Bảo đảm minh bạch trong đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia
Năm 2021, Tổng cục Dự trữ Nhà nước sẽ chấm điểm uy tín nhà thầu nhằm bảo đảm công khai, minh bạch và tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia.
Theo ông Phạm Vũ Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước, năm 2021, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) được giao kế hoạch mua nhập hàng dự trữ quốc gia đối với lương thực là 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc. Để hoàn thành kế hoạch, Tổng cục DTNN đã quán triệt và chỉ đạo các cục DTNN khu vực triển khai quyết liệt, lựa chọn nhà thầu có uy tín, năng lực kinh nghiệm để cung cấp gạo dự trữ quốc gia.
Bên cạnh đó, “từ thực tế triển khai và những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thời gian qua, Tổng cục DTNN đã tổng hợp và báo cáo Bộ Tài chính để đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về đấu thầu nhằm tăng cường ràng buộc trách nhiệm của nhà thầu khi tham dự thầu cung cấp hàng dự trữ quốc gia nói chung và các gói thầu mua gạo dự trữ quốc gia nói riêng như: Tăng mức bảo đảm dự thầu, tăng chế tài xử phạt khi vi phạm...”, ông Phạm Vũ Anh nói.
Để bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, đặc biệt là tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu, căn cứ quy định và thực tế tình hình đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia trong các năm qua, năm 2021, tại hồ sơ mời thầu mua gạo, các cục DTNN khu vực đã quy định về chấm điểm “uy tín nhà thầu” trong bảng chấm điểm kỹ thuật.
Các nhà thầu có lịch sử chấp hành tốt sẽ có điểm uy tín cao khi tham dự thầu các gói thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia. Các nhà thầu có lịch sử chấp hành không tốt, như từ chối ký hợp đồng khi đã trúng thầu hoặc có lịch sử không tuân thủ đúng quy định của hợp đồng (về thời gian giao hàng, về chất lượng, số lượng hàng…), tùy theo mức độ sẽ bị đánh giá, xếp hạng uy tín thấp hơn.
Hằng năm, Tổng cục DTNN sẽ cập nhật, bổ sung danh sách các nhà thầu uy tín; đây là cơ sở dữ liệu quan trọng để theo dõi, đánh giá, xếp hạng uy tín của từng nhà thầu; làm cơ sở đưa vào tiêu chí đánh giá hồ sơ dự thầu về kỹ thuật theo quy định trong các hồ sơ mời thầu mua gạo dự trữ quốc gia các đợt đấu thầu tiếp theo.
Cũng theo ông Phạm Vũ Anh, việc đánh giá, chấm điểm uy tín không phải để “loại nhà thầu” nhà thầu, mà nhằm bảo đảm công khai minh bạch trong hồ sơ mời thầu, bảo đảm sự công bằng cho tất cả các nhà thầu; tăng tính cạnh tranh giữa các nhà thầu trong đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia