Bảo đảm hiệu quả chuyển đổi số theo mô hình mới

Chuyển đổi số không chỉ là công cụ, mà còn là phương thức mới để thành phố Hà Nội xây dựng nền hành chính hiện đại, công khai, minh bạch, phục vụ nhân dân một cách thực chất, hiệu quả khi vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tại UBND phường Ba Đình.

Hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tại UBND phường Ba Đình.

Chú trọng đào tạo nhân lực hành chính số

Triển khai Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thành phố Hà Nội xác định chuyển đổi số là nền tảng để bảo đảm hoạt động quản lý, điều hành không bị gián đoạn khi thay đổi địa giới hành chính, đồng thời hiện đại hóa nền hành chính, phục vụ tốt hơn người dân và tổ chức.

Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội đã phối hợp tổ chức đào tạo, tập huấn quy trình giải quyết thủ tục hành chính và vận hành hệ thống dịch vụ công trực tuyến theo mô hình 2 cấp. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội Hoàng Văn Bằng, chương trình đã trang bị kiến thức, kỹ năng thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các sở, ngành, địa phương, đặc biệt là các đơn vị cấp xã, phường mới.

Phó Chánh Văn phòng UBND xã Đại Thanh Nghiêm Thị Phương Chi cho biết, UBND xã đã rà soát, chuẩn hóa và cập nhật dữ liệu dân cư, hộ tịch, sổ sức khỏe điện tử để đồng bộ hóa với phần mềm được cấp có thẩm quyền xây dựng.

“Chúng tôi đã được thành phố tập huấn về “một cửa điện tử”, quản lý văn bản, họp trực tuyến từ chính quyền 3 cấp sang 2 cấp để vận hành thông suốt từ ngày 1-7”, bà Nghiêm Thị Phương Chi nói.

Tại phường Ba Đình, công chức Phạm Ngọc Đức chia sẻ, cán bộ, công chức của phường đã được tập huấn nhiều nội dung liên quan đến thủ tục hành chính liên thông trong bối cảnh Cổng Dịch vụ công cấp tỉnh chính thức đóng từ ngày 1-7. “Chúng tôi sẽ tiếp tục được tập huấn để bảo đảm tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính một cách hiệu quả”, ông Phạm Ngọc Đức nhấn mạnh.

UBND các xã, phường trên địa bàn thành phố cũng thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính, rà soát, cập nhật toàn bộ thủ tục thuộc thẩm quyền cấp xã đã được phân cấp, phân quyền, công khai tại Điểm tiếp nhận thủ tục hành chính.

Bảo đảm vận hành liền mạch từ 3 cấp sang 2 cấp

Theo Trung tá Vũ Hải Thành, Trưởng Công an phường Thanh Xuân, với dân số đông và diện tích lớn, cán bộ, chiến sĩ Công an phường phải nâng cao ý thức trách nhiệm, tận tụy với công việc. “Không chỉ làm đến giờ nghỉ, mà phải giải quyết hết việc”, Trung tá Vũ Hải Thành nhấn mạnh và cho biết, chỉ huy Công an phường luôn quán triệt tới cán bộ, chiến sĩ việc tuân thủ nghiêm yêu cầu của công tác chuyển đổi số và Đề án 06, không để hoạt động bị gián đoạn, phục vụ tốt nhất cho nhân dân.

Là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 thành phố, Công an thành phố Hà Nội đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho 126 đơn vị Công an phường, xã.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trung tướng Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội yêu cầu cán bộ, chiến sĩ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là tại các phường, xã. Các đơn vị cần bảo đảm hạ tầng đường truyền, thông tin liên lạc, công nghệ thông tin cho Công an cấp xã, bảo đảm thông tin liên tục, không ngắt quãng.

Bí thư Đảng ủy phường Ngọc Hà Nguyễn Công Thành cho biết, phường sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thành phố để hoàn thiện hệ thống phần mềm, nâng cấp thiết bị, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và triển khai Đề án 06. “Phường cũng đề xuất sớm được cấp tài khoản quản trị hệ thống iHanoi để tiếp nhận, giải quyết phản ánh của người dân trên địa bàn một cách nhanh chóng, minh bạch, hiệu quả”, ông Thành chia sẻ.

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Đề án "Xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung từ số hóa tài liệu tập trung" với lộ trình rõ ràng, gồm 3 giai đoạn. Trong đó, thành phố nhấn mạnh yêu cầu số hóa tài liệu cấp xã, cấp huyện trước thời điểm các đơn vị này sáp nhập, ngừng hoạt động. Đây là bước đi bài bản giúp thành phố vừa giữ được tính toàn vẹn của hồ sơ hành chính, vừa tạo nền tảng vững chắc để chuyển đổi vận hành theo mô hình 2 cấp một cách liền mạch, hiệu quả.

Thành phố cũng chỉ đạo xây dựng kho cơ sở dữ liệu hành chính dùng chung, chứa toàn bộ văn bản phát sinh từ hoạt động điều hành, quản lý của các cơ quan nhà nước. Kho dữ liệu này không chỉ phục vụ hệ thống một cửa và giải quyết thủ tục hành chính, mà còn liên kết với hệ thống quản lý văn bản điều hành, dữ liệu chuyên ngành và cơ sở dữ liệu quốc gia. Đây là nền tảng quan trọng để Hà Nội xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp hiện đại, hiệu quả và minh bạch.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6-2025 (ngày 3-7) cho biết, sau khi chính quyền địa phương 2 cấp chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-7-2025, cùng với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện quá trình giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để giảm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp và nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm công khai, minh bạch, thuận lợi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp ở mọi lúc, mọi nơi.

Hiền Thu - Mai Hữu

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/bao-dam-hieu-qua-chuyen-doi-so-theo-mo-hinh-moi-708095.html