Bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2021, Tết Nguyên đán Nhâm Dần

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu giám đốc các sở, ban, ngành; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn giá cả thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2021 và dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần trong điều kiện dịch bệnh Covid -19 còn nhiều diễn biến phức tạp.

Chủ động nguồn hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân.

Chủ động nguồn hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Công thương theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa trên địa bàn tỉnh, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao hoặc có biến động giá nhiều trên địa bàn để chủ động đề xuất UBND tỉnh biện pháp cụ thể đảm bảo đủ lượng hàng hóa đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của Nhân dân trong tỉnh, đặc biệt tại các vùng nông thôn, vùng xa, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán hoặc trong trường hợp dịch bùng phát.

Xây dựng kế hoạch khai thác, dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối năm và dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần (tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng công nghệ phẩm, nhiên vật liệu, chất đốt…); trong kế hoạch cần tính toán bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong trường hợp có dịch bệnh và trong dịp tết Nguyên đán.

Phối hợp với Sở Giao thông vận tải – Xây dựng hỗ trợ và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho việc lưu thông hàng hóa, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

Khuyến khích, vận động các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới kinh doanh, chuẩn bị dự trữ hàng hóa để cung ứng sớm và đầy đủ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cho Nhân dân với giá cả hợp lý, chất lượng tốt; gắn kết các hoạt động kết nối cung cầu các hoạt động xúc tiến thương mại như đưa hàng Việt về nông thôn, bán hàng Việt khuyến mại và các hoạt động hội chợ, triển lãm… phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh Covid-19, bảo đảm an toàn dịch bệnh để kết nối với các doanh nghiệp phân phối và các nhà cung cấp thực phẩm thiết yếu, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường phục vụ Tết và cung ứng cho các địa bàn phải thực hiện giãn cách phòng, chống dịch bệnh; phối hợp với các địa phương trong cả nước triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, áp dụng các phương thức phù hợp với thực tế (trực tiếp hoặc trực tuyến).

Tiếp tục triển khai các hoạt động thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thúc đẩy lưu thông hàng hóa bình ổn thị trường; tổ chức thực hiện tốt Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia năm 2021.

Chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) trên địa bàn có phương án bảo đảm đủ nguồn hàng, tổ chức tốt việc cung ứng xăng dầu, khí đốt đáp ứng nhu cầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, đặc biệt trong dịp cuối năm và tết Nguyên đán; yêu cầu các doanh nghiệp tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, kiểm soát chất lượng, đo lường trong hệ thống kinh doanh trực thuộc, tránh gian lận trong kinh doanh xăng dầu, LPG và thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn phòng, chống cháy nổ.

Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc đảm bảo cung ứng điện của các Công ty Điện lực tại địa phương, lưu ý phương án dự phòng để đảm bảo đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân và cung cấp điện cho các cơ sở y tế để khám, chữa bệnh. Chú trọng công tác bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ tại các nơi công cộng, khu dân cư, khu vui chơi.

Phối hợp với Cục Quản lý thị trường kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình khai thác dự trữ và lưu thông hàng hóa tại các cơ sở kinh doanh thương mại (chợ, siêu thị, Trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích…); kết hợp kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị quản lý chợ triển khai tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh Covid-19 để duy trì hoạt động kinh doanh thương mại ổn định.

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh, thông tin đầy đủ và kịp thời về thị trường, giá cả, các chính sách bình ổn thị trường, công tác quản lý an toàn thực phẩm…

Rà soát kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các đơn vị sản xuất công nghiệp theo từng cấp độ phù hợp tình hình dịch bệnh Covid-19, đề xuất giải pháp cụ thể để phục hồi sản xuất công nghiệp; tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực và hiệu quả; tiếp nhận, phối hợp với các đơn vị hữu quan xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối hàng hóa trên địa bàn.

Sở Nông nghiệp và PTNT thường xuyên nắm bắt thông tin thị trường để có kế hoạch sản xuất và tiêu thụ sản phẩm phù hợp. Chủ động đề xuất phương án để đảm bảo nguồn cung ổn định thị trường các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng dịp cuối năm 2021 và tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, bảo đảm sản xuất theo đúng quy hoạch và theo khuyến cáo của các bộ, ngành hữu quan, tránh tình trạng dư thừa hoặc thiếu hụt cục bộ, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường hàng hóa của tỉnh.

Cung cấp thông tin và phối hợp với Sở Công Thương ban hành Kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu Tết, thực hiện các biện pháp ổn định thị trường.

Tăng cường công tác chỉ đạo phát triển sản xuất tạo nguồn hàng ổn định, có các giải pháp phòng, chống dịch bệnh đối với vật nuôi, cây trồng, nhất là đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm; xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với điều kiện thực tiễn để có các sản phẩm thu hoạch gối vụ, không bị gián đoạn.

Chỉ đạo áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất; tăng cường liên kết sản xuất tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, lựa chọn các cây trồng có giá trị, các loại rau đặc sản để sản xuất; áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh, chế phẩm sinh học và thực hiện theo các quy trình sản xuất rau an toàn như VietGAP, hữu cơ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát điều kiện sản xuất và an toàn thực phẩm đối với nhóm thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, giết mổ, chế biến thực phẩm; chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán và sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến nông sản và chăn nuôi; kiểm soát chặt tỷ lệ mẫu giám sát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm thịt lợn, thịt gà, thủy sản nuôi; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Chỉ đạo các cơ sở chăn nuôi tại các vùng chăn nuôi lợn và gia cầm lớn của tỉnh như Bảo Thắng và một phần sản phẩm của các huyện Bảo Yên, Bát Xát, Mường Khương, Văn Bàn tập trung sản xuất nhằm cung cấp nguồn hàng nội tiêu. Các huyện còn lại chủ động sản xuất nội tiêu và cung ứng cho các địa phương trong và ngoài tỉnh khi có nhu cầu.

Theo dõi tình hình thị trường, giá cả các mặt hàng giống, phân bón và các loại vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp để dự báo, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Các sở, ngành, đơn vị và UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào văn bản số 5851/UBND –KT của UBND tỉnh ngày 7/12/2021 về việc triển khai các nhiệm vụ, thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2021, tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 để triển khai.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/350457-bao-dam-can-doi-cung-cau-binh-on-thi-truong-cuoi-nam-2021-tet-nguyen-dan-nham-dan