xã, hiện đã thành lập lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm. Thành phố yêu cầu lực lượng này tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tươi sống, thức ăn ngay, dịch vụ ăn uống khu vực du lịch, thức ăn đường phố, nước uống đóng chai, rà soát chợ cóc, chợ tạm…
Bên cạnh việc thanh tra theo kế hoạch cần tăng cường thanh tra đột xuất, hậu kiểm nhằm hạn chế tối đa thực phẩm không bảo đảm an toàn lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, việc triển khai cần tránh chồng chéo, gây phiền hà cho các doanh nghiệp.
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, để bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố cần phải quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hóa chất sử dụng trong nông nghiệp, như: Hóa chất bảo vệ thực vật trong sản phẩm rau, củ, quả; chất kháng sinh và chất cấm tăng trưởng trong sản phẩm thủy sản, gia súc, gia cầm. Mặt khác, tăng cường xét nghiệm nhanh các mặt hàng thực phẩm tại các chợ, chợ đầu mối, siêu thị và một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm...
Để loại trừ được thực phẩm bẩn trên thị trường, ông Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, thái độ, hành vi của người tiêu dùng rất quan trọng. Hiện nay, nhiều người vẫn giữ thói quen “tiện đâu mua đấy”. Thậm chí, khi thấy thực phẩm được chế biến không bảo đảm an toàn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhưng vì ham rẻ nên vẫn mua…
Thời gian tới, cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường phổ biến, hướng dẫn, khuyến khích nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, các hộ nông dân áp dụng mã số, mã vạch và gắn tem truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Người tiêu dùng có thể căn cứ vào đó để lựa chọn thực phẩm an toàn cho bữa cơm gia đình. Trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn rất cần sự vào cuộc tích cực của cơ quan quản lý và của chính người tiêu dùng.