Bảo đảm lưu thông thương mại toàn cầu trong bối cảnh đại dịch
Lãnh đạo các tổ chức quốc tế cho rằng cộng đồng thương mại toàn cầu phải nhanh chóng hành động để giảm thiểu tác động nghiêm trọng của khủng hoảng COVID-19.
Trong Phiên thảo luận cấp cao khai mạc Sự kiện Hỗ trợ thương mại 2021 mới đây, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala cùng với lãnh đạo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Hội nghị Liên hợp quốc (LHQ) về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) nhấn mạnh sự cần thiết phải giữ cho thương mại toàn cầu lưu thông để đảm bảo rằng các nước đang phát triển và kém phát triển nhất được tiếp cận với các mặt hàng y tế thiết yếu để kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19 và có thể tận dụng thương mại để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế bền vững.
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, lãnh đạo các tổ chức quốc tế nói trên cho rằng cộng đồng thương mại toàn cầu phải nhanh chóng hành động để giảm thiểu tác động nghiêm trọng của khủng hoảng COVID-19 đối với các nước đang phát triển và đặc biệt là các nước kém phát triển nhất (LDCs) do các nước này chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ sự gián đoạn thương mại và kinh tế phát sinh từ đại dịch. Từ việc cung cấp các sản phẩm y tế như khẩu trang cho đến việc phê duyệt và sản xuất vaccine, hệ thống thương mại đa phương đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phục hồi kinh tế và thương mại sau đại dịch.
Theo Tổng giám đốc WTO, đại dịch hiện đang đảo ngược những thành tựu phát triển khó giành được, làm tăng thêm những vấn đề mà những người dễ bị tổn thương nhất phải đối mặt. Việc khôi phục hậu COVID không được bỏ sót bất kỳ ai hay bất kỳ quốc gia nào. Bước đầu tiên hướng tới mục tiêu này phải là triển khai nhanh chóng sản xuất vaccine toàn cầu để chấm dứt đại dịch. Các nước cần hợp tác thương mại nhiều hơn để giải quyết các nút thắt về nguồn cung, giảm bớt các rào cản pháp lý, tạo thuận lợi cho thương mại và tài trợ cho việc mua vaccine. Ngoài ra, việc giữ cho thị trường toàn cầu tiếp tục chu chuyển là điều cần thiết cho sự phục hồi mạnh mẽ và bền vững.
Các tổ chức quốc tế và thành viên tham gia Sáng kiến Hỗ trợ Thương mại đã tạo ra sự khác biệt to lớn trong cuộc sống của người dân. Phối hợp cùng nhau đầu tư vào sự phục hồi của các đối tác thương mại là điều nên làm, bởi việc xây dựng lại một nền kinh tế toàn cầu xanh hơn, công bằng hơn, thịnh vượng hơn mang lại lợi ích kinh tế cho tất cả các nước.
Các nhà lãnh đạo cũng lưu ý rằng thương mại dịch vụ cũng đang tăng nhưng với tốc độ chậm hơn, nhấn mạnh vai trò quan trọng của hợp tác toàn cầu trong việc duy trì chu chuyển hàng hóa và lương thực và kêu gọi kiểm soát các hạn chế xuất khẩu. Một sự phục hồi kinh tế toàn diện, mạnh mẽ và xanh sẽ đòi hỏi thị trường mở và tiếp tục huy động tài chính để giúp các nước đang phát triển và các nước LDCs xây dựng khả năng chống chịu với các cú sốc trong tương lai và giảm nghèo cùng cực.
Thông qua sự kiện Hỗ trợ thương mại, cộng đồng toàn cầu có thể giúp giải quyết nhu cầu thương mại của các quốc gia này để các nước có thể đóng một vai trò tích cực hơn trong thương mại toàn cầu và đáp ứng các mục tiêu phát triển. Các chiến lược cụ thể bao gồm thúc đẩy và tạo thuận lợi cho đầu tư, đầu tư vào hệ thống y tế, thực hiện các biện pháp tạo thuận lợi thương mại và giải quyết các vấn đề về nợ và cán cân thanh toán.
Sáng kiến Hỗ trợ thương mại được giới thiệu tại Hội nghị Bộ trưởng WTO tháng 12/2005 tại Hong Kong nhằm huy động nguồn lực giúp các nước đang phát triển và kém phát triển nhất giải quyết các hạn chế nguồn cung và cơ sở hạ tầng liên quan đến thương mại.
Sự kiện Hỗ trợ thương mại năm nay gồm 39 phiên thảo luận, tập trung phân tích tác động thương mại của đại dịch COVID-19 và huy động tài chính cho Sáng kiến để hỗ trợ sự phục hồi và thúc đẩy tính tự cường của các nước đang phát triển và kém phát triển nhất.