Bảo đảm bình đẳng giới trong phát triển nông thôn mới tại Việt Nam
Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) vừa phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương tổ chức Hội thảo Lồng ghép giới trong Chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới.
Hướng tới bình đẳng giới đã và đang một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, bình đẳng giới cũng được Chính phủ lưu tâm trong quá hoạch định chính sách, trong đó bao gồm Chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới (Chương trình MTQG về xây dựng NTM). Nghị quyết 26-NQ/TW xác định mục tiêu cho công cuộc xây dựng nông nghiệp và nông thôn đến năm 2020 và chi tiết 8 nhiệm vụ giải pháp chính, trong đó thúc đẩy bình đẳng giới được nhắc đến trong giải pháp thứ 3 về nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn.
“Chiếm hơn 50% dân số, phụ nữ Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nói chung, trong xây dựng nông thôn mới nói riêng. Phụ nữ đang tham gia trực tiếp, tích cực và vận động người thân trong gia đình tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tham gia sản xuất, kinh doanh.
Ngày càng xuất hiện nhiều điển hình nữ nông dân mạnh dạn, năng động, vượt khó đi lên làm giàu từ chính quê hương của mình; bảo tồn các nghề truyền thống, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, giúp nhau thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng”, bà Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nói.
Cũng theo bà Thảo, phụ nữ có vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng gia đình, lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống. Bằng tình yêu thương và trách nhiệm, phụ nữ luôn giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gia đình, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở cộng đồng luôn có bóng dáng và sự đóng góp của phụ nữ.
Trong bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn xanh – sạch - đẹp, chị em đã tích cực thực hiện sạch nhà – sạch bếp – sạch ngõ, dọn dẹp vệ sinh, trồng hoa, cây xanh trên các tuyến đường thôn, xóm; tham gia các tổ phụ nữ thu gom rác thải, các mô hình “Dùng làn đi chợ”, “Nhà tôi xanh – sạch – đẹp", "Hộ gia đình không chăn nuôi gia súc dưới gầm sàn" "Phụ nữ sản xuất sạch, tiêu dùng sạch", “Ngày thứ 7, chủ nhật xanh”...
Tuy vậy, vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm về bình đẳng giới, phụ nữ, gia đình và trẻ em như xu hướng người lao động đi làm ăn tại các đô thị ngày càng nhiều, đặt ra các vấn đề về gia đình, nuôi dạy con ở khu vực nông thôn; bạo lực gia đình, tảo hôn, kết hôn cận huyết thống vẫn tiếp tục diễn ra; định kiến giới còn tồn tại trong nhiều gia đình và cộng đồng….
Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình, UN Women đã phối hợp cùng Viện Chiến lược chính sách về Phát triển nông nghiệp nông thôn và Hội LHPN Việt Nam tham gia và triển khai một Đánh giá độc lập về giới trong Chương trình MTQG NTM giai đoạn 2010-2020.
Một trong những kết quả quan trọng được nhóm nghiên cứu cho biết là công tác lồng ghép giới còn chưa đầy đủ, mới chỉ xem giới là một vấn đề có tính “chuyên đề hẹp” chứ chưa phải là vấn đề có tính xuyên suốt chính là hạn chế chính cho việc đạt được mục tiêu bình đẳng giới trong Chương trình MTQG NTM.
Bình đẳng giới chỉ giới hạn trong một chỉ tiêu xây dựng NTM (là chỉ tiêu 18.6) trong khi giới không được đề cập đến trong hệ thống 48 chỉ tiêu còn lại của 19 tiêu chí NTM. Điều này đặt ra giới hạn căn bản đối với chiến lược và cách tiếp cận lồng ghép giới một cách đầy đủ.
Từ đó, một trong những khuyến nghị quan trọng được đưa ra là bình đẳng giới nên được phản ánh trong các nội dụng của Chương trình MTQG NTM cũng như các tiêu chí xây dựng NTM, ở bất kỳ nội dung và lĩnh vực nào phù hợp và có liên quan. Điều này có thể được thực hiện bằng cách lồng ghép giới trong các hoạt động khác nhau của Chương trình.
“Định kiến giới và tư tưởng trọng nam khinh nữ trong quá trình sinh con, nuôi con, chăm sóc con cái, kế hoạch hóa gia đình… vẫn còn tồn tại ở một số gia đình và một bộ phận dân cư trong xã hội (kể cả ở địa phương đã được công nhận đạt chuẩn NTM).
Trên thực tế, thời gian làm việc của phụ nữ trong gia đình thường dài hơn nam giới. Ở nhiều địa phương, nam giới vẫn được coi là trụ cột gia đình, có quyền quyết định các vấn đề lớn và là người đại diện ngoài cộng đồng. Các công việc nội trợ, chăm sóc các thành viên trong gia đình vẫn được coi là “thiên chức” của người phụ nữ”, ông Trần Nhật Lam, Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM TW cho biết.
Cũng theo ông Lam, hiện tượng bất bình đẳng giới còn phổ biến ở một số vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, phụ nữ là lao động chính, gánh nặng gia đình cũng như cường độ lao động và sự vất vả đều dồn lên đôi vai người phụ nữ song lại không có tiếng nói trong gia đình. Ngoài ra, phụ nữ còn gặp phải những vấn đề khác như bạo lực gia đình, nạn nhân của buôn bán người, bóc lột lao động, xâm hại tình dục.
Vì vậy, cần rà soát, đánh giá, đề xuất điều chỉnh, bổ sung, thay thế các nội dung liên quan đến Lồng ghép giới trong tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025.
“Chúng tôi mong muốn có một cuộc thảo luận hiệu quả về các khuyến nghị thực tế và khả thi để phát triển một chương trình ứng phó về giới nhằm đảm bảo lợi ích và cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người trong giai đoạn 2021-2030. Chương trình này sẽ không chỉ góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hiệu quả, mà quan trọng hơn là hướng tới sự phát triển bền vững và toàn diện”, bà Elisa Fernandez Senz, Trưởng Đại diện văn phòng UN Women tại Việt Nam, phát biểu.