Bảo đảm bố trí kinh phí đầy đủ, kịp thời cho phục hồi và phát triển kinh tế
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 25/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2022. Tại Nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương bảo đảm bố trí kinh phí đầy đủ, kịp thời cho nhiệm vụ chi thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương bảo đảm bố trí kinh phí đầy đủ, kịp thời cho các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước nói chung cũng như nhiệm vụ chi thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm soát chi; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời xử lý các vướng mắc về thanh, quyết toán.
Đồng thời, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện các chính sách quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ, hoàn thành trong tháng 3/2022. Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy tính phục vụ học tập trực tuyến do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế trọng điểm.
Đồng thời, khẩn trương trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2022.
Tại Nghị quyết, Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, chủ động theo dõi sát tình hình chính trị - kinh tế thế giới, khu vực, nhất là tác động của xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine, tốc độ phục hồi kinh tế và việc điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ của các nền kinh tế chủ chốt và các đối tác thương mại lớn, cạnh tranh chiến lược ở khu vực và vấn đề mới nổi lên trong nước để có biện pháp ứng phó kịp thời, phù hợp, hiệu quả.
Trong đó, cần lưu ý những tác động về quan hệ kinh tế, thương mại song phương, giá hàng hóa (nhất là các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, các hàng hóa cơ bản, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất…), an ninh năng lượng, lương thực, chuỗi cung ứng toàn cầu, các dự án đầu tư liên quan, hoạt động thanh toán quốc tế, sự điều chỉnh trong chính sách tiền tệ, thương mại, đầu tư, tình hình người lao động, học sinh, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài...