Bảo đảm chất lượng sách giáo khoa
Hôm vừa rồi dẫn con ra hiệu sách mua các loại sách phục vụ cho việc ôn tập để chuẩn bị lên cấp 2 của cháu. Đang loay hoay chọn thì cô nhân viên gợi ý 'chú muốn mua sách của Cánh Diều hay của nhà xuất bản nào cháu chọn giúp'? Đành ậm ừ trả lời, cháu chọn sách nào cũng được!
Để thực hiện cải cách giáo dục nâng cấp chất lượng dạy và học đặc biệt là chất lượng sách giáo khoa, ngành Giáo dục đã thí điểm mô hình nhiều nhà xuất bản được phép soạn và xuất bản sách, các trường được phép tự chọn sách giáo khoa để giảng dạy…
Cách làm này, xét ở phạm vi nào đó là nhằm tạo ra sự cạnh tranh giữa các đơn vị nhằm cho ra đời những bộ sách giáo khoa chất lượng nhất, giá thành cạnh tranh nhất mà vẫn đáp ứng được các tiêu chí, tiêu chuẩn về chuyên môn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ chuyên môn và quản lý, đã là sách giáo khoa thì phải có sự thống nhất. Nghĩa là nội dung sách giáo khoa cho tất cả học sinh trên cả nước, cả 3 bậc học từ tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông chỉ duy nhất do Bộ Giáo dục và Đào tạo với tư cách cơ quan quản lý Nhà nước và tham mưu hoạch định chính sách về giáo dục chịu trách nhiệm. Các công ty, doanh nghiệp chỉ tham gia vào việc in ấn, phát hành. Đơn vị nào giá rẻ, chất lượng tốt sẽ được phép in sách và phát hành. Nội dung sách phải có tính dài hơi.
Trước đây, công tác soạn thảo sách giáo khoa chúng ta vẫn làm như vậy. Và thực tế, chất lượng giáo dục - đào tạo vẫn rất tốt. Thông qua chương trình, nội dung trong sách giáo khoa chúng ta vẫn đào tạo cho xã hội nguồn nhân lực có chất lượng cả về trình độ lẫn đạo đức.
Trao đổi với người viết về vấn đề này, một giáo sư, nhà giáo đã nghỉ hưu cho hay: Trong công tác quản lý Nhà nước, chúng ta đều có sự quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Các văn bản quy phạm pháp luật và việc thực thi pháp luật cũng vậy. Bởi thế, trong công tác giáo dục- đào tạo cũng phải cần có sự thống nhất. Nội dung học, tham khảo tất cả các loại sách từ cấp 1 đến cấp 3 phải do Hội đồng biên soạn của Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm. Học sinh trên toàn quốc học chung một nội dung. Còn in thì theo cơ chế thị trường. “Sau một thời gian thí điểm rất cần sự tổng kết để rút ra bài học kinh nghiệm. Nhưng với tư cách là nhà giáo, tôi luôn quan niệm, đã là sách giáo khoa thì không nên có sự thay đổi nhanh hay thử nghiệm về nội dung”, vị giáo sư nói.
Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, khi cho ý kiến về một số chuyên đề sẽ giám sát trong năm 2023 của Quốc hội, các đại biểu thống nhất rất cao chuyên đề về giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, trên thực tiễn cho thấy cử tri đang rất quan tâm về các chương trình giáo dục phổ thông có nhiều điểm không phù hợp như việc sách giáo khoa khi thì in sai, ngôn từ còn chi tiết gây tranh luận, hình ảnh chưa được chuẩn mực. Đồng thời, vì có nhiều bộ sách giáo khoa được đề nghị sử dụng gây ra sự lúng túng trong việc lựa chọn, không chỉ đối với phụ huynh, thậm chí ở các trường, các sở giáo dục.
Với phương châm “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, hy vọng việc Quốc hội chọn chuyên đề giám sát về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sẽ góp phần tạo ra góc nhìn toàn cảnh về đổi mới sách giáo khoa nhằm có những quyết sách phù hợp hơn để nâng cao chất lượng giáo dục- đào tạo, tránh gây lãng phí cho xã hội!
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/bao-dam-chat-luong-sach-giao-khoa-140617.html