Bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non tại đô thị, khu công nghiệp
Nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành nhằm giải quyết khó khăn, bảo đảm chất lượng đối với giáo dục mầm non tại địa bàn đô thị, khu công nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn nhiều khó khăn, hạn chế.
Chưa đáp ứng nhu cầu thực tế
Sáng 25.9, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tiểu ban Giáo dục mầm non, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức hội thảo tham vấn giải pháp phát triển cơ sở giáo dục mầm non và nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại địa bàn đô thị, khu công nghiệp.
Theo ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Phó trưởng Tiểu ban Giáo dục mầm non, năm 2012 - 2013, áp lực về nhu cầu gửi trẻ mầm non của công nhân tại các khu công nghiệp gia tăng, do sự dịch chuyển dân số, dân số cơ học trên địa bàn có khu công nghiệp tăng vọt, cơ sở mầm non không đủ năng lực đáp ứng nhu cầu; với cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, hành lang, chính sách phát triển chưa theo kịp thực tiễn.
Trong bối cảnh đó xuất hiện loại hình mới là cơ sở giáo dục mầm non độc lập, ưu điểm rất linh hoạt, tuy nhiên điều kiện bảo đảm chất lượng, an toàn cho trẻ em rất hạn chế. Bởi vậy, trong thời gian này, hầu như ngày nào cũng có vụ việc về an toàn trẻ em tại các cơ sở này được đăng tải trên phương tiện đại chúng.
10 năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, đã có nhiều văn bản quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn có các khu công nghiệp, nơi có nhiều lao động và chính sách hỗ trợ đối với trẻ em là con công nhân làm việc tại khu công nghiệp, góp phần giải quyết khó khăn, bảo đảm chất lượng đối với giáo dục mầm non ở khu vực này.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2023 - 2024, cả nước có 15.256 trường mầm non, trong đó có 12.072 trường công lập và 3.184 trường ngoài công lập (tỷ lệ 21%), ngoài ra còn có 17.444 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục, dân lập (gọi chung là độc lập tư thục). Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ là 34,6%, trẻ mẫu giáo là 93,6%.
Tại 221 đơn vị cấp huyện có khu công nghiệp có 13.137 cơ sở giáo dục mầm non (3.612 trường công lập, 1.770 trường ngoài công lập và 7.755 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục). Các cơ sở này huy động được hơn 1,8 triệu trẻ em trong đó tỷ lệ trẻ em là con công nhân làm việc tại các khu công nghiệp chiếm khoảng 21,5%.
Mặc dù được quan tâm đầu tư phát triển, tỷ lệ trường mầm non công lập đạt 67,1% trên tổng số cơ sở giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp, nhưng các trường mầm non công lập chưa đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của công nhân. Công tác quy hoạch, phát triển cơ sở giáo dục mầm non ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp, nơi có nhiều lao động, chưa phù hợp với nhu cầu của công nhân, người lao động. Cơ chế chính sách để thúc đẩy xã hội hóa phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp chưa đủ mạnh; chính sách đối với trẻ em, giáo viên ở địa bàn có khu công nghiệp, nơi tập trung nhiều lao động còn thấp, chưa bao phủ được hết các đối tượng…
Cần giải pháp cụ thể, khả thi
Năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo được Chính phủ giao xây dựng Đề án phát triển cơ sở giáo dục mầm non và nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi là con công nhân tại địa bàn khu công nghiệp, khu chế xuất giai đoạn 2024-2030 (tại Quyết định 53/QĐ-TTg); và Đề án nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp (tại Công văn số 41/TTg-QHĐP). Nhiều ý kiến tại Hội thảo cho rằng cần thiết ban hành một đề án theo hướng tích hợp 2 nhiệm vụ trên để tránh trùng lặp nội dung, đối tượng, tập trung nguồn lực.
Đại diện Bộ Tư pháp cơ bản nhất trí với đề xuất tích hợp xây dựng đề án, dựa trên những nội dung có tính tương đồng về đối tượng trẻ mầm non, địa bàn khu công nghiệp và chất lượng giáo dục mầm non. Tuy nhiên, cần cân nhắc phạm vi triển khai. Bên cạnh đó, ban soạn thảo rà soát chỉ tiêu, số liệu cho thống nhất với các đề án, chương trình khác; nguồn tài chính cần đưa ra cụ thể trong đề án để có thể phê duyệt.
Đại diện Văn phòng Chính phủ góp ý, Đề án tích hợp cần bám sát yêu cầu, nhiệm vụ, đối tượng tại 2 đề án được Chính phủ giao; tên Đề án phải có sự đồng bộ với đối tượng, phạm vi; trong các nhóm nhiệm vụ giải pháp, cơ chế chính sách cần bổ sung, sửa đổi phải gắn với trách nhiệm của các bộ, ban, ngành liên quan…
Còn theo đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các mục tiêu của Đề án cần tính toán khả thi; giải pháp, nhiệm vụ tổ chức thực hiện được đặt ra cũng cần cụ thể, xác định rõ kinh phí đề án để phát triển cơ sở giáo dục mầm non; tăng cường ứng dụng công nghệ số…
Nhiều thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực cho rằng, cơ cấu dân số ở khu công nghiệp biến động rất nhanh, phụ thuộc vào sự phát triển của các nhà máy. Bởi vậy, cần tính linh hoạt trong tổ chức, gắn với dự báo tổng thể về tình trạng di dân tới các đô thị, khu công nghiệp, cũng như chính sách dân số.
Bên cạnh cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn, cần bổ sung cơ sở khoa học xây dựng Đề án; có chính sách để tăng cường tư nhân tham gia, bởi thực tế, hợp tác công - tư trong giáo dục đang rất vướng. Các mục tiêu, giải pháp cần tập trung vào nhóm trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi, bởi công nhân có nhu cầu cao về gửi trẻ nhà trẻ, nhưng năng lực đáp ứng còn hạn chế…
Trên cơ sở ý kiến phát biểu và đề xuất của các đại biểu, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp thu, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển cơ sở giáo dục mầm non và nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại địa bàn đô thị và nơi có khu công nghiệp; xây dựng dự thảo Đề án Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non tại địa bàn đô thị, khu công nghiệp, khoanh vùng ở trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi. "Quan điểm của Bộ khi xây dựng Đề án là phải khả thi, khoanh vùng phạm vi, đối tượng, từ đó đề ra chỉ tiêu, giải pháp thực hiện tương thích, từ đó thúc đẩy phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp, giúp công nhân, người lao động yên tâm tham gia lao động sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội", Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi, Trưởng Tiểu ban Giáo dục mầm non khẳng định.