Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại lễ hội
Sau Tết Nguyên đán, tại các địa phương trong tỉnh diễn ra nhiều lễ hội, hoạt động kinh doanh ăn uống cũng vì thế trở nên sôi động hơn. Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), cơ quan chuyên môn của tỉnh, các huyện, thị xã, TP đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm.
Nguy cơ mất an toàn
Lễ hội truyền thống tổ dân phố Đông, phường Bích Động (thị xã Việt Yên) diễn ra ngày mùng 10 tháng Giêng thu hút đông đảo du khách thập phương. Tại tuyến đường quanh sân vận động - nơi diễn ra giải bóng đá đông kín người, hàng chục quán kinh doanh thực phẩm mọc lên. Trong đó, viên chiên, xúc xích, bánh tráng, trà sữa… là những món ăn phổ biến. Chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng thấy những bất cập về ATVSTP.
Tại nhiều cửa hàng, những khay đựng xúc xích, viên chiên chất đầy, xếp chồng lên nhau ngay cạnh lối đi nhưng không có dụng cụ che chắn; bụi bẩn, ruồi, muỗi bám vào đồ ăn. Tại các cửa hàng bán trà sữa, nước giải khát, những hộp nhựa chứa đồ uống pha sẵn được xếp ngay trên mặt bàn cáu bẩn. Lý giải về việc không có tủ kính chứa đồ ăn, một chủ quầy bán xúc xích, viên chiên cho biết: “Là lao động tự do nên hằng năm đến ngày hội truyền thống của tổ dân phố, tôi nhập xúc xích, viên chiên để bán phục vụ người dân. Do chỉ bán trong thời gian ngắn nên tôi không trang bị tủ kính đựng đồ”.
Mỗi năm, toàn tỉnh có hàng trăm lễ hội truyền thống, tập trung vào mùa xuân. Cùng với hoạt động tín ngưỡng, văn hóa, thể thao, hàng quán cũng xuất hiện nhiều. Với lượng khách đông, hoạt động kinh doanh ăn uống tại các lễ hội luôn đối diện với nguy cơ mất ATVSTP.
Ghi nhận tại chùa Bổ Đà, xã Tiên Sơn (thị xã Việt Yên) cho thấy, dù còn hơn 1 tháng nữa mới đến hội (từ ngày 15 đến 18/2 âm lịch) song tại đây hơn chục quán bán hàng ăn, uống đã được dựng lên. Ngay tại khu vực bãi đỗ xe, nhiều quán bày la liệt đồ ăn sẵn không che đậy bất chấp bụi mù mịt sau mỗi lần ô tô, xe máy đi qua. Tình trạng này cũng diễn ra tại chùa Vĩnh Nghiêm, xã Trí Yên (Yên Dũng).
Tương tự, sáng 19/2 (tức mùng 10 tháng Giêng), dọc tuyến đường dẫn từ bãi đỗ xe vào Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, thị trấn Tây Yên Tử (Sơn Động) cũng có nhiều hàng quán mọc lên. Năm nay, việc sắp xếp các cơ sở kinh doanh ăn uống tại đây đã quy củ hơn song vấn đề ATVSTP còn hạn chế. Ông Nguyễn Kim Cương, Trưởng Phòng Y tế huyện Sơn Động cho biết: “Qua kiểm tra thực tế, một số hàng quán vẫn bày bán đồ ăn không rõ nguồn gốc, nhiều sản phẩm không có nhãn phụ theo quy định. Với những cơ sở này, chúng tôi nhắc nhở, yêu cầu ký cam kết. Nếu tiếp tục tái phạm, chúng tôi sẽ lập biên bản xử lý theo quy định”.
Đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra
Theo thống kê, hiện nay, toàn tỉnh có 2.454 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 1.270 quầy hàng kinh doanh thức ăn đường phố. Trong các ngày diễn ra lễ hội, số lượng quầy hàng kinh doanh thức ăn đường phố tăng đáng kể với các loại thực phẩm tiêu thụ lớn như: Bánh kẹo, nước giải khát, các loại thực phẩm chế biến, bao gói sẵn ăn ngay, các quán bún, phở…
Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng trong tỉnh tổ chức 177 buổi tuyên truyền đến hơn 5,3 nghìn lượt người, treo gần 1 nghìn băng rôn, khẩu hiệu, áp phích về ATVSTP. Cùng đó, ngành chức năng của các cơ quan, đơn vị, địa phương tiến hành kiểm tra gần 2,4 nghìn cơ sở (cả thu gom, giết mổ, sản xuất, chế biến), qua đó phát hiện 252 cơ sở vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính 35 trường hợp với tổng số tiền 174 triệu đồng.
Để nâng cao nhận thức của người dân, từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng chức năng trong tỉnh tổ chức 177 buổi tuyên truyền đến hơn 5,3 nghìn lượt người, treo gần 1 nghìn băng rôn, khẩu hiệu, áp phích về ATVSTP. Ngành chức năng các cơ quan, đơn vị, địa phương tiến hành kiểm tra gần 2,4 nghìn cơ sở (cả thu gom, giết mổ, sản xuất, chế biến), qua đó phát hiện 252 cơ sở vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính 35 trường hợp với tổng số tiền 174 triệu đồng.
Các lỗi vi phạm chủ yếu như: Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, quá hạn sử dụng ghi trên nhãn; sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ trong sản xuất, chế biến thực phẩm; người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm nhưng không mang đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định…
Thực tế, vài năm gần đây, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, đông người song nguy cơ mất ATVSTP luôn hiện hữu. Để bảo vệ người tiêu dùng, du khách, Sở Y tế vừa có văn bản yêu cầu các phòng, đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về ATVSTP. Với trách nhiệm của mình, UBND các địa phương có kế hoạch kiểm tra, nhắc nhở các chủ cơ sở kinh doanh.
Tại huyện Lạng Giang, cùng với yêu cầu tổ kiểm tra liên ngành của huyện tăng cường về tận thôn, xã để kiểm tra, Chủ tịch UBND huyện giao Chủ tịch UBND các xã, thị trấn chịu trách nhiệm nếu trên địa bàn xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm xuất phát từ những cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống …
Ở Sơn Động, để bảo đảm ATVSTP lễ hội Xuân Tây Yên Tử và Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Bắc Giang năm 2024, tổ liên ngành của huyện đã kiểm tra 15 cơ sở (đạt 100%) kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thị trấn Tây Yên Tử. Cùng với tham mưu Chủ tịch UBND huyện xử phạt 2 cơ sở do sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm nhưng không mang đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định, tổ yêu cầu chủ các nhà hàng ký cam kết bảo đảm ATVSTP.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thể, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP (Sở Y tế) cho biết: “Dù chỉ kinh doanh thời vụ nhưng các hàng quán cũng phải đáp ứng những điều kiện bắt buộc. Do đó, cùng với quản lý các cơ sở theo phân cấp, mùa lễ hội năm nay, chúng tôi sẽ tăng cường cán bộ, thiết bị hỗ trợ các địa phương có lễ hội lớn, bảo đảm không để xảy ra các vụ ngộ độc từ việc mất ATVSTP, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và du khách”.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết