Bảo đảm chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật

Hôm qua 21-11 là ngày làm việc thứ 24 của kỳ họp thứ tám, Quốc hội (QH) khóa XIV. Buổi sáng, các đại biểu QH thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Buổi chiều, QH nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật Thư viện và biểu quyết thông qua luật này. Sau đó, các đại biểu thảo luận về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).

Ngày làm việc thứ 24, kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thư viện. Ảnh: DUY LINH

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thư viện. Ảnh: DUY LINH

Ðề cao trách nhiệm trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật

Thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhiều đại biểu QH quan tâm và phát biểu ý kiến về trách nhiệm chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh (các điều 74, 75, 76 và 77). Theo Tờ trình và dự thảo Luật, Chính phủ trình hai phương án: Phương án 1 sửa đổi theo hướng giao cơ quan trình dự án chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh; cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan trình trong việc tiếp thu, chỉnh lý. Phương án 2 cơ bản như hiện nay là giao cơ quan thẩm tra chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh; cơ quan trình phối hợp với cơ quan thẩm tra trong việc tiếp thu, chỉnh lý.

Các đại biểu QH: Nghiêm Vũ Khải (Hải Phòng), Nguyễn Mai Bộ (An Giang) và một số đại biểu khác đề nghị tiếp tục thực hiện như quy định hiện nay (như Phương án 2 của Chính phủ). Bởi việc giao cơ quan thẩm tra chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh như Luật hiện hành vẫn đang phát huy tác dụng tốt, một số vấn đề vướng mắc, bất cập là do quá trình thực thi chưa tốt, chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm của các cơ quan tham gia vào quá trình này. Không nên vì một số hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện mà tiến hành thay đổi cơ quan chủ trì tiếp thu, chỉnh lý. Do đó, chỉ cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm đề cao trách nhiệm của từng chủ thể từ khâu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, cho ý kiến đến xem xét, thông qua thì sẽ bảo đảm nâng cao được chất lượng lập pháp; không cần thiết phải thay đổi lớn về quy trình. Nếu sửa quy trình theo Phương án 1 như Chính phủ trình thì với cách thức và thời gian tổ chức kỳ họp QH như hiện nay sẽ không thể có đủ thời gian để vừa giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật theo ý kiến đại biểu QH vừa tiến hành thẩm tra lại để báo cáo Ủy ban Thường vụ QH xem xét trước khi trình QH. Có ý kiến nhấn mạnh: Không nên đặt ra vấn đề thay đổi mà cần tập trung xây dựng những quy định nhằm tăng cường hơn nữa, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, việc tiếp thu ý kiến góp ý, phản biện của đại biểu QH đối với một số văn bản quy phạm pháp luật của một số bộ, ngành chưa đầy đủ, chưa thấu đáo, vì vậy đã ảnh hưởng chất lượng các dự án luật.

Về nội dung này, một số đại biểu tán thành với Phương án 1 vì sẽ bảo đảm để các cơ quan soạn thảo, thẩm tra thực hiện đúng, đầy đủ chức năng, phát huy cao độ được trách nhiệm của các cơ quan, bảo đảm trong suốt quá trình xem xét, thông qua luật, các chính sách phát sinh đều được phản biện, thẩm tra, phù hợp với nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp. Theo đó, cơ quan soạn thảo sẽ thực hiện soạn thảo đến cùng, bảo đảm được tính liên tục, thống nhất từ khâu đề xuất chính sách, soạn thảo, trình cho đến giai đoạn giải trình bảo vệ và chỉnh lý, hoàn thiện. Cơ quan thẩm tra thực hiện thẩm tra đến cùng, kể cả đối với những chính sách đã thay đổi trong quá trình tiếp thu ý kiến, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật.

Việc quy định thời hạn trình hồ sơ, dự thảo luật lên Ủy ban Thường vụ QH hoặc đến các Ủy ban của QH để thẩm tra hay trình ra QH được một số đại biểu quan tâm và bày tỏ băn khoăn về những vướng mắc trong thực tế. Theo đó, trong nhiều kỳ họp, quy định này chưa được thực hiện nghiêm túc trong khi chưa có biện pháp để chấn chỉnh kịp thời. Có những văn bản phải gửi đến đại biểu QH trước 20 ngày của kỳ họp để nghiên cứu, xem xét nhưng không thực hiện được… Có đại biểu nêu ý kiến: Nếu không thể làm theo quy định và thấy không cần thiết thì không nên tiếp tục đặt ra và sẽ tránh được các vi phạm trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật. Nếu thực trạng này tiếp tục diễn ra sẽ dẫn đến việc các dự án luật tuổi thọ rất ngắn do không được xem xét kỹ lưỡng, cho nên phải tiến hành sửa đổi, bổ sung ngay cả đối với các dự án luật mới ban hành. Việc tuân thủ quy định về thời hạn trình dự thảo luật chính là để bảo đảm thực hiện quy trình được chặt chẽ và có thời gian để các dự án luật được xây dựng, góp ý có chất lượng cao.

Phát huy vai trò thanh niên xung kích bảo vệ và xây dựng đất nước

Buổi chiều, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật Thư viện. Sau đó, QH biểu quyết thông qua Luật Thư viện, với 442 đại biểu tán thành, bằng 91,51% tổng số đại biểu QH.

Tiếp đó, QH thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi). Nhiều ý kiến thống nhất về sự cần thiết sửa đổi Luật Thanh niên hiện hành như những lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ, nhằm tạo hành lang pháp lý và điều kiện giúp thanh niên phát huy sức trẻ, trí tuệ, trở thành lực lượng xung kích đi đầu trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến thảo luận là quy định về độ tuổi thanh niên. Theo đó, một số đại biểu nhất trí với việc quy định độ tuổi thanh niên là từ đủ 16 hoặc đủ 15 đến 30 tuổi; ý kiến khác cho rằng nên quy định độ tuổi từ đủ 16 đến 35 tuổi. Một số đại biểu đề nghị tiếp tục nghiên cứu về độ tuổi thanh niên cho phù hợp tình hình thực tiễn hiện nay, qua đó cân đối được các chính sách, nguồn lực đầu tư phát triển cho nhóm đối tượng này và phát huy tối đa vai trò, vị trí quan trọng của thanh niên trong thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình. Bên cạnh đó, khi điều chỉnh hay giữ nguyên độ tuổi thanh niên như quy định hiện hành, cần có báo cáo đánh giá tác động toàn diện, sâu sắc đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước để QH có căn cứ quyết định.

Ðại biểu Triệu Thị Dung (Cao Bằng) và nhiều ý kiến cho rằng, thanh niên là những người trẻ, có sức khỏe, tư duy năng động, sáng tạo, là một trong những nhân tố quan trọng, có vai trò quyết định tương lai, vận mệnh của đất nước. Việc sửa luật phải thể hiện rõ quan điểm, chủ trương, chính sách mạnh mẽ của Nhà nước đối với công tác chăm lo phát triển thanh niên, đồng thời tạo được hành lang pháp lý để thanh niên phát huy năng lực cống hiến cho xã hội. Theo hướng đó, đại biểu Mong Văn Tình (Nghệ An) và nhiều đại biểu đề nghị, khi xây dựng nội dung quyền, nghĩa vụ của thanh niên và chính sách của Nhà nước đối với thanh niên cần tránh mang tính khẩu hiệu, định hướng chung chung hay chồng chéo, trùng lắp với một số luật hiện hành, mà phải bảo đảm giá trị trong thực tiễn thi hành, thể hiện rõ mối tương quan giữa chính sách được đưa ra và biện pháp bảo đảm thực hiện. Trong đó, cần lưu ý thiết kế các quy định cụ thể cho từng đối tượng thanh niên đặc thù. Thí dụ, đối với thanh niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi cần có những chính sách chăm sóc, bảo vệ phù hợp; thanh niên có tài năng cần đề xuất các chính sách nhằm phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo, đãi ngộ. Ðối với chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp là chính sách mới, gắn liền xu hướng khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên hiện nay, nhưng vấn đề này chưa có hành lang pháp lý đầy đủ, cho nên cần quy định cụ thể hơn để bảo đảm tính khả thi, khuyến khích, thúc đẩy phong trào thanh niên khởi nghiệp và phù hợp các luật chuyên ngành…Về quyền, nghĩa vụ của thanh niên, nhất là trong lao động, cần xây dựng theo hướng bảo đảm thống nhất với Luật Việc làm, Luật Giáo dục nghề nghiệp và Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa được QH thông qua tại kỳ họp này.

Việc tổ chức lấy ý kiến trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là căn cứ để bảo đảm quy phạm pháp luật được khả thi và tránh áp đặt. Tuy nhiên, lấy ý kiến còn hạn chế, như khi đăng trên cổng thông tin điện tử thì số lượng truy cập vào xem rất thấp và không có ý kiến góp ý. Việc lấy ý kiến trực tiếp thì quy mô rất nhỏ; lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức liên quan thì việc phản hồi vừa chậm và vừa có tính hình thức. Ðặc biệt, chưa có những tiêu chí cụ thể để xác định những dự luật nào sẽ lấy ý kiến nhân dân, những trường hợp nào cần bổ sung việc lấy ý kiến nhân dân trong quy trình xây dựng luật… Ðiều này đang trực tiếp ảnh hưởng chất lượng xây dựng luật, cũng như ảnh hưởng quyền lợi của những đối tượng chịu sự tác động của luật.

Ðại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Ðồng Tháp)

Trong bối cảnh chưa có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng pháp luật còn hạn chế, việc có một luật riêng để quy phạm hóa quy trình vốn phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài là điều cần thiết. Xuất phát từ việc vừa làm, vừa tích lũy kinh nghiệm cho nên trong thời gian qua, mặc dù đã rất cố gắng nhưng tuổi đời của một luật thường khá thấp. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Tư pháp cho thấy, trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, hình sự, hành chính và tổ chức bộ máy nhà nước trong giai đoạn 2005 - 2018, tuổi đời trung bình của các luật dưới 10 năm; một số luật dưới ba năm, cá biệt có luật chưa có hiệu lực đã cần sửa; số lượng văn bản quy định chi tiết cũng khá nhiều…

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long

Ðộ tuổi thanh niên quy định trong Luật Thanh niên hiện hành là từ đủ 16 đến 30 tuổi. Tôi cho rằng, cần thiết nâng độ tuổi thanh niên lên 35 tuổi để phù hợp sức khỏe thể chất, tinh thần của người Việt Nam ngày càng cải thiện. Hơn nữa, cũng tập hợp được ngày càng đông đảo thanh niên xung kích đi đầu phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì lực lượng này luôn có vai trò quyết định tương lai, vận mệnh của đất nước.

Ðại biểu Mai Thị Kim Nhung (Quảng Trị)

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/42315302-bao-dam-chat-luong-cac-van-ban-quy-pham-phap-luat.html