Bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
Chiều 29.3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan có buổi làm việc với đoàn công tác của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về tình hình cung cấp điện năm 2024, kế hoạch triển khai thực hiện tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 – 2025 và công tác đầu tư xây dựng công trình điện năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Tấn Hùng- Giám đốc Công ty Điện lực Tây Ninh báo cáo tại buổi làm việc.
Theo Công ty Điện lực Tây Ninh, điện thương phẩm lũy kế 2 tháng đầu năm đạt 985 triệu kWh, tăng 29,35% so cùng kỳ, đạt 16,21% so kế hoạch giao năm 2024 và là đơn vị có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 21 Công ty Điện lực trực thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Nam.
Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm chủ yếu tập trung nhóm khách hàng tại các khu vực: Nông – lâm – thủy sản tăng 52,96%, tập trung tại các huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành do các khách hàng chủ yếu sử dụng điện cho tưới mùa vụ; công nghiệp - xây dựng tăng 31,16%, chủ yếu các huyện, thị xã có khu công nghiệp như Gò Dầu, Trảng Bàng và các huyện có các nhà máy chế biến mùa vụ (mì, cao su) như huyện Tân Châu, Tân Biên và Châu Thành.
Trong 2 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh tiết kiệm trên 24 triệu kWh điện năng tiêu thụ, đạt tỷ lệ 2,42% so với tổng điện thương phẩm.
Giai đoạn 2021 – 2030, khối lượng công trình ngành Điện đầu tư trên địa bàn tỉnh là trên 12.700 tỷ đồng, trong đó, tổng mức đầu tư giai đoạn 2021-2025 gần 8.530 tỷ đồng và dự kiến giai đoạn 2026-2030 khoảng 4.260 tỷ đồng.
UBND tỉnh làm việc với đoàn công tác của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về tình hình cung cấp điện và công tác đầu tư xây dựng công trình điện năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, năm 2024, tổng mức đầu tư xây dựng công trình điện khoảng 5.050 tỷ đồng, gồm: 3 công trình lưới điện 500kV với quy mô 38,8km đường dây, 1 trạm biến áp công suất 1.800 MVA; 3 công trình lưới điện 220kV với quy mô 41km đường dây, 2 trạm biến áp với tổng công suất 1.000 MVA; 12 công trình lưới điện 110kV với quy mô 70,7 km đường dây, 8 trạm biến áp với tổng công suất 419 MVA; 32 công trình lưới điện trung hạ áp với 1.045 km đường dây, tổng công suất máy biến áp lắp đặt 95,28 MVA.
Lãnh đạo Công ty Điện lực Tây Ninh kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp, các khách hàng sử dụng công suất lớn định kỳ cung cấp đầy đủ các thông tin về nhu cầu phát triển phụ tải, tình hình hoạt động, tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị dịch vụ, khu công nghệ cao... để ngành điện kịp thời xây dựng các phương án, kịch bản bảo đảm cấp điện phù hợp các giai đoạn và chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đầu tư.
Ngoài ra, đơn vị cũng kiến nghị tỉnh tạo điều kiện và hỗ trợ ngành Điện trong công tác thỏa thuận hướng tuyến đường dây và vị trí trạm biến áp, bồi thường giải phóng mặt bằng theo mục tiêu tiến độ yêu cầu, bảo đảm đủ quỹ đất cho các công trình điện để thực hiện đầu tư theo quy hoạch được duyệt.
Tại buổi làm việc, ông Bùi Quốc Hoan- Phó tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Nam đề nghị tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả việc thực hiện tiết kiệm điện theo tinh thần Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, hỗ trợ Tổng Công ty Điện lực miền Nam đầu tư xây dựng trạm biến áp 110kV Thành Công 2 và đường dây đấu nối để cung cấp điện cho Khu công nghiệp Thành Thành Công trong giai đoạn tới, cùng với 2 xã phía Tây của thị xã Trảng Bàng và khu vực lân cận.
Ông Cao Quang Quỳnh- Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam chia sẻ, trong thời gian tới, ngành Điện sẽ đầu tư phát triển lưới điện trên địa bàn tỉnh với khối lượng rất lớn, do đó, ngành Điện rất mong nhận được sự hỗ trợ của tỉnh trong công tác giải phóng mặt bằng thi công các công trình điện.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng cho biết, thời gian qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Nam đã quan tâm, hỗ trợ tỉnh, nhất là công tác đầu tư cơ sở hạ tầng điện và cung cấp điện cho sản xuất. Đóng góp của tăng trưởng kinh tế của tỉnh có sự đóng góp rất lớn của ngành Điện trong ổn định, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đối với các kiến nghị của ngành Điện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư trao đổi, chia sẻ thông tin, dự báo phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị, khu vực tiềm năng sử dụng điện với Công ty Điện lực Tây Ninh để đơn vị kịp thời nắm bắt, chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển lưới điện; Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh chương trình tiết kiệm điện năm 2024 và chương trình dài hạn, tiết kiệm phải đi sâu vào từng lĩnh vực, từng nhóm và có giải pháp cụ thể.
Riêng đối với công tác giải phóng mặt bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng giao Sở Công Thương phối hợp Công ty Điện lực Tây Ninh thường xuyên báo cáo tình hình triển khai các dự án công trình điện, qua đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, góp phần bảo đảm cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế xã – hội trên địa bàn tỉnh.