Bảo đảm cân đối giữa thu ngân sách và chi đầu tư công

Do khả năng huy động các nguồn vốn của địa phương tăng cao, tại kỳ họp này, UBND tỉnh Hưng Yên đã trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Nội dung này nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của các đại biểu HĐND tỉnh.

Nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh nợ đọng xây dựng cơ bản

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hưng Yên về tiến độ triển khai các dự án đô thị, nhà ở và dự án đấu giá giãn dân trên địa bàn, dự kiến nguồn thu điều tiết về ngân sách cấp tỉnh quản lý đạt hơn 36.317,2 tỷ đồng, nguồn tăng thu ngân sách cấp tỉnh năm 2021 gần 376,4 tỷ đồng dành cho thực hiện đầu tư công. Vì vậy, việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công thời điểm này là phù hợp và bảo đảm theo quy định do khả năng huy động vốn của địa phương tăng khá lớn.

Các đại biểu thông qua nghị quyết tại kỳ họp

Các đại biểu thông qua nghị quyết tại kỳ họp

Ảnh: S. Nguyên

Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cũng cho thấy, dự kiến danh mục dự án đưa vào bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 là những công trình trọng điểm có tác động lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện bước đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Do đó, tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực giao thông chiếm tỷ trọng khá lớn (khoảng 78%). Bên cạnh đó, việc đầu tư cho lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa và giữ vững an ninh - quốc phòng, Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) cũng là những lĩnh vực được quan tâm đưa vào đầu tư. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư công ngân sách tỉnh quản lý dự kiến giao tăng so với số giao của HĐND tỉnh tại Nghị quyết số 160 khá lớn (khoảng 3 lần). Trong khi đó, nguồn vốn bổ sung tăng chủ yếu từ nguồn thu tiền sử dụng đất ở một số dự án đô thị, nhà ở, trung tâm thương mại, dịch vụ và một phần từ đấu giá quyền sử dụng đất.

Để công tác thu ngân sách bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ chi đầu tư công, Ban Kinh tế - Ngân sách đề nghị, UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng phương án và biện pháp thu ngân sách theo kế hoạch đề ra; tránh tình trạng kéo dài thời gian thực hiện dự án làm giảm hiệu quả đầu tư, gây nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB). Đồng thời, chỉ đạo hoàn thiện các thủ tục về đầu tư XDCB và giải ngân nguồn vốn đầu tư công các công trình, dự án; hỗ trợ kinh phí cho các địa phương tiếp tục thực hiện xây dựng NTM nâng cao và kiểu mẫu trong giai đoạn 2021 - 2025. Trên cơ sở dự kiến điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cũng đề nghị, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư.

Tăng cường giám sát quản lý, sử dụng các nguồn vốn

Theo báo cáo của UBND tỉnh về việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021 - 2025: Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh là 112.223,3 tỷ đồng, bổ sung tăng 29.311,4 tỷ đồng so với Nghị quyết số 148/2021 của HĐND tỉnh; tổng chi ngân sách địa phương 91.779,4 tỷ đồng, bổ sung tăng 28.349,9 tỷ đồng; bội thu ngân sách nhà nước dùng để chi trả nợ gốc của chính quyền địa phương giữ nguyên so với Nghị quyết số 148/2021.

Qua thẩm tra, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh nhận thấy, trong Báo cáo số 220/2022 của Sở TN - MT tỉnh đã ước thu tiền sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025 các dự án đầu tư phát triển đô thị, nhà ở, đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn. Có 9/20 dự án đô thị, nhà ở đã được UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất. Số dự kiến nguồn thu tiền sử dụng đất cấp tỉnh quản lý đã được các sở, ngành thống nhất là 36.317 tỷ đồng. Do đó, trên cơ sở nguồn thu phát sinh, cần thực hiện điều chỉnh kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 để kịp thời có phương án sử dụng nguồn thu; bảo đảm hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ chi thường xuyên, bổ sung kịp thời các công trình dự án đầu tư công và chi đầu tư phát triển.

Để công tác thu ngân sách bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ chi tương ứng, đặc biệt là nhiệm vụ chi thực hiện các dự án đầu tư công, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan có phương án, lộ trình và biện pháp thu ngân sách kịp thời, bảo đảm kế hoạch tài chính 5 năm đã đề ra. Bên cạnh đó, chỉ đạo các ngành, địa phương trong quá trình thực hiện cần thống nhất nội dung kế hoạch tài chính 5 năm với kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm; xây dựng các phương án, biện pháp thu ngân sách bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chi tương ứng, đặc biệt là đầu tư XDCB, tránh tình trạng kéo dài thời gian thực hiện dự án, làm giảm hiệu quả đầu tư, gây nợ đọng XDCB.

Liên quan đến nội dung này, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Quốc Toản đề nghị: Trong kế hoạch phân bổ vốn hàng năm, cần cân đối vốn giữa tổng mức đầu tư và khối lượng hoàn thành của những công trình lớn để bố trí tỷ lệ hợp lý; tăng cường kiểm tra lĩnh vực đầu tư công, không để phát sinh nợ đọng, đặc biệt là ở cấp huyện, xã. Đồng thời, tăng cường giám sát việc quản lý, sử dụng các nguồn vốn ngân sách nhà nước, các nguồn vay bảo đảm hiệu quả đầu tư.

BẢO TRÂM

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bao-dam-can-doi-giua-thu-ngan-sach-va-chi-dau-tu-cong