Bảo đảm an toàn vùng nuôi thủy sản trong mùa mưa bão
Hiện nay đã bước vào mùa mưa bão. Vì vậy việc bảo đảm an toàn cho các ao, đầm, vùng nuôi thủy sản đang được ngành Nông nghiệp, các địa phương và người nuôi thủy sản tích cực triển khai thực hiện nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai. Chúng tôi đến trang trại nuôi tôm trong bể của anh Lê Đức Tuấn, xóm 1, xã Hải Chính (Hải Hậu) khi anh đang tập trung chăm sóc cho lứa tôm thứ 3 của năm 2021. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Hiện nay đã bước vào mùa mưa bão. Vì vậy việc bảo đảm an toàn cho các ao, đầm, vùng nuôi thủy sản đang được ngành Nông nghiệp, các địa phương và người nuôi thủy sản tích cực triển khai thực hiện nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai.
Chúng tôi đến trang trại nuôi tôm trong bể của anh Lê Đức Tuấn, xóm 1, xã Hải Chính (Hải Hậu) khi anh đang tập trung chăm sóc cho lứa tôm thứ 3 của năm 2021. Anh Tuấn cho biết: Nếu thời tiết thuận lợi thì chỉ hơn một tháng nữa là 6 bể nuôi tôm thẻ chân trắng của gia đình sẽ cho thu hoạch. Đây là phương pháp nuôi an toàn, giảm sự phụ thuộc vào thời tiết, dễ áp dụng trong điều kiện khí hậu thay đổi và diễn biến cực đoan hiện nay; đồng thời chủ động trong việc xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường nước bể nuôi. Để xây dựng hoàn thiện 1 bể nuôi tôm có quy mô khoảng 120m2, anh Tuấn phải đầu tư 40 triệu đồng xây bể, mua bạt lót đáy, trang bị máy thổi khí và làm mái che nắng, mưa. Do chủ động nguồn nước, thức ăn, các vấn đề về an toàn dịch bệnh nên mỗi lứa tôm nuôi chỉ mất từ 90-120 ngày là cho thu hoạch và đạt trọng lượng tôm thương phẩm với khoảng 45-50 con/kg. Theo anh Tuấn, năng suất nuôi tôm trong bể cao hơn hẳn phương pháp nuôi truyền thống từ 30-40%, mỗi năm nuôi được 3-4 vụ, tỷ lệ rủi ro ít hơn, sản lượng đạt 5-6 tạ/bể. Hiện, anh đang tiếp tục xây thêm 2 bể nuôi tôm để mở rộng diện tích nuôi tôm… Khi phát triển nuôi tôm trong “nhà”, bước vào mùa mưa bão, điều khiến anh Tuấn lo ngại nhất không phải tình trạng ngập úng mà bị tốc mái che. Vì vậy, trước mùa mưa bão, anh đã tập trung gia cố, thay thế hệ thống chống bay lốc từ cáp thép bằng cước đúc. Theo anh Tuấn, cáp thép không có sự đàn hồi nên khi có mưa to, gió lớn giật mạnh sẽ gây đứt cáp và làm sập mái che. Sử dụng hệ thống cước đúc có sự đàn hồi theo sức gió nên không dễ bị đứt và vẫn giữ được mái che trong khi có gió lớn. Không những thế mà kinh phí đầu tư lắp đặt hệ thống cước đúc còn rẻ hơn giúp anh giảm đáng kể chi phí đầu tư.
Là ngành sản xuất ngoài trời phụ thuộc lớn vào thời tiết nên thời điểm này hầu hết các chủ đầm, ao nuôi thủy sản ở các địa phương trong tỉnh cũng đang tích cực chuẩn bị các phương án bảo đảm an toàn ao, đầm nuôi thủy sản theo khuyến cáo của ngành chức năng, nhằm giảm thiểu thiệt hại khi có mưa bão xảy ra. Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản (Sở NN và PTNT) 6 tháng đầu năm 2021, tổng diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh ước đạt 15.630ha, trong đó nuôi nước ngọt ước đạt 9.850ha, nuôi nước mặn lợ ước đạt 5.780ha. Phương thức, đối tượng con nuôi ngày càng đa dạng, phong phú gắn với thị trường tiêu thụ và nâng cao giá trị thu nhập… Để giảm thiểu thiệt hại cho nuôi thủy sản trong mùa mưa bão năm nay, Sở NN và PTNT chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với Phòng NN và PTNT các huyện kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước, hướng dẫn người dân các biện pháp bảo vệ ao, đầm nuôi thủy sản khi có mưa to, gió lớn. Tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi, nạo vét hệ thống mương tiêu để bảo đảm tiêu, thoát nước kịp thời. Các địa phương tăng cường hướng dẫn người nuôi kiểm tra và tu bổ lại bờ ao, bờ đầm chắc chắn bảo đảm giữ được nước; thực hiện các biện pháp gia cố, bảo vệ bờ, cống tiêu thoát nước; quanh bờ ao, đầm nuôi thủy sản xây dựng thêm hệ thống lưới chắn để ngăn tôm, cá thất thoát khi nước tràn bờ; thiết kế hệ thống thoát nước phù hợp để xả nước chống tràn, đồng thời rắc vôi bột xung quanh bờ phòng nước đầy trôi phèn xuống ao làm biến động độ pH trong nước ao nuôi khiến cá, tôm nuôi bị sốc và chết, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng thủy sản. Đối với diện tích nuôi đến thời kỳ thu hoạch, nếu tôm, cá đạt kích cỡ thương phẩm, các địa phương hướng dẫn người nuôi thủy sản thu hoạch hoặc đánh tỉa nhằm hạn chế thất thoát khi bão, lũ xảy ra. Hiện nay, thời tiết nắng nóng gay gắt liên tục với nền nhiệt phổ biến từ 37-40oC, mỗi đợt nắng nóng kéo dài 5-7 ngày, Phòng NN và PTNT, Ban Nông nghiệp các xã, thị trấn cần đôn đốc người nuôi thường xuyên kiểm tra bờ, cống ao, đầm nuôi để tránh hiện tượng rò rỉ mất nước; duy trì mực nước trong ao thấp nhất từ 1,2-1,8m để ổn định nhiệt độ nước ao nuôi; chuẩn bị nước sạch trong ao lắng để cung cấp bổ sung hoặc thay thế một phần nước ao nuôi khi cần. Tăng cường quạt nước vào thời điểm từ 10-18 giờ hàng ngày để tránh sự phân tầng nhiệt, tăng cường ô xy ở tầng đáy và áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho con nuôi thủy sản khi thời tiết thay đổi… Đối với nuôi cá nước ngọt, hạn chế việc đánh bắt, san thưa, vận chuyển, thả giống vào những ngày nắng nóng, thời điểm nắng nóng trong ngày. Khi trong ao có hiện tượng cá nổi đầu do thiếu ô xy cần sử dụng máy bơm nước, máy quạt nước vào ban đêm từ 22 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau để tăng hàm lượng ô xy hòa tan trong ao. Đồng chí Lê Văn Luyện, Phó Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Hải Hậu cho biết: Phòng đã phân công cán bộ thường xuyên bám sát vùng nuôi, phát hiện kịp thời các trường hợp tôm, cá bị bệnh chết báo cáo về Phòng NN và PTNT, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện để chỉ đạo, hướng dẫn biện pháp xử lý. Tích cực đôn đốc các xã, thị trấn làm tốt công tác nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, bảo đảm nước cấp và tiêu cho các vùng nuôi thủy sản thuận lợi, không bị ứ tắc; phối hợp chặt chẽ với các cụm thủy nông để cấp, tiêu nước kịp thời cho người nuôi. Tiếp tục vận động các hộ trong vùng nuôi thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, xây dựng quy chế hoạt động sản xuất trong vùng nuôi, thống nhất, hỗ trợ nhau thực hiện các biện pháp phòng, chống, bảo đảm an toàn vùng nuôi thủy sản trong mùa mưa bão.
Nuôi thủy sản phụ thuộc nhiều vào thời tiết, đặc biệt những vùng có nguy cơ ngập, tràn khi mưa bão xảy ra, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế. Vì vậy, việc chủ động tích cực triển khai các phương án, kịch bản phòng, chống, bảo vệ an toàn cho các vùng nuôi thủy sản; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo vệ ao, đầm và ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra là giải pháp quan trọng để bảo vệ sản xuất, lợi nhuận cho người nuôi./.
Bài và ảnh: Văn Đại