Bảo đảm kiểm soát lạm phát, bình ổn giá khi tăng lương cơ sở

Tiếp tục Kỳ họp thứ Bảy, chiều 26.6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại hội trường về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1.7.2024.

Tiếp tục thực hiện lộ trình tăng mức lương cơ sở là cần thiết

Các ĐBQH cơ bản thống nhất với Tờ trình của Chính phủ cần thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách liên quan theo lộ trình thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, phù hợp với khả năng chi trả của ngân sách.

Từ thực tiễn chuẩn bị bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương còn bất cập do đưa phụ cấp công vụ 25% hiện nay vào bảng lương mới, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, dẫn đến lương cơ bản của công chức tăng bình quân là 23,25% là thấp so với viên chức tăng bình quân là 54,3% và của lực lượng vũ trang tăng 43,96%. Tổng quỹ lương của cán bộ, công chức, viên chức tăng 30% và lực lượng vũ trang tăng 51,93% là chưa bình đẳng với các đối tượng hưởng lương, chưa phù hợp với bảng lương mới theo dự kiến. Mức lương thấp nhất của nhân viên bậc 1, trung cấp, tập sự trong bảng lương tập sự là thấp so với mức tăng lương, mức bình quân của công chức, dễ gây tâm tư không ổn định khi cải cách tiền lương.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Bên cạnh đó, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, khi chuyển xếp từ lương cũ sang lương mới đối với công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo đang hưởng lương chuyên môn, nghiệp vụ với phụ cấp chức vụ lãnh đạo sẽ rất khó khăn do nhiều bậc lương cũ như ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp, viên chức khác nhau lại được xếp vào một mức lương chức vụ mới, dẫn đến có nhiều trường hợp từ cấp vụ, cấp sở và tương đương trở xuống đến cấp xã khi xếp vào mức lương chức vụ mới thấp hơn so với mức lương hiện hưởng. Ngoài ra, tính lương theo vị trí việc làm còn phải sửa đổi rất nhiều quy định của Đảng, Nhà nước về chính sách, chế độ gắn với mức lương cơ sở hiện hành.

Mặc dù hiện nay nhiều bộ, ngành, địa phương đã phê duyệt Đề án vị trí việc làm, nhưng theo báo cáo còn nặng về hình thức và chưa có sự đồng bộ, chưa được tương đồng với nhau. Mặt khác, cấp thẩm quyền chưa thông qua danh mục vị trí việc làm, cho nên, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, chưa đủ điều kiện để có thể thông qua lương mới. Chính phủ trình tiếp tục thực hiện lộ trình tăng mức lương cơ sở, lương hưu, phụ cấp, các chế độ, chính sách là rất cần thiết.

Nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp

Về đề xuất giải pháp lương mới áp dụng từ ngày 1.7.2024, tiền lương của khu vực công, công chức, viên chức tăng 30% và bổ sung quy định tiền khen thưởng 10% lương cơ bản, điều chỉnh lương hưu 15%, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công 35,7% và trợ cấp xã hội 38,9%, đặc biệt đối với những người hưởng lương hưu từ trước năm 1995 được trợ cấp thêm 0,3 triệu đối với người có mức lương thấp hơn 3,2 triệu, hưởng lương thấp hơn 3,5 triệu được điều chỉnh cho đủ 3,5 triệu, đại biểu Phạm Văn Hòa nhận thấy, đây là chính sách nhân văn của Nhà nước đối với người hưởng lương hưu thấp.

“Các chế độ, chính sách gắn với mức lương cơ sở đều được tăng tương ứng với lương công chức, viên chức, bảo đảm hài hòa, công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng hưởng lương, trợ cấp, tạo sự thống nhất cao trong các tầng lớp xã hội. Mức lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng là mức lương cao nhất từ trước đến nay, ngoài việc cải thiện đời sống của người hưởng lương và trợ cấp còn bảo đảm được an sinh xã hội”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị, cùng với việc tăng lương cơ sở cần có giải pháp bình ổn giá cả.

“Trước khi tăng lương, giá đã tăng trước một đoạn”, nhấn mạnh như vậy, ĐBQH Tạ Văn Hạ nêu rõ, cần có giải pháp bình ổn giá, nhất là đối với các mặt hàng tiêu dùng. Bên cạnh tăng lương cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cải cách, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Đồng thời, trong bối cảnh tiến hành tăng lương, mức sống tăng lên thì cần nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp, có thể tăng ít nhất 30%.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Để hạn chế ảnh hưởng của tăng lương cơ sở đến tình hình lạm phát, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị, chính sách tiền tệ cần chủ động linh hoạt, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ ổn định tỷ giá. Không điều chỉnh các hàng hóa, dịch vụ Nhà nước quản lý như điện, học phí, giá dịch vụ khám, chữa bệnh cùng một lúc và phải cách xa ngày 1.7.2024; chuẩn bị nguồn hàng, bảo đảm cung hàng hóa không để thiếu hàng, thúc đẩy sản xuất.

“Quan trọng nhất là phải kiểm soát lạm phát tâm lý, lạm phát tin đồn, lạm phát domino, té nước theo mưa và phải tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử phạt nghiêm minh những vấn đề liên quan đến pháp luật về giá”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/bao-dam-kiem-soat-lam-phat-binh-on-gia-khi-tang-luong-co-so-i377034/