Bảo đảm hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn

Điều 10 của Hiến pháp 2013 và Ðiều 14 của Luật Công đoàn 2012 đều ghi nhận quyền giám sát của tổ chức công đoàn, tuy nhiên đến nay chưa có sự thống nhất và đồng bộ về quyền giám sát của công đoàn ở vai trò chủ động giám sát hay chỉ phối hợp giám sát. Đây là 1 trong những nội dung được thảo luận và cho ý kiến tại phiên họp thứ 10 Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra sáng 24/7 do Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì.

Khoản 1 Điều 16 dự thảo Luật Công đoàn quy định: Công đoàn thực hiện giám sát hoặc tham gia, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc các cấp và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và tổ chức công đoàn. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, quy định như vậy là chưa phù hợp.

Một số ý kiến lại cho rằng dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) theo hướng tăng quyền chủ động giám sát của tổ chức công đoàn là phù hợp.

Các đại biểu cho rằng, tăng cường vai trò và đảm bảo hiệu quả hoạt động giám sát của công đoàn sẽ góp phần phát hiện sớm những vi phạm tại đơn vị sử dụng lao động, thực hiện tốt vai trò của tổ chức đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động trong quan hệ lao động. Tuy nhiên, cần thiết kế quy định này sao cho rõ ràng, cụ thể, thống nhất và tương thích với Hiến pháp và hệ thống pháp luật hiện hành.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết!

Ngô Trang - Thế Anh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/bao-dam-hieu-qua-hoat-dong-giam-sat-phan-bien-xa-hoi-cua-cong-doan-229983.htm