Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm, với 49 người bị ngộ độc, không có trường hợp tử vong. Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm luôn là vấn đề xã hội quan tâm cần được các cơ quan chức năng vào cuộc vì sức khỏe của nhân dân.
Hiện nay, toàn tỉnh có 6.888 cơ sở thực phẩm, trong đó, 3.002 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 2.164 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 1.240 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, còn lại là các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm và bếp ăn tập thể.
Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, các huyện, thành phố triển khai các hoạt động đảm bảo vệ sinh, nhất là thời điểm mùa lễ hội. Tổ chức cho các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ký cam kết không sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh đối với các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm tra, kịp thời ngăn chặn hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng; xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm.
Cùng với đó, Ban Chỉ đạo yêu cầu các ngành thành viên tập trung tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về ATTP bằng nhiều hình thức, như: Xây dựng chuyên mục, bản tin phát trên sóng của Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Sơn La, Cổng thông tin điện tử của tỉnh và Website của các ngành liên quan; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh các xã, phường, thị trấn, tổ, bản, tiểu khu, ban quản lý chợ; tuyên truyền trực tiếp bằng hình thức nói chuyện. Cấp, phát băng đĩa hình, đĩa tiếng, tờ rơi, poster, sách nhỏ với các nội dung tuyên truyền đa dạng, cảnh báo, giáo dục và nâng cao nhận thức của nhân dân về đảm bảo ATTP trong đời sống theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương phù hợp với điều kiện, đặc thù của địa phương.
Các ngành thành viên Ban Chỉ đạo đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát toàn diện việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Thông qua việc kiểm tra, giám sát tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đánh giá công tác quản lý về ATTP các cấp, các ngành có liên quan theo phân công, phân cấp, nhất là trong các đợt cao điểm, như: Tết dương lịch, Tết Nguyên Đán, Tháng hành động vì ATTP... và các cuộc truy xuất nguồn gốc thực phẩm không an toàn.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm 4.441 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, qua đó phát hiện 612 cơ sở vi phạm và bị xử lý, với số tiền phạt trên 1,7 tỷ đồng. Thực hiện lấy mẫu thực phẩm giám sát mối nguy với 1.063 mẫu, trong đó 1.059 mẫu đạt, 4 mẫu không đạt.
Nhà hàng Dũng Thúy, xóm 1, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, chuyên kinh doanh dịch vụ ăn uống, tổ chức sự kiện, nên việc đảm bảo ATTP được coi trọng từ khâu nhập đến khâu chế biến thực phẩm. Chị Đào Thị Thúy, Chủ nhà hàng cho biết: Thực phẩm chế biến được nhà hàng lựa chọn đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ. Nhà hàng luôn chấp hành nghiêm khâu bảo quản, chế độ lưu mẫu thực phẩm theo quy định. Các nhân viên được tham gia các lớp tập huấn về vệ sinh ATTP do các đơn vị chức năng tổ chức.
Hiện nay, toàn tỉnh có 432 trường học tổ chức nấu ăn bán trú. Theo ghi nhận của phóng viên đi thực tế tại một số trường trên địa bàn cho thấy, công tác đảm bảo ATTP được thực hiện đúng quy định. Các trường tổ chức nấu ăn bán trú đã ký kết hợp đồng với các nhà cung cấp thực phẩm có giấy đăng ký kinh doanh, được cấp giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh ATTP trên địa bàn để nhập nguyên liệu thực phẩm hằng ngày. Phân công giáo viên giám sát, kiểm tra chặt chẽ từ khâu chọn nguyên liệu đến khâu chế biến thực phẩm. Đặc biệt, việc lưu mẫu thực phẩm trước, trong và sau khi chế biến thực hiện đúng quy định, đề phòng trường hợp xảy ra ngộ độc thực phẩm để có cơ sở phân tích và hướng giải quyết kịp thời...
Ông Trần Đắc Thắng, Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban Chỉ đạo về ATTP tỉnh, thông tin: Sở tiếp tục tham mưu cho Ban Chỉ đạo triển khai hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Đổi mới và nâng cao chất lượng, số lượng các hoạt động truyền thông về ATTP cho phù hợp với tình hình mới. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm ATTP từ khâu cấp phép, quản lý, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Xây dựng mô hình điểm và duy trì hiệu quả các mô hình điểm điển hình về ATTP. Tổ chức đánh giá kết quả, hiệu quả hoạt động của mô hình điểm, rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình kiểm soát về ATTP tại các địa phương.
Cùng với tăng cường công tác quản lý, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về vệ sinh ATTP của cơ quan chức năng, còn rất cần mỗi cá nhân, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc lựa chọn những nguyên liệu chất lượng, sản phẩm tin cậy, có nguồn gốc rõ ràng. Đồng thời, nói không với những thực phẩm bẩn, kém chất lượng, góp phần bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.