Thành phố Hồ Chí Minh triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi cho trẻ dưới 5 tuổi
Trước nguy cơ bệnh sởi có thể bùng phát do tỷ lệ tiêm phòng thấp, thời gian qua, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều biện pháp khẩn cấp nhằm tăng tỷ lệ bao phủ vaccine, ngăn ngừa nguy cơ bệnh sởi lây lan rộng trong cộng đồng.
Mới đây, Sở Y tế đã đề xuất UBND Thành phố triển khai chiến dịch tiêm phòng bổ sung vaccine phòng bệnh sởi cho toàn bộ trẻ từ 1 đến 5 tuổi đang cư trú trên địa bàn.
Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến giữa tháng 6/2024, toàn Thành phố ghi nhận 16 trường hợp mắc bệnh sởi tại 4 quận, huyện là Quận 8, quận Bình Tân, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh. Sở Y tế cũng xác định có 3 ổ dịch tại quận Bình Tân, huyện Hóc Môn và huyện Bình Chánh. Trong số các ca bệnh trên, trẻ dưới 2 tuổi (chiếm 68,8%); trẻ dưới 5 tuổi (chiếm 93,8%). Về tỷ lệ tiêm chủng, trẻ từ 9 tháng đến dưới 5 tuổi chưa được tiêm chủng đầy đủ (chiếm 84,6%). Điều đó cho thấy, số ca bệnh sởi tập trung ở lứa tuổi dưới 5 tuổi và những trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ là đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh…
Tháng 4/2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Bệnh viện Nhi đồng 1 thực hiện khảo sát miễn dịch cộng đồng đối với bệnh sởi. Kết quả cho thấy, tỷ lệ trẻ từ 9 tháng đến dưới 5 tuổi cư trú trên địa bàn Thành phố có kháng thể phòng bệnh sởi chỉ đạt 86%. Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc duy trì tỷ lệ tiêm 2 mũi vaccine sởi ở trẻ dưới 2 tuổi đạt 95% là yếu tố cơ bản để loại trừ bệnh sởi.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, nguy cơ bùng phát dịch sởi quy mô toàn Thành phố là mức nguy cơ rất cao. Ở quy mô quận, huyện, có 2 quận, huyện nguy cơ rất cao là (quận Bình Tân và huyện Hóc Môn), huyện Củ Chi có nguy cơ cao; các quận, huyện còn lại có nguy cơ trung bình. Do đó, nguy cơ dịch sởi sẽ bùng phát và lan rộng toàn Thành phố nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Để ngăn chặn dịch sởi lây lan, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, tăng tỷ lệ bao phủ vaccine trong cộng đồng là biện pháp hiệu quả nhất. Sở Y tế đã yêu cầu các trung tâm y tế quận, huyện chỉ đạo các trạm y tế phường, xã, thị trấn rà soát tình trạng tiêm chủng của trẻ cư trú trên địa bàn. Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát tình trạng tiêm chủng của trẻ đang theo học ở các trường mầm non, nhất là trẻ ở các nhóm trẻ tư thục. Từ đó, khẩn trương tiêm bù cho trẻ chưa được tiêm vaccine sởi hoặc tiêm chưa đầy đủ. Đối với trẻ có mắc các bệnh lý nền khác, trẻ đang được điều trị tại các cơ sở y tế, Sở Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện tiến hành tiêm vaccine cho trẻ trước khi xuất viện.
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất UBND Thành phố chấp thuận chủ trương triển khai chiến dịch tiêm chủng bổ sung vaccine sởi cho tất cả trẻ em từ 1 đến 5 tuổi đang sống trên địa bàn Thành phố. Theo đó, 100% trạm y tế phường, xã, thị trấn thuộc 22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẽ tổ chức tiêm chủng mở rộng cho tất cả các trẻ từ 1 đến 5 tuổi không kể tiền sử đã được tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi trước đó hay chưa. Vaccine được sử dụng là vaccine phối hợp phòng bệnh sởi – rubella.
Ước tính có khoảng hơn 517.000 trẻ nằm trong diện được tiêm chủng diễn ra trong tháng 7,8,9 tới đây. Sở Y tế dự kiến mua 324.250 liều vaccine trong đợt 1 và sẽ mua tiếp nếu có nhu cầu. Các bác sĩ khuyến cáo, tiêm đủ hai mũi vaccine phòng bệnh sởi có thể bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ mắc bệnh lên đến 95%.