Bảo đảm cung ứng xăng, dầu, xử lý nghiêm sai phạm
Thời gian gần đây giá xăng, dầu trong nước có nhiều biến động do giá nguồn cung dầu thô trên thế giới có xu hướng tăng; một số đơn vị sản xuất, kinh doanh xăng dầu trong nước giảm công suất gây tình trạng khan hiếm cục bộ, tạo tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng. Để bảo đảm nguồn cung xăng, dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, các sở, ngành chức năng đang quyết liệt triển khai chỉ đạo của Bộ Công thương, Tổng cục Quản lý thị trường và UBND tỉnh, kiên quyết không để chuỗi cung ứng bị gián đoạn trong mọi tình huống; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, trục lợi chờ tăng giá.
(Ảnh minh họa)
Không thiếu hụt nguồn cung
Thanh Hóa là một trong những địa phương tiêu thụ xăng, dầu với sản lượng lớn, chiếm khoảng 5% sản lượng tiêu thụ của cả nước. Vào thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, sản lượng tiêu thụ xăng dầu trên địa tăng khoảng 20% so với bình quân trong năm. Đặc biệt, trước ngày Liên Bộ Công thương - Tài chính tiến hành điều chỉnh giá (11-1), lượng tiêu thụ xăng, dầu trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng cao. Tuy nhiên, hệ thống phân phối, dự trữ xăng, dầu trên địa bàn tỉnh vẫn bảo đảm cung ứng cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng.
Tỉnh Thanh Hóa hiện có 593 cửa hàng xăng, dầu và tàu dầu đã được Sở Công thương cấp phép đủ điều kiện bán lẻ xăng, dầu.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1 doanh nghiệp (DN) đầu mối kinh doanh xăng, dầu là Công ty CP Anh Phát Petro; 3 DN hoạt động theo ủy quyền của thương nhân đầu mối gồm: Công ty Xăng, dầu Thanh Hóa, Công ty CP xăng, dầu dầu khí Thanh Hóa; Công ty CP Thương mại Miền núi Thanh Hóa. Ngoài ra, có 5 DN là thương nhân phân phối là: Công ty CP Thương mại Trường Xuân; Công ty TNHH Vật tư và Thương mại dịch vụ Thiên Phúc; Chi nhánh Công ty CP Xăng, dầu, dầu khí Ninh Bình, Công ty TNHH Sơn Hải; Công ty CP Vận tải và kinh doanh tổng hợp Xuân Hà. 8 đơn vị này là nguồn cung ứng cho 593 cửa hàng xăng, dầu và tàu dầu đã được Sở Công thương cấp phép đủ điều kiện bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh có 6 kho chứa xăng đã đầu tư và đang hoạt động với tổng công suất 212.250 m3. Ngoài ra, còn có một số đơn vị lấy nguồn hàng trực tiếp từ các thương nhân phân phối có trụ sở chính ở TP Hà Nội.
Theo đánh giá của Sở Công thương, thời gian qua công tác quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh đã được các ngành, các cấp phối hợp triển khai khá bài bản. Đặc biệt là việc triển khai các quy định của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu và gian lận thương mại trong kinh doanh xăng, dầu. Các DN, thương nhân, cá nhân kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh đều có ý thức thuân thủ các quy định trong kinh doanh; đồng thời nỗ lực, chủ động khai thác nguồn hàng và có phương án linh hoạt để bảo đảm nguồn cung cho thị trường.
Điển hình như tại Công ty Xăng, dầu Thanh Hóa (Petrolimex Thanh Hóa), hiện đơn vị đang chiếm khoảng 30% thị phần cung ứng xăng, dầu trên địa bàn tỉnh, với 49 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu thuộc 42 khách hàng nhượng quyền thương mại và 81 cửa hàng bán lẻ trực thuộc công ty.
Ông Lê Thiên Nga, Phó Giám đốc Petrolimex Thanh Hóa, cho biết: Nguồn cung ứng của công ty vẫn được bảo đảm cho toàn hệ thống phân phối, chưa có đại lý nào của công ty bị thiếu hàng trong những ngày qua. Hệ thống cửa hàng của công ty còn triển khai bán hàng liên tục trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Mặc dù sản lượng tiêu thụ thuộc Petrolimex Thanh Hóa tăng mạnh trong những ngày trước thời điểm điều chỉnh giá xăng, dầu ngày 11-2, cụ thể: Tăng 8% ngày 8-2; 23% ngày 9-2; 68% ngày 10-2; 23% ngày 11-2 nhưng các cửa hàng thuộc hệ thống vẫn không xảy ra tình trạng thiếu hàng. Tập đoàn Xăng, dầu Việt Nam cũng đã có kế hoạch điều tiết nguồn cung cho thị trường Thanh Hóa, sẽ nhập hàng từ kho xăng dầu Nghi Hương, Bến Thủy (Nghệ An) và kho xăng dầu K135 Hà Nam Ninh khi tổng kho của Nhà máy Lóa dầu Nghi Sơn khan hiếm hàng.
Quyết liệt các giải pháp, xử lý nghiêm vi phạm
Trước những diễn biến bất thường của thị trường xăng dầu, nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm, nhất là các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung, UBND tỉnh đã chỉ đạo sở, ngành chức năng và các địa phương tăng cường quản lý Nhà nước trên lĩnh vực kinh doanh quan trọng này.
Ngay sau hội nghị trực tuyến với Bộ Công thương ngày 9-2 về bảo đảm nguồn cung xăng, dầu, đồng chí Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng, dầu. Đồng thời, giao Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh triển khai việc giám sát tình hình kinh doanh của các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối và cơ sở kinh doanh, bảo đảm không để xảy ra hiện tượng đầu cơ, thiết hụt nguồn cung, tạm ngưng hoạt động cửa hàng xăng dầu do lý do chủ quan và các hành vi vi phạm khác; tiến hành rà soát tình hình nhập khẩu xăng, dầu trong 6 tháng qua của các thương nhân đầu mối theo chỉ đạo của Bộ Công thương; sớm phát hiện các hiện tượng bất ổn của thị trường kinh doanh xăng, dầu, các hành vi đầu cơ, trục lợi bất chính, kiên quyết không để xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung xăng, dầu trên địa bàn.
Nguồn cung xăng dầu trên địa bàn tỉnh hiện vẫn bảo đảm cho sản xuất và tiêu dùng.
Với lực lượng Quản lý thị trường, ngay sau khi Bộ Công thương ban hành Công điện số 517/CĐ-BCT về tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng, dầu, Cục Quản lý thị trường tỉnh - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã phối hợp với các ngành, các cấp, các lực lượng chức năng triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển, kinh doanh xăng, dầu theo quy định.
Các đội quản lý thị trường trực thuộc đã triển khai ký cam kết chấp hành quy định của pháp luật tới tất cả các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, các đại lý, tổng đại lý, nhà phân phối và thương nhân đầu mối kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh theo địa bàn được phân công quản lý. Đồng thời, thực hiện giám sát việc điều chỉnh giá xăng, dầu đúng quy định; việc mua bán xăng, dầu từ hệ thống phân phối; giám sát thời gian hoạt động của các thương nhân kinh doanh để bảo đảm cung ứng xăng, dầu thường xuyên, liên tục, không bị gián đoạn, không tự ý ngừng bán khi chưa có văn bản chấp thuận của Sở Công thương; các quy định về đo lường và chất lượng hàng hóa.
Đại diện Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Sau khi Bộ Công thương điều chỉnh tăng giá bán xăng, dầu ngày 11-1, các đội quản lý thị trường được phân công phụ trách địa bàn vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trinh sát 24/24h và sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng cửa hàng xăng, dầu đóng cửa, hết xăng dầu hay nghỉ bán.
Ngày 11-2, Sở Công thương cũng đã ban hành văn bản yêu cầu các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng, dầu, thương nhân phân phối xăng, dầu phải bảo đảm nguồn cung xăng, dầu cung cấp cho các cửa hàng bán lẻ trực thuộc DN và cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống đại lý bán lẻ/nhận quyền bán lẻ, đồng thời bảo đảm phục vụ các đơn vị tiêu dùng trực tiếp.
Sở Công thương cũng đề nghị Cục Quản lý thị trường tăng cường các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu; thông báo đến Sở Công Thương nếu có trường hợp vi phạm và bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng, dầu để xem xét, thu hồi giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các lực lượng chức năng cũng thực hiện công khai số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận phản ánh việc cung ứng xăng, dầu của các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối và các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn tỉnh: 0912.275.318 (ông Phạm Bá Oai, Giám đốc Sở Công thương); 0912.337.426 (ông Nguyễn Văn Hùng, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường).