Bảo đảm công nhân lao động đón Tết đầm ấm, an toàn
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các cấp công đoàn đã chủ động nghiên cứu điều chỉnh phương án tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống cho công nhân lao động (CNLĐ), bảo đảm để mọi người đón Tết đầm ấm, an toàn.
Kêu gọi người lao động hạn chế về quê ăn Tết
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, đến nay, qua theo dõi nắm tình hình của các cấp công đoàn, đã có hàng chục vạn CNLĐ không về quê, tự nguyện ở lại địa phương đang làm việc để phòng, chống dịch Covid-19. “Đó là tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng rất đáng hoan nghênh người lao động” – ông Nguyễn Đình Khang bày tỏ.
Trước đó, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã kêu gọi đoàn viên, CNVCLĐ cả nước hạn chế đi lại, cân nhắc thật kỹ việc về quê ăn Tết để bảo đảm sức khỏe, việc làm lâu dài. Với phương châm “Đón Tết an toàn trong mùa dịch”, ngay sau khi có Chỉ thị 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28/1/2021, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã yêu cầu các cấp công đoàn triển khai các biện pháp nhằm nhanh chóng kiểm soát hiệu quả, triệt để dập dịch.
Theo đó, các cấp công đoàn rà soát các hoạt động theo kế hoạch dự kiến triển khai trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, nhất là Tết Sum vầy để thực hiện các biện pháp an toàn chống dịch. Tạm dừng hoạt động, không tổ chức hoạt động đông người. Đối với những hoạt động cần thiết được phép tổ chức, phải hạn chế số lượng người tham gia và thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống Covid-19. Đáng chú ý, Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu các hoạt động chăm lo Tết chuyển hướng trực tiếp đến đoàn viên, NLĐ. Tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho đoàn viên, NLĐ tại DN, khu nhà trọ; tổ chức các gian hàng bán hàng bình ổn giá, phiên chợ 0 đồng sẽ mở cửa phục vụ trong dịp Tết…
Đối với LĐLĐ các tỉnh, TP như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh và những địa phương, ngành, tổng công ty trực thuộc có ca dương tính với virus Sar-CoV-2, lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu các cấp công đoàn thực hiện nghiêm ngặt chỉ đạo của chính quyền địa phương và ngành về các biện pháp phòng chống dịch, nhất là nguyên tắc 5K.
Điều chỉnh phương án chăm lo Tết cho người lao động
Đối với Công đoàn Thủ đô, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Ngô Văn Tuyến cho biết, các cấp Công đoàn tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền đồng cấp, ngành y tế đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức với nội dung và phương pháp ngắn gọn, cụ thể để đoàn viên, NLĐ dễ tiếp thu.
LĐLĐ TP cũng lưu ý, các đơn vị chưa tổ chức Chương trình “Tết sum vầy”, hoạt động tập trung đông người, cần chủ động nghiên cứu điều chỉnh phương án thành những đoàn công tác thăm và tặng quà trực tiếp tại cơ sở. Quá trình thực hiện nhiệm vụ phải tuyệt đối tuân thủ sự chỉ đạo của các cấp trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid - 19.
Điển hình như trong dịp tết Tân Sửu, Công đoàn ngành Xây dựng TP Hà Nội đã tổ chức trao hơn 600 suất quà cho NLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, song Công đoàn ngành Dệt may Hà Nội cũng trao tặng gần 400 suất quà Tết cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, trị giá gần 500 triệu đồng gồm tiền và quà Tết. Đến hết tháng 1/2021, 100% các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành dệt may đều có kế hoạch trả lương, thưởng Tết cho công nhân, người lao động. Tiền thưởng Tết từ 1 triệu cho tới 20 triệu đồng, mức bình quân là 1 tháng lương (khoảng gần 6 triệu đồng/người). Các công đoàn cơ sở cũng phối hợp với lãnh đạo đơn vị tổ chức hỗ trợ, tặng quà Tết cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, mỗi suất quà trị giá 500.000 đồng. Đây là sự nỗ lực rất đáng ghi nhận của các đơn vị, DN ngành Dệt may TP trong bối cảnh đầy khó khăn.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/bao-dam-cong-nhan-lao-dong-don-tet-dam-am-an-toan-409283.html