Bảo đảm đời sống sản xuất cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số bị cách ly
Trước tình hình dịch bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, đã thực hiện cách ly sáu khu vực theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài công tác chống dịch nghiêm ngặt theo các quy định, huyện Sông Hinh còn triển khai các công việc khác bảo đảm đời sống sản xuất cho người dân, nhất là bà con đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện Sông Hinh, trong sáu khu vực phải cách ly y tế theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, có toàn bộ ba buôn thuộc khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số là buôn Ly, buôn Bầu xã Ea Trol và buôn Hai KLok xã Ea Bia.
Ba buôn trên thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện, đời sống kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với sản xuất lúa nước, trồng sắn và chăn nuôi bò đàn là chính. Cụ thể, buôn Ly có 287 hộ, có 130 hộ chăn nuôi bò, số lượng tổng đàn 760 con và sản xuất 95 ha lúa nước; buôn Bầu có 219 hộ, có 75 hộ chăn nuôi bò với tổng số 389 con và sản xuất 60 ha lúa nước thuộc khu vực cánh đồng đập dâng Ea Trol. Buôn Hai Klok, xã Ea bia có 59 hộ chăn nuôi bò đàn với tổng đàn 371 con và có sản xuất lúa nước tại các khe, trấp trên địa bàn xã với diện tích hơn 50 ha.
Trao đổi với phóng viên Nhân Dân điện tử, ông Lê Văn Tấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ea Trol cho biết, toàn xã có đến 16 trường hợp nhiễm Covid-19, tập trung tại buôn Bầu và buôn Ly nên huyện thực hiện phong tỏa hai buôn này. Qua điều tra dịch tễ, đã có 137 trường hợp F1 đưa đi cách ly, trong số đó có năm hộ đi cách ly cả nhà.
Thực hiện giãn cách y tế yêu cầu mọi người dân trong khu vực hạn chế ra ngoài đến mức thấp nhất, trừ những công việc hết sức quan trọng và cấp thiết phải được sự đồng ý của chính quyền địa phương, đã ảnh hưởng rất lớn đến duy trì sản xuất, đặc biệt là việc chăm sóc đàn bò và lúa nước của các hộ dân khi bị cách ly. Đặc biệt, trong khu cách ly có một số hộ phải cách ly tập trung gần như cả gia đình, đàn bò và lúa nước không có người chăm sóc, một số hộ khác chưa chủ động dự trữ thức ăn cho bò, vì vậy đàn bò một số hộ thiếu thức ăn, nguy cơ gầy yếu, bệnh tật có thể xảy ra.
“Đa số hộ trong khu vực cách ly là những hộ nghèo, mấy hôm nay xã thành lập nhiều tổ công tác làm hai nhiệm vụ là cung cấp lương thực, thực phẩm cho bà con và hỗ trợ lấy nước ruộng, cung cấp rơm cho bò ăn; đồng thời giám sát việc cách ly nghiêm ngặt, tránh tình trạng qua lại giữa các gia đình để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan”, ông Lê Văn Tấn nói.
Theo ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sông Hinh, huyện rất quan tâm và chỉ đạo thực hiện một số giải pháp bảo đảm sản xuất đối với khu vực bị phong tỏa. Huyện ủy đã có nhiều công văn, chỉ thị cấp tốc chỉ đạo các ngành chống dịch phù hợp với từng thời điểm phát sinh dịch, với yêu cầu vừa chống dịch vừa phải duy trì và bảo đảm sản xuất trong vùng dịch ổn định đời sống nhân dân. Ủy ban nhân dân huyện đã kịp thời xây dựng và triển khai kế hoạch chống dịch cụ thể với từng thời điểm phát sinh dịch bệnh, giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc công tác chống dịch và phải bảo đảm sản xuất ổn định.
Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Sông Hinh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân huyện, Phòng Nông nghiệp đã triển khai một số nhiệm vụ bảo đảm sản xuất đối với các buôn phải cách ly y tế chống dịch.
Đối với sản xuất lúa nước, kiện toàn Tổ thủy nông khu vực Đập dâng Ea Trol (hiện có bốn người), tăng cường thời gian điều tiết nước bảo đảm không có ruộng nào của đồng bào khu vực cách ly y tế bị thiếu nước, kịp thời thông báo cho các hộ để có giải pháp khi bệnh dịch phát sinh; thực hiện nghiêm các biện pháp, nhiệm vụ chuyên môn trong điều kiện phải làm việc trong khu vực sản xuất của khu vực cách ly y tế; với sự cố gắng của toàn đội, khu vực sản xuất lúa nước của bà con buôn Ly, buôn Bầu với diện 155 ha hiện vẫn bảo đảm phát triển tốt.
Đối với đàn bò, phối hợp Ủy ban nhân dân xã vận động bà con sử dụng nguồn thức ăn dự trữ để chăm sóc đàn bò, tạo mọi điều kiện cho bà con khai thác, vận chuyển thức ăn trong khu vực để chăm sóc bò nhưng tuyệt đối phải bảo đảm nghiêm túc yêu cầu trong công tác chống dịch.
“Đối với những hộ khó khăn không có nguồn dự trữ thức ăn, đặc biệt những hộ phải đi cách ly tập trung khó khăn trong việc chăm sóc, Phòng đã vận động anh em trong đơn vị, và kêu gọi các cơ quan, nhân dân trong và ngoài vùng hỗ trợ rơm khô cho bò. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, đến ngày 8/7, chúng tôi đã tiếp nhận 620 cuộn rơm khô để hỗ trợ cho những hộ chăn nuôi bò ở ba buôn nói trên. Hiện tại, cơ bản đàn bò của các hộ trong khu vực cách ly được duy trì ổn định”, ông Nguyễn Khắc Sự cho biết.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện Sông Hinh, đến 16 giờ chiều 8/7, toàn huyện đã có 24 người xác định nhiễm Covid-19. Trong đó, nhiều nhất là xã Ea Trol 16 ca, xã Đức Bình Đông hai ca và thị trấn Hai Riêng, xã Ea Bia mỗi địa phương có ba ca. Toàn huyện Sông Hinh đang nỗ lực vừa chống dịch vừa bảo đảm mọi điều kiện đời sống sản xuất cho vùng đồng bào bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.