Bảo đảm hoạt động kinh doanh tại chợ An Đông (quận 5)

Ban quản lý Trung tâm thương mại - dịch vụ An Ðông (BQL chợ An Ðông, quận 5) đã triển khai các thủ tục để ký lại hợp đồng sử dụng điểm kinh doanh tại chợ An Ðông, với nhiều quyền lợi tốt nhất dành cho các thương nhân.

Ðây là giải pháp quan trọng để hoạt động kinh doanh ở khu chợ nổi tiếng này ổn định, phát triển, phù hợp điều kiện và môi trường kinh doanh chợ truyền thống trong tình hình mới…

Phần lớn thương nhân đang buôn bán tại chợ An Ðông mong muốn các cơ quan và đơn vị chức năng có trách nhiệm liên quan cần xem lại thời hạn hiệu lực của hợp đồng để bảo đảm việc sử dụng quầy - sạp mang tính ổn định, lâu dài. Khi hết thời hạn hợp đồng, thương nhân có được ký hợp đồng tiếp nữa không, thời hạn là bao lâu?

Nhiều thương nhân yêu cầu bản hợp đồng mới phải gắn với quyền lợi của người kinh doanh; khi kết thúc hợp đồng, thương nhân được tiếp tục ký hợp đồng mới; quyền kinh doanh của thương nhân phải được bảo vệ… Thương nhân Nguyễn Văn Lâm đề nghị: Trong hợp đồng không được phân biệt đối xử giữa thương nhân cũ và mới, phải công bằng và cần có sự ưu đãi nhất định đối với 700 hộ kinh doanh của chợ ngày xưa. Thương nhân Phạm Cầu bổ sung: "Cần quan tâm đúng mức khó khăn của một số thương nhân trong thời gian qua. Nguyện vọng của chúng tôi là được buôn bán bình thường, không còn phải thường xuyên lo lắng, bất an, BQL chợ nên quan tâm thấu đáo đến quyền lợi của thương nhân…".

Bên cạnh đó, nhiều thương nhân đề nghị làm rõ mức giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ, trong đó lý giải cụ thể về mức tạm thu. Ngoài việc thanh toán chi phí với giá này thì thương nhân có đóng thêm tiền gì nữa không? Sau khi ký hợp đồng, ký biên bản thỏa thuận tạm thu rồi, nếu giá có tăng thì cũng chỉ được tăng ở mức hợp lý, phù hợp. Ðồng thời yêu cầu, ngoài việc thực hiện nghĩa vụ thuế, chi phí sử dụng diện tích bán hàng, trong quá trình hoạt động kinh doanh của thương nhân không được phát sinh thêm nghĩa vụ tài chính nào nữa. Trong hợp đồng cần nêu rõ nghĩa vụ của bên A (BQL chợ) là trích bao nhiêu phần trăm chi phí để sửa chữa, bảo dưỡng chợ. BQL chợ cũng cần linh hoạt trong các phương thức thanh toán cho thương nhân.

Các thương nhân cũng mong muốn sớm hoàn thành việc sửa chữa, nâng cấp chợ vì đã kéo dài ba năm nay, nhiều hạng mục còn dở dang, ảnh hưởng xấu tới việc buôn bán tại chợ. BQL chợ cần làm rõ, công khai, minh bạch các khoản chi cho việc sửa chữa, nâng cấp chợ từ nguồn tiền hơn 217 tỷ đồng do thương nhân đóng góp trước đây…

Trưởng BQL chợ An Ðông Ðinh Hồ Duy Ngọc cho biết, việc triển khai ký hợp đồng sử dụng điểm kinh doanh xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng của thương nhân (bảo đảm các thương nhân có nơi kinh doanh, buôn bán ổn định, lâu dài và tạo sự an tâm trong quá trình buôn bán) và đã được UBND thành phố đồng ý với thời hạn 10 năm. Hợp đồng mới này bảo đảm thương nhân được sử dụng trọn vẹn quầy - sạp trong 10 năm, phù hợp quy định của Luật Giá, đáp ứng được nhu cầu của thương nhân trong các giao dịch dân sự liên quan, giúp họ thuận lợi hơn trong việc thế chấp để vay vốn tại các tổ chức tín dụng; bảo đảm giá trị của quầy - sạp khi tiến hành thế chấp, sang nhượng, cho thuê lại.

Với giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ (được quy định tại Luật Giá), UBND thành phố đã phân cấp cho UBND quận 5 ban hành mức giá này và người sử dụng điểm kinh doanh có nghĩa vụ thanh toán hằng tháng. Ðây không phải là giá thuê quầy - sạp và không phụ thuộc vào thời hạn của hợp đồng.

Ðối với số tiền hơn 217 tỷ đồng do các thương nhân đóng góp trước đây, Phó trưởng BQL chợ An Ðông Vũ Dương Lâm cho biết, UBND thành phố đã có văn bản chỉ đạo sử dụng toàn bộ số tiền này phục vụ cho công tác sửa chữa chợ và đến nay vẫn đang được sử dụng đúng mục đích; các hạng mục tiếp tục được thi công.

Ông Vũ Dương Lâm cho biết thêm, BQL chợ đã tham khảo ý kiến luật sư và có đủ cơ sở để khẳng định rằng, công trình chợ An Ðông cùng các quầy - sạp là tài sản của Nhà nước. Vì đây là công trình được hình thành từ sự hợp tác đầu tư giữa Công ty Phát triển nhà quận 5 và Công ty Tư doanh Việt Hoa theo Hợp đồng số 14/HÐKT-PTN ngày 27-11-1990.

Theo nội dung hợp tác, phía Việt Hoa có trách nhiệm bố trí 100% nguồn vốn để xây dựng công trình, được quyền khai thác thông qua ký hợp đồng sang nhượng (cho thuê quầy - sạp) đối với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu trong thời hạn 20 năm, khi hết thời hạn này (hết năm 2011) công trình được giao lại cho Nhà nước quản lý và thuộc quyền sở hữu của Nhà nước. Do vậy, hoàn toàn không có cơ sở pháp lý để xem xét giải quyết việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu quầy - sạp và cấp giấy chứng nhận góp vốn xây dựng công trình chợ An Ðông cho các thương nhân.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/40879602-bao-dam-hoat-dong-kinh-doanh-tai-cho-an-dong-quan-5.html