Bảo đảm công bằng cho phụ nữ và trẻ em gái: Trách nhiệm không của riêng ai
Những năm gần đây, nước ta đạt kết quả đáng ghi nhận trong việc bảo đảm công bằng cho phụ nữ và trẻ em gái. Tuy vậy, tình trạng bất bình đẳng giới, bạo lực trên cơ sở giới vẫn tồn tại, thể hiện trong nhiều mặt của đời sống xã hội. Do đo, việc bảo đảm công bằng cho phụ nữ và trẻ em gái vẫn luôn là trách nhiệm không của riêng ai.
Chuỗi hoạt động thúc đẩy và trao quyền cho trẻ em gái được tổ chức tại nhiều địa phương, giúp trẻ em gái được nói lên tiếng nói của bản thân.
Những con số biết nói
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay, nước ta có khung chính sách, pháp luật về bình đẳng giới tương đối đầy đủ, tạo hành lang pháp lý để các cơ quan, đơn vị, địa phương phát huy vị trí, vai trò của phụ nữ, tạo cơ hội, điều kiện tốt nhất cho trẻ em gái phát triển. Cùng với đó, việc thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu nâng cao nhận thức, thu hẹp khoảng cách về giới, nâng cao vị thế của phụ nữ đạt những kết quả khả quan.
Hiện nay, tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội đạt 27,1%, cao hơn 3,7% so với mức trung bình của thế giới và 8,5% so với mức trung bình của châu Á. Tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ đạt hơn 30%; tỷ lệ lao động nữ tham gia lao động xã hội đạt hơn 70%, thuộc nhóm cao trong khu vực.
Sự hiểu biết của phụ nữ và trẻ em gái ngày càng tăng khi cả nước có 92,5% dân số là nữ trong độ tuổi đi học phổ thông đang đi học, cao hơn nam giới (nam giới là 90,8%); tỷ lệ phụ nữ biết chữ đạt gần 95%. Đáng chú ý, tỷ lệ sinh viên là nữ hiện chiếm hơn 50%, số người có trình độ thạc sĩ là nữ chiếm hơn 30%...
Những dẫn chứng nêu trên phần nào cho thấy, cơ hội để phụ nữ và trẻ em gái phát triển đang rộng mở. Tuy nhiên, song hành với cơ hội, phụ nữ vẫn gặp những khó khăn, rào cản trong công việc cũng như cuộc sống. Dễ nhận thấy là tính bền vững trong việc làm của lao động nữ chưa cao khi những ngành, nghề sử dụng nhiều lao động phổ thông, dễ bị máy móc thay thế như dịch vụ, dệt may, da giày… có tỷ lệ lao động nữ chiếm tới gần 70%. Điều này càng rõ hơn trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
“Từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước có 31,8 triệu người trong độ tuổi lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Trong đó, lao động ở khu vực nông thôn và lao động nữ là nhóm chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất. Cần quan tâm hơn, thu nhập bình quân tháng của lao động nam hiện nay cao hơn 1,4 lần so với lao động nữ, tương ứng với 6,3 triệu đồng và 4,6 triệu đồng/người/tháng”, bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) cho hay.
Trong gia đình, một số phụ nữ vẫn phải chịu không ít thiệt thòi. Báo cáo kết quả 12 năm thực hiện Luật phòng, chống Bạo lực gia đình do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa công bố cho thấy, số vụ bạo lực gia đình tuy giảm dần, nhưng nạn nhân của các vụ bạo lực là phụ nữ vẫn chiếm đa số. Còn theo Bộ Công an, trong những năm gần đây, mỗi năm cả nước xảy ra hơn 1.000 vụ xâm hại tình dục đối với trẻ em, đa số nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục là trẻ em gái.
Để phụ nữ và trẻ em gái có cơ hội phát triển tốt hơn, công bằng hơn so với nam giới, các ngành, đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của phụ nữ; đồng thời tổ chức nhiều hoạt động giúp phụ nữ tự tin vào bản thân, tự lập trong cuộc sống; giúp trẻ em gái luôn nỗ lực vươn lên.
Lễ ra quân tuyên truyền thực hiện mục tiêu bình đẳng giới do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội tổ chức.
Chẳng hạn, tại Hà Nội, ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, thành phố đã, đang phổ biến rộng rãi những quy định của pháp luật về bình đẳng giới, đưa chương trình giáo dục giới tính, bình đẳng giới cho học sinh, sinh viên vào các giờ học ngoại khóa, sinh hoạt tập thể. Ngoài ra, toàn thành phố đã xây dựng hơn 1.600 mô hình, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng làm nơi tạm lánh cho phụ nữ và trẻ em.
Chị L.T.L (huyện Ba Vì) cho biết, bản thân chị từng bị chồng đánh đập, hành hạ, dẫn đến bị thương, phải đi cấp cứu. Cùng lúc phải chịu nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần khiến chị L mất phương hướng trong cuộc sống. Trong lúc khó khăn nhất, chị L được các cơ quan chức năng đưa đến một địa chỉ tin cậy dành cho phụ nữ bị bạo lực, rồi được học nghề, trang bị kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Điều này giúp cuộc sống của chị L bước sang trang mới, có nhiều gam màu tươi vui.
Góp phần tạo cơ hội phát triển cho trẻ em gái, từ tháng 10 đến tháng 12-2020, tổ chức Plan International tại Việt Nam phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức chuỗi hoạt động thúc đẩy và trao quyền cho trẻ em gái tại nhiều tỉnh, thành phố.
Bà Sharon Kane, Giám đốc quốc gia tổ chức Plan International tại Việt Nam cho hay: “Các hoạt động được tổ chức trong dịp này giúp trẻ em gái có cơ hội trải nghiệm ngày làm việc của nhà lãnh đạo trong mọi lĩnh vực, qua đó, các em được nói lên suy nghĩ, được hành động, nhận ra giá trị của bản thân”.
Ở góc độ quản lý, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đưa các chính sách, pháp luật cũng như các cam kết quốc tế về bình đẳng giới vào cuộc sống. Tại Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2020 diễn ra cuối tháng 9 vừa qua, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã cam kết đặt phụ nữ và trẻ em gái vào trung tâm của các nỗ lực phục hồi kinh tế…
Với nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, chắc chắn, việc bảo đảm công bằng cho phụ nữ và trẻ em gái ở nước ta sẽ đạt kết quả tốt hơn.