Bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản người dân tại vùng ngập lụt

Chiều 29/7, Bà Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Thành ủy Hà Nội đã đi thăm, động viên và kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai, ảnh hưởng của bão số 2 và mưa lũ trên địa bàn hai huyện Chương Mỹ và Quốc Oai.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội động viên lực lượng làm nhiệm vụ tại xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai. Ảnh: nhandan.vn

Lãnh đạo thành phố Hà Nội động viên lực lượng làm nhiệm vụ tại xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai. Ảnh: nhandan.vn

Báo cáo của huyện Chương Mỹ cho thấy, do ảnh hưởng của bão số 2, trên địa bàn huyện đã có mưa, lượng mưa đo được từ 7h ngày 22/7 đến 7h ngày 29/7 là 406,1 mm.

Tính đến 7h ngày 29/7 mực nước sông Bùi tại Yên Duyệt 7,40 m (cao hơn báo động 3 là 0,4 m); mực nước sông Đáy tại Ba Thá 6,30 m (dưới mức báo động 3 là 0,3 m).

Một số công trình thủy lợi bị hư hại như: Bị vỡ 2 vai đập (tại xã Nam Phương Tiến và Tân Tiến); bị hư hỏng 601m kênh (tại xã Hồng Phong, Phú Nghĩa, Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến); 103 cầu, cống, đập nhỏ bị hư hỏng. Đối với công trình đê điều, chiều dài đê bị ngập nước là 4.805 m (ngập từ 0,2 đến 90 cm) thuộc địa bàn 11 xã.

Mưa lũ làm 1.343 hộ dân bị ngập từ 0,5-2 m nước. 715 ha lúa bị thiệt hại trên 70%; 444 ha bị thiệt hại từ 30-70%. 242 ha trồng ngô, rau màu các loại bị thiệt hại trên 70%. 1.540 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại trên 70%.

Ước tính đến 7h ngày 29/7/2024, qua thống kê sơ bộ, huyện Chương Mỹ bị thiệt hại khoảng 92 tỷ đồng do ảnh hưởng bão số 2.

Qua kiểm tra thực tế tại địa bàn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài biểu dương và đánh giá cao tinh thần chủ động trong chống lũ lụt của lãnh đạo các huyện cũng như lực lượng chức năng trên địa bàn cũng như sự chủ động của các huyện trong việc sơ tán người dân, gia súc, gia cầm nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do lũ lụt gây ra; huy động tốt phương châm “4 tại chỗ” cùng với sự tham gia chung sức của Nhân dân.

Nhận định khả năng lũ lụt còn tăng cường trong thời gian tới, bà Bùi Thi Minh Hoài đề nghị huyện Chương Mỹ đặc biệt chú trọng tới an toàn, tính mạng của người dân. Trong đó, với hơn 1.000 hộ dân đang ở trong vùng lũ, huyện cần tính toán kỹ và tiếp tục sơ tán để đảm bảo tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân. Nếu trường hợp không vận động được phải báo cáo các ban, sở, ngành để tiến hành cưỡng chế. Phải đặt tính mạng của người dân lên hàng đầu. Đồng thời lưu ý sớm ổn định cuộc sống cho người dân; đồng thời, quan tâm công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh không để bùng phát…

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị các huyện phân công lực lượng chức năng ứng trực 24/24 để xử lý kịp thời các sự cố do mưa lũ, không bị động trước các tình huống nhằm bảo đảm an toàn cho người dân và tài sản của người dân.

Thái Nhung

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bao-dam-an-toan-tinh-mang-suc-khoe-tai-san-nguoi-dan-tai-vung-ngap-lut-10286761.html