Bảo đảm ATTP: Công khai cơ sở vi phạm
Thời gian qua, công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) đã được lực lượng quản lý thị trường (QLTT) cả nước thực hiện thường xuyên, kịp thời, đúng hướng. Qua đó, nhiều vụ vi phạm về ATTP đã được phát hiện, ngăn chặn, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Theo báo cáo của Tổng cục QLTT, trong 5 tháng đầu năm 2020, lực lượng QLTT các tỉnh, thành phố trong cả nước đã kiểm tra 5.670 vụ, xử lý 3.572 vụ việc vi phạm về ATTP, xử phạt vi phạm hành chính gần 9,3 tỷ đồng, trị giá tang vật thu giữ hơn 19,1 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong Tháng hành động vì ATTP năm 2020 (diễn ra từ ngày 15/4 - 15/5), lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra 2.644 vụ, xử lý 1.358 vụ vi phạm về ATTP, xử phạt vi phạm hành chính hơn 3,377 tỷ đồng, trị giá tang vật thu giữ hơn 1,976 tỷ đồng.
Mặc dù các vụ vi phạm về điều kiện ATTP, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ… đã giảm so với trước, song việc buôn bán, vận chuyển các mặt hàng trên vẫn còn xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở các tuyến biên giới, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, sức khỏe nhân dân. Những nơi thường xảy ra các vụ vi phạm lớn chủ yếu tập trung ở địa bàn thành phố và vùng phụ cận - nơi tập trung đông dân cư, nhu cầu về thực phẩm lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh; các cửa khẩu - nơi tập trung hoạt động xuất nhập khẩu hàng thực phẩm đông lạnh như Móng Cái, Lạng Sơn, Lào Cai; các cảng biển, cảng sông như Hải Phòng, Cát Lái...
Bên cạnh đó, công tác bảo đảm ATTP gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất của đại đa số các chợ còn yếu kém, lạc hậu (hiện chợ hạng III vẫn chiếm đến 84% tổng số chợ), công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ còn chậm. Việc thu hút các nguồn vốn xã hội hóa để thúc đẩy đầu tư, nâng cấp cải tạo chợ còn hạn chế, do việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ còn chậm... Nhận thức của các hộ kinh doanh thực phẩm về bảo đảm ATTP có tăng nhưng mới chỉ dừng lại ở mức độ quan tâm chứ chưa thật hiểu rõ những quy định, điều kiện về bảo đảm ATTP để thực hiện. Mặt khác, đa số các chợ chưa có cán bộ chuyên trách về ATTP, công tác đào tạo bồi dưỡng kiến thức về ATTP tuy đã được thực hiện nhưng không thường xuyên, và chưa được đào tạo chuyên sâu. Công tác kiểm tra ATTP tại chợ chưa được thường xuyên liên tục, việc xử lý các vi phạm về ATTP còn chưa nghiêm minh, chủ yếu dừng lại ở nhắc nhở...
Để thực hiện có hiệu quả việc kiểm soát thực phẩm nhập lậu, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng; phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn, thời gian tới, Tổng cục QLTT sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng QLTT cả nước làm tốt công tác dự báo tình hình, theo dõi sát diễn biến của thị trường; phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm những vi phạm về vận chuyển, kinh doanh thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc. Đồng thời, tăng cường công tác hướng dẫn, tuyên truyền pháp luật cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh về tác hại của việc kinh doanh và sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh ATTP. Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính.
Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ QLTT, Tổng cục QLTT: Nhằm bảo đảm ATTP, tới đây, lực lượng QLTT sẽ công bố công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định, để cảnh báo, nâng cao nhận thức pháp luật cho người tiêu dùng.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bao-dam-attp-cong-khai-co-so-vi-pham-143185.html