Bảo đảm minh bạch trong thẩm định giá

Ngày 6/4, tại hội nghị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách, các ĐBQH xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Giá (sửa đổi). Thẩm định giá là vấn đề có nhiều 'lỗ hổng' bị lợi dụng trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Anh Trí phát biểu tại hội nghị.

Ông Nguyễn Anh Trí phát biểu tại hội nghị.

Đảm bảo giá xăng dầu theo giá thị trường

ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) tán thành việc dự thảo luật có quy định về mặt hàng bình ổn giá. Tuy nhiên theo ông Hòa, trong trường hợp đặc biệt sẽ giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định các mặt hàng theo đề xuất của Chính phủ để đảm bảo khách quan. “Giá là vấn đề tác động trực tiếp, ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp (DN). Do đó cần quy định cụ thể ngay trong luật để đảm bảo công khai, minh bạch, hạn chế sự can thiệp của Nhà nước” - ông Hòa nói và nêu quan điểm, với Quỹ bình ổn xăng dầu, nên giao Bộ Tài chính quản lý, không giao DN để đảm bảo tính công bằng. Chính phủ cũng cần nghiên cứu để có phương pháp quản lý tốt hơn. Về lâu dài cần có lộ trình để dần đảm bảo giá xăng dầu theo giá thị trường.

Về vấn đề định giá, theo ông Hòa, đây là nội dung rất quan trọng. Thời gian qua có nhiều vấn đề nóng liên quan đến định giá, nhưng áp dụng pháp luật, các cơ quan chuyên môn phải tham gia tích cực, còn Bộ Tài chính chỉ ở vai trò hỗ trợ. Do đó cần có quy định để giúp Bộ Tài chính tham gia sâu hơn vào công tác này. “Về giá trần dịch vụ hàng không, cần có quy định cả về giá tối thiểu và giá tối đa để đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng lành mạnh giữa các hãng hàng không, đảm bảo lợi ích của người dân” - ông Hòa nhận định.

Còn theo ĐB Hoàng Thị Thanh Thúy (đoàn Tây Ninh), cần bổ sung trong quyền của người tiêu dùng về việc tiếp cận thông tin chính sách giá của Nhà nước, các biện pháp quản lý, điều tiết giá của Nhà nước... Bà Thúy đề nghị, xem xét lại các tiêu chí trong danh mục hàng hóa, dịch vụ phải bình ổn giá cụ thể là về tiêu chí hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và tiêu chí có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân. “Cần thiết phải quy định danh mục các hàng hóa, dịch vụ, thế nào là hàng hóa dịch vụ thiết yếu. Các mặt hàng dịch vụ thiết yếu cần phải có sự linh hoạt trong từng thời điểm, đặc biệt là trong những điều kiện cấp thiết” - bà Thúy cho hay.

Trong khi đó, ĐB Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) đánh giá, về định giá hàng hóa dịch vụ, dự thảo luật đã bổ sung thêm một số hàng hóa do Nhà nước định giá nhưng cần làm rõ nguyên nhân của việc bổ sung các loại hàng này vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá, đồng thời cần rà soát lại tên của các loại mặt hàng để đảm bảo tính chính xác, đồng bộ.

Loạn giá dịch vụ

Qua nghiên cứu dự thảo luật, ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng, quy định liên quan đến giá dịch vụ y tế rất mờ nhạt. “Giá là vấn đề phức tạp nhất và dễ phát sinh tiêu cực nhất - ông Trí nói.

Cho rằng giá dịch vụ y tế phức tạp, ông Trí dẫn chứng: Có nhiều loại hình, hạng mục, chủng loại, như giá có tự chủ, giá không tự chủ, giá có xã hội hóa, giá không xã hội hóa, giá thuốc trong nước với ở nước ngoài cũng khác nhau, rồi giá dịch vụ y tế trong khám bệnh, chữa bệnh từ xa cũng khác với khám, chữa bệnh trực tiếp. Từ đó ông Trí cho rằng, nếu để “loạn” cách làm giá dịch vụ thì mọi thiệt thòi sẽ trút hết vào bệnh nhân.

Theo ông Trí, giá là thành tố quan trọng quyết định việc tự chủ bệnh viện công nhằm hạn chế việc tư nhân hóa bệnh viện công. Khi cho một bệnh viện làm tự chủ, đặc biệt là tự chủ toàn diện thì phải lưu tâm 2 việc. Thứ nhất là vấn đề giá. “Giá 200 nghìn đồng/giường dành cho bệnh nhân được bảo hiểm y tế chi trả khác hẳn với giá giường dịch vụ là 2 triệu đồng, thậm chí có nơi còn đề cập đến mức giá 3,2 triệu đồng” – ông Trí nhấn mạnh. Thứ hai là bao nhiêu % số giường trong bệnh viện đó được phép chuyển sang giường dịch vụ. 20%, 50%, 80% và 100%. Nếu 100% thì có nghĩa là bệnh viện đó đã tư nhân hóa. Do đó trong Luật Giá (sửa đổi) cần đề cập đến giá dịch vụ y tế để làm cơ sở xây dựng các thông tư về giá dịch vụ y tế, thuốc, vật tư y tế sau này.

ĐB Nguyễn Minh Đức (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, qua nghiên cứu các vụ án vi phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, một trong những vấn đề nổi lên là việc thẩm định giá, thổi giá cao, đặc biệt với thiết bị y tế. Tình trạng trên xảy ra do có lỗ hổng trong quy định pháp luật ở Luật Giá hiện hành. Vì vậy theo ông Đức, cần có quy định chặt chẽ hơn nữa về nghĩa vụ, trách nhiệm của thẩm định viên.

“Cần có cơ chế kiểm soát, đảm bảo chặt chẽ trong việc cung cấp thông tin giữa các bên liên quan trong vấn đề thẩm định giá. Bên cạnh đó, để bảo vệ cán bộ, tránh trường hợp xảy ra các vụ việc vi phạm cần quy định bắt buộc phải báo cáo kết quả thẩm định giá, chứ không phải khi yêu cầu mới báo cáo, để đảm bảo hậu kiểm đầy đủ chặt chẽ trong thẩm định giá, phòng ngừa trường hợp thông đồng thao túng giá gây hậu quả nghiêm trọng” - ông Đức cho hay.

Cuối giờ chiều, các ĐBQH thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Phiên thảo luận kéo dài đến ngày 7/4.

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/bao-dam-minh-bach-trong-tham-dinh-gia-5714362.html