Bảo đảm đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 10/CT-TU (ngày 16-12-2021) về việc tổ chức phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 trên địa bàn thành phố. Triển khai thực hiện Chỉ thị, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp từ thành phố tới cơ sở đã, đang tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và chăm lo Tết cho nhân dân để bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau, nhà nhà, người người đều được đón Tết trong không khí vui tươi, lành mạnh và an toàn.

Hiện đã có 44 đơn vị sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường với tổng lượng hàng hóa trị giá 18.000 tỷ đồng.

Hiện đã có 44 đơn vị sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường với tổng lượng hàng hóa trị giá 18.000 tỷ đồng.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội:
Bảo đảm an ninh trật tự phục vụ nhân dân vui xuân, đón Tết

Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Công an thành phố Hà Nội đã ban hành và triển khai 3 kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 gồm: Tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, an toàn Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và các lễ hội đầu xuân 2022; phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép. Trên cơ sở đó, Công an thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường ứng trực, tập trung cao độ lực lượng thực hiện phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, tấn công, trấn áp tội phạm... Với sự vào cuộc quyết liệt, chủ động, cán bộ, chiến sĩ Công an thành phố Hà Nội quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ nhân dân Thủ đô vui xuân, đón Tết.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan:
Hơn 20.000 điểm bán hàng bình ổn giá phục vụ nhân dân

Nhận định tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, lưu thông hàng hóa có thể sẽ gặp nhiều khó khăn nên Sở Công Thương Hà Nội bám sát chỉ đạo của trung ương, thành phố để triển khai hoạt động bảo đảm lưu thông hàng hóa phục vụ người dân trong mọi tình huống. Đến nay, đã có 44 đơn vị sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường với tổng lượng hàng hóa đăng ký thực hiện trị giá 18.000 tỷ đồng, đưa hàng hóa bình ổn giá tới hơn 20.000 điểm bán. Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết đạt khoảng 39.000 tỷ đồng, bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ, các mặt hàng thiết yếu đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng:
Quyết tâm không để dịch bệnh lây lan trong dịp lễ, Tết

Để phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm theo tinh thần Chỉ thị số 10/CT-TU của Ban Thường vụ Thành ủy, huyện Ba Vì tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị, người dân, cộng đồng doanh nghiệp vào cuộc, quyết tâm không để dịch bệnh lây lan trong dịp lễ, Tết. Huyện cũng yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch, đẩy mạnh khôi phục sản xuất, phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể để kịp thời xử lý, giải quyết hiệu quả mọi tình huống phát sinh, không để ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Thị Hòa:
Chăm lo gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh

Để bảo đảm mọi nhà, mọi người được vui xuân, đón Tết, quận Hà Đông đã xây dựng kế hoạch chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; trong đó quan tâm chăm lo gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hộ nghèo, công nhân, người lao động... Các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội, vui xuân, kỷ niệm ngày truyền thống, hội nghị tổng kết năm bảo đảm thiết thực, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, phù hợp nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa dân tộc, thuần phong mỹ tục, tập quán của địa phương. Quận cũng yêu cầu các phường thực hiện tốt kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh.

Ông Lã Tiến Hiệp, tổ dân phố Chính Trung, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm:
Hy vọng nhân dân Thủ đô được đón Tết trong không khí an toàn, vui tươi, lành mạnh

Không chỉ tôi mà toàn thể nhân dân địa phương rất vui được biết Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 10/CT-TU về việc tổ chức phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 trên địa bàn thành phố. Trong đó có chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác dự báo, quản lý thị trường, ổn định giá cả, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ hàng thiết yếu đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trước, trong, sau Tết và trong khu vực cách ly, phong tỏa. Với chỉ đạo cụ thể của Ban Thường vụ Thành ủy, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, tôi hy vọng nhân dân Thủ đô sẽ được đón Tết trong không khí an toàn, vui tươi, lành mạnh.

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1021717/bao-dam-don-tet-vui-tuoi-lanh-manh-an-toan