Bảo đảm không gian vui chơi an toàn cho trẻ em

Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 có chủ đề 'Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em'. Đây là cơ hội để toàn xã hội nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Một trong những vấn đề quan trọng trong công tác này đó là những không gian vui chơi an toàn cho trẻ.

Ảnh minh họa: Vũ Minh

Ảnh minh họa: Vũ Minh

Thực tế cho thấy, hàng năm vào các kỳ nghỉ hè, trẻ em rất cần được tham gia các hoạt động khám phá, vui chơi, giải trí, nạp thêm nguồn năng lượng tích cực... Tuy nhiên, để có được điều đó thì những sân chơi an toàn, bổ ích đóng vai trò quan trọng, nhưng hiện nay sân chơi cho trẻ em lại đang rất thiếu tại nhiều nơi. Trao đổi với truyền thông, bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó Trưởng Ban giám sát, tư vấn bảo vệ quyền trẻ em, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam từng cho biết, ở địa phương nào được các cấp lãnh đạo quan tâm thì trẻ em có sân chơi, trang thiết bị được quản lý, trẻ em được giám sát và bảo vệ; còn những nơi không được quan tâm thì sân chơi chỉ là hình thức, bởi việc bố trí nguồn kinh phí còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu...

Thiếu không gian vui chơi an toàn, trẻ em sẽ tìm cách giải trí bằng chơi game, lướt Youtube... dễ sa vào vấn nạn bắt nạt, lạm dụng trên mạng; hoặc chơi ở những nơi không an toàn như đường phố, công trường xây dựng, sông suối hồ... dễ xảy ra tình huống tai nạn thương tích đe dọa tính mạng trẻ em.

Từ năm 2000, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 03/2000/CT-TTg về đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em. Tại nhiều địa phương, Chỉ thị 03 đã và đang được thực hiện thông qua nhiều quy định và chính sách cụ thể từ nỗ lực thay đổi tư duy, nhận thức của người lớn, các cấp, ban, ngành. Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Hoàng Yến, Chính phủ cũng đóng vai trò rất cần thiết trong việc ban hành, điều chỉnh quy hoạch; phân bổ, vận động nguồn lực và kinh phí xây dựng khu vui chơi cũng như cung cấp đầy đủ cơ sở vật chất trang thiết bị vui chơi. “Từ trung ương tới địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ, riêng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cần phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để phát huy vai trò là người đại diện tiếng nói của trẻ em”, theo bà Yến.

Cùng quan điểm, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH cũng nhấn mạnh việc cần tăng cường vai trò của Đoàn thanh niên các cấp trong việc phối hợp cùng nhà trường và các cơ quan, đoàn thể ở địa phương tổ chức nhiều hơn các sân chơi hè cho trẻ em, bảo đảm vui, khỏe, an toàn, bổ ích. Hình thức tổ chức các sân chơi hè cần đa dạng, linh hoạt, phù hợp với độ tuổi, đặc điểm từng vùng, từng địa phương để thu hút sự tham gia của đông đảo trẻ em. Hoạt động nào cần kinh phí thì kêu gọi sự chung tay góp sức của cộng đồng xã hội, nhà hảo tâm và phụ huynh. Việc huy động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân hỗ trợ xây dựng, tài trợ cho các sân chơi trẻ em là vô cùng cần thiết để bảo đảm mọi trẻ em đều được vui chơi giải trí, đều được bình đẳng về cơ hội tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, để không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.

H.Minh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/bao-dam-khong-gian-vui-choi-an-toan-cho-tre-em-post514324.html