Bảo đảm đủ nước phục vụ gieo cấy lúa xuân 2022
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng Trung ương, bước vào giai đoạn sản xuất vụ lúa xuân 2022 sẽ có nguy cơ thiếu hụt nguồn nước và mặn xâm nhập do lưu lượng nước trên hệ thống sông giảm so với trung bình nhiều năm từ 30-50%, nhất là vùng hạ lưu sông Hồng tới 60-80%. Vì vậy, ngành Nông nghiệp, các huyện, thành phố... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng Trung ương, bước vào giai đoạn sản xuất vụ lúa xuân 2022 sẽ có nguy cơ thiếu hụt nguồn nước và mặn xâm nhập do lưu lượng nước trên hệ thống sông giảm so với trung bình nhiều năm từ 30-50%, nhất là vùng hạ lưu sông Hồng tới 60-80%. Vì vậy, ngành Nông nghiệp, các huyện, thành phố và các Công ty thủy nông đang tích cực triển khai các phương án bảo đảm đủ nước phục vụ gieo cấy lúa xuân trong khung thời vụ tốt nhất.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các Công ty thủy nông đang tích cực phối hợp với các địa phương thực hiện tốt phương án lấy nước phục vụ sản xuất vụ xuân 2022; chỉ đạo các chi nhánh, đơn vị trực thuộc thường xuyên kiểm tra, theo dõi chặt chẽ các công trình cống dưới đê, đảm bảo an toàn cho công trình khi vận hành; sẵn sàng vận hành hệ thống cống, tổ máy bơm của các trạm bơm để bảo đảm duy trì mực nước hợp lý. Bên cạnh đó, các Công ty chủ động phối hợp với các xã, thị trấn và HTX dịch vụ nông nghiệp chủ động khơi thông dòng chảy và vận hành các trạm bơm; sẵn sàng huy động, vận hành các trạm bơm dã chiến, máy bơm dầu để bơm tiếp ứng cho những vùng cao khó lấy nước, chống hạn cục bộ… Chịu trách nhiệm tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất cho khoảng 45.500ha lúa và 13-15 nghìn ha cây màu thuộc địa bàn 6 huyện, thành phố của 2 tỉnh Nam Định và Hà Nam, Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Bắc Nam Hà đã tổ chức đánh giá hiện trạng công trình thủy lợi, trang thiết bị máy móc; khai thông dòng chảy, dự phòng vật tư sẵn sàng phục vụ sản xuất. Nhờ đó đến cuối tháng 12-2021, toàn bộ việc bảo dưỡng, sửa chữa, khắc phục các sự cố công trình thủy lợi, máy bơm, bổ sung các vật tư dự phòng như: máy phát điện, ô tô, máy xúc, cuốc, xẻng... đã được hoàn thành, sẵn sàng vận hành khi cần thiết. Để công tác điều hành 12 trạm bơm đạt hiệu quả, bảo đảm tiết kiệm, Công ty chủ động phối hợp với các địa phương thống nhất phương án huy động lực lượng, vật tư, phương tiện khi cần thiết, thời gian hoành triệt cửa cống dưới đê; chủ động khai thác số liệu thông tin về mực nước, lượng mưa được cập nhật thường xuyên, chính xác, kịp thời trên hệ thống quan trắc tự động của Công ty đặt tại các điểm đo trong hệ thống. Nhằm nâng cao trách nhiệm của các trạm bơm, trên cơ sở vận hành chung của cả hệ thống và căn cứ vào diễn biến cụ thể của thời tiết, Công ty trao quyền chủ động vận hành các tổ bơm cho từng trạm đảm bảo việc bơm tưới, bơm tiêu sát thực tế. Đồng chí Vũ Việt Đông, Trạm trưởng Trạm bơm Hữu Bị đánh giá: Việc trao quyền vận hành giúp trạm chủ động bơm bất cứ thời điểm nào, không kể ngày hay đêm mà tùy vào tình hình cụ thể thời tiết, mùa vụ sản xuất trên địa bàn trạm quản lý. Trạm không mất thời gian chờ xin lệnh vận hành hoặc dừng từ Công ty nên hiệu quả phục vụ sản xuất hơn hẳn so với trước đây.
Theo kế hoạch, vụ xuân năm nay Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Vụ Bản có nhiệm vụ phục vụ gieo cấy gần 8.752ha lúa và 417ha rau màu các loại. Đồng chí Nguyễn Hữu Ý, Chủ tịch Hội đồng Công ty cho biết: Nhằm bảo đảm đủ nguồn nước phục vụ tốt việc gieo trồng lúa, cây màu vụ xuân, Công ty đã tập trung huy động lực lượng, phương tiện ra quân làm thủy lợi nội đồng và hoàn thành việc đào đắp, khơi thông dòng chảy, bể hút… với tổng khối lượng 13 nghìn 949m3, vượt 180% chỉ tiêu kế hoạch được giao; khối lượng gạch, đá, đổ bê tông đạt 744m3, bằng 168% kế hoạch. Cùng với đó, Công ty hoàn thiện việc sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế 87 trạm bơm bảo đảm vận hành tốt khi có yêu cầu; đồng thời thực hiện chế độ thường trực trong ngày, chỉ đạo các tổ, cụm thủy nông phân công cán bộ, công nhân kỹ thuật thường xuyên kiểm tra máy bơm, nguồn điện; phối hợp với các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, các đợt xả nước tại các sông để cập nhật, báo cáo phục vụ công tác xây dựng kế hoạch tưới, tiêu và chỉ đạo điều hành vận hành toàn hệ thống; chuẩn bị lực lượng, phương tiện và các loại vật tư: dầu mỡ, bao tải đựng đất, cuốc, xẻng… để xử lý ngay giờ đầu các hư hỏng, sự cố rò nước qua khe van của các cống, sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết. Điều hành hệ thống trữ nước đệm, giữ mực nước tại bể hút các trạm bơm theo quy trình vận hành hệ thống đã được phê duyệt. Khi có nguồn nước chất lượng, Công ty chỉ đạo triển khai 100% quân số thực hiện trực 24/24 giờ và theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước trên các triền sông để vận hành các trạm bơm phù hợp, hiệu quả theo yêu cầu. Chủ động phối hợp với các xã, thị trấn, HTX nông nghiệp sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện, vật tư để xử lý kịp thời các sự cố, hư hỏng công trình; phân công lực lượng cán bộ xuống địa bàn kiểm tra, đôn đốc các đơn vị triển khai các công việc, nhiệm vụ trước khi có nguồn nước vào địa bàn... bảo đảm phục vụ gieo cấy lúa xuân trong khung thời vụ tốt nhất. Theo kế hoạch, vụ xuân năm 2022, toàn hệ thống của Công ty sẽ bắt đầu bơm tưới đổ ải phục vụ làm đất, gieo cấy trong 3 đợt, gồm: Đợt 1 từ 10 đến 18-1; đợt 2 từ 23 đến 29-1 và đợt 3 từ 5 đến 9-2-2022. Sau khi cấy xong, Công ty sẽ tiếp tục bơm tưới dưỡng theo nhu cầu sử dụng nước của từng địa phương bảo đảm không để bị hạn, úng cục bộ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của lúa, màu vụ xuân, tạo tiền đề giành vụ xuân thắng lợi.
Tại các huyện phía nam tỉnh, khả năng mặn xâm nhập dự báo cũng tương đương vụ xuân năm trước, vì vậy các huyện đã chỉ đạo các Công ty thủy nông xây dựng các phương án, kế hoạch xử lý cụ thể cho từng tình huống diễn biến của thời tiết, khí hậu và thực tiễn sản xuất ở địa phương. Đồng chí Cao Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy cho biết: Rút kinh nghiệm từ những năm trước, vụ xuân năm nay, huyện chỉ đạo các địa phương, Công ty thủy nông của huyện phải nỗ lực nâng cốt nước trong các sông, sử dụng nước tiết kiệm, quản lý tốt nguồn nước để thau chua, rửa mặn và phục vụ làm đất, gieo cấy lúa xuân. Đối với vùng không thể thau chua, rửa mặn do khó khăn nguồn nước thì cần hướng dẫn nông dân sử dụng biện pháp kỹ thuật thâm canh bằng cách tăng hàm lượng rắc vôi bột, lân… để bảo đảm lúa sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, đồng đều.
Với những phương án, biện pháp và kế hoạch điều hành cụ thể nhằm phân phối nguồn nước ngọt chất lượng một cách hài hòa, hợp lý của các đơn vị chức năng sẽ góp phần bảo đảm việc hoàn thành kế hoạch gieo cấy vụ lúa xuân 2022 trong khung thời vụ tốt nhất./.
Bài và ảnh: Văn Đại