Bảo đảm nguồn cung hàng hóa tại Hà Nội

Sau thông tin về trường hợp dương tính với vi-rút Covid-19 đầu tiên ở Hà Nội, trong ngày 7-3, nhiều người dân Thủ đô đã vội vàng đến các siêu thị, chợ, cửa hàng để mua sắm, tích trữ hàng hóa, dẫn đến tình trạng hết hàng tạm thời, cục bộ hoặc tăng giá đột biến tại một số điểm bán. Trước tình hình này, chiều 7-3, Bộ Công thương khẳng định không thiếu nguồn cung. Các siêu thị ở Hà Nội đã và đang tăng mạnh nguồn dự trữ hàng hóa. TP Hà Nội cũng kêu gọi người dân bình tĩnh, không tích trữ hàng hóa bởi thành phố cam kết bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng trong bất kỳ tình huống nào.

Lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội kiểm tra việc cung ứng hàng hóa tại siêu thị trên địa bàn sáng 7-3.

Lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội kiểm tra việc cung ứng hàng hóa tại siêu thị trên địa bàn sáng 7-3.

Sau thông tin về trường hợp dương tính với vi-rút Covid-19 đầu tiên ở Hà Nội, trong ngày 7-3, nhiều người dân Thủ đô đã vội vàng đến các siêu thị, chợ, cửa hàng để mua sắm, tích trữ hàng hóa, dẫn đến tình trạng hết hàng tạm thời, cục bộ hoặc tăng giá đột biến tại một số điểm bán. Trước tình hình này, chiều 7-3, Bộ Công thương khẳng định không thiếu nguồn cung. Các siêu thị ở Hà Nội đã và đang tăng mạnh nguồn dự trữ hàng hóa. TP Hà Nội cũng kêu gọi người dân bình tĩnh, không tích trữ hàng hóa bởi thành phố cam kết bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng trong bất kỳ tình huống nào.

Tăng mạnh nguồn cung hàng hóa

Ngay sáng 7-3, Sở Công thương Hà Nội đã đi kiểm tra việc cung ứng hàng hóa, giá cả các mặt hàng thiết yếu trên thị trường. Theo báo cáo nhanh của các hệ thống siêu thị lớn như VinMart, Big C, Saigon Co.opmart, Hapro..., ngay khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp trong đầu tháng 2, doanh nghiệp (DN) đã chủ động dự trữ lượng hàng hóa tại các kho tăng 30 đến 50% so với trước. Ngay từ đêm 6 và sáng 7-3, các siêu thị đã tiếp tục có phương án tăng cường hàng hóa, cùng các nhà cung cấp lên kế hoạch phân bổ hàng chuyển từ các tỉnh về cho hệ thống phân phối tại Hà Nội. Hệ thống siêu thị Saigon Co.op mart tăng lượng dự trữ ngay tại các kho ở Hà Nội, Bắc Ninh với lượng hàng tăng 30%; huy động nhân sự đi làm 100%. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail (sở hữu hệ thống siêu thị Big C) Nguyễn Thị Phương cho biết, lượng hàng dự trữ trong các kho của hệ thống Big C đã tăng 30 đến 40% từ đầu tháng 2; khi tình hình dịch bệnh phức tạp hơn ở Hàn Quốc và I-ta-li-a, toàn hệ thống Big C tăng lượng hàng dự trữ gấp ba đến bốn lần, riêng lượng hàng tươi sống tăng năm lần. Siêu thị cũng bố trí cán bộ liên tục cung ứng hàng trong siêu thị, vận chuyển hàng hóa từ các kho về hệ thống phân phối, đẩy mạnh kênh bán hàng thương mại điện tử. Từ ngày 8-3, hệ thống Big C mở cửa từ 7 giờ (thay vì 8 giờ) và đóng cửa vào lúc 22 hoặc 23 giờ và phục cho đến khi hết khách; siêu thị cũng cam kết không tăng giá hàng hóa trên toàn hệ thống. Saigon Co.opmart đã dự trữ lượng hàng hóa tính đến ngày 6-3 tới 500 tỷ đồng, trong đó lượng hàng dành riêng cho miền bắc và TP Hà Nội chiếm 20%. Phó Tổng Giám đốc Vincommecre (sở hữu hệ thống siêu thị VinMart) Dương Thị Thanh Tâm cho biết, một ngày hệ thống siêu thị của đơn vị có thể cung cấp hơn 200 nghìn khay thịt, bảo đảm nhu cầu của các hộ gia đình ở Hà Nội; với khẩu trang, hệ thống có thể cung cấp 500 nghìn chiếc ra thị trường.

Trong cuộc họp chiều 7-3, Bộ Công thương khẳng định, qua cập nhật báo cáo, hiện các DN phân phối dự báo được nhu cầu của người dân đối với hàng hóa của hệ thống bán lẻ hiện đại sẽ tăng, cho nên các siêu thị đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn cung để đáp ứng. Hiện nguồn cung các mặt hàng rau, củ, quả, gạo, mì, thịt, gia vị... đang được cung cấp, bày bán trong hệ thống siêu thị với số lượng khá nhiều, giá được niêm yết rõ ràng, đầy đủ và ổn định so với trước Tết; không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá. Ngay từ sáng sớm 7-3, Bộ Công thương đã yêu cầu các DN phân phối có hệ thống siêu thị tại Hà Nội khẩn trương tăng cường nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, đáp ứng đủ nhu cầu của người dân; có phương án điều tiết nguồn hàng từ các nhà cung cấp, từ các điểm bán hàng ngoài Hà Nội. Chỉ đạo và phối hợp Sở Công thương Hà Nội bám sát tình hình thị trường, trực tiếp kiểm tra, đôn đốc DN phân phối triển khai các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường, giữ ổn định tâm lý thị trường. Sáng 7-3, Vụ Thị trường trong nước đã phối hợp Sở Công thương Hà Nội đi kiểm tra và nắm tình hình thực tế tại một số siêu thị.

Sở Công thương Hà Nội cho biết, đã triển khai lực lượng xuống các địa bàn, điểm bán hàng của các siêu thị để kiểm tra việc cung ứng hàng hóa; phối hợp các nhà phân phối, các quận, huyện tuyên truyền để người dân an tâm và hạn chế mua hàng hóa tích trữ. Theo báo cáo nhanh của một số DN phân phối, lượng khách đến mua hàng từ sáng 7-3 có tăng nhưng điểm bán hàng của các siêu thị vẫn đáp ứng đủ nhu cầu. Ngay trong ngày 7-3, hệ thống các siêu thị đã triển khai phương án điều nguồn hàng từ bên ngoài Hà Nội về các điểm bán hàng trong thành phố.

Thí dụ, hệ thống Big C đã tăng lượng dự trữ, làm việc với các nhà cung cấp tăng cường tần suất giao hàng; huy động và tăng cường nhân viên làm việc tối đa, kể cả làm thêm ca đêm; cam kết tiếp tục giữ ổn định giá bán các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, bảo đảm luôn đủ nguồn hàng cung ứng trước mắt trong vài tuần tới. Công ty BRG Retail (sở hữu chuỗi siêu thị mang thương hiệu Intimex, Hapro, Seika, Fujimart) đã có phương án đáp ứng nguồn hàng kể cả khi Hà Nội công bố dịch, theo đó đã tăng gấp ba lần lượng hàng dự trữ; riêng mặt hàng gạo đang điều 20 tấn từ phía nam ra Hà Nội. Công ty MM Megamarket khẳng định đã có sự chuẩn bị từ trước, đã làm việc trực tiếp với các trang trại để duy trì nguồn cung và an toàn thực phẩm; tại các siêu thị, sắp xếp và yêu cầu nhân viên tăng cường các biện pháp nhằm phục vụ khách hàng nhanh nhất và bảo đảm an toàn dịch bệnh...

Các hệ thống phân phối bán lẻ cũng kiến nghị người tiêu dùng bình tĩnh, không mua gom tích trữ hàng hóa. Hệ thống siêu thị VinMart và VinMart+ đã ra thông báo tới khách hàng, cam kết đồng hành, đủ hàng không tăng giá hàng hóa trên toàn TP Hà Nội và toàn quốc. Ðại diện hệ thống siêu thị này nhấn mạnh: người dân không cần phải lo lắng, mua đồ dự trữ với khối lượng lớn, chỉ nên mua lượng đủ dùng trong sinh hoạt thiết yếu. Siêu thị cùng các nhà cung cấp sẽ bổ sung liên tục trong ngày, nhất là tăng cường thịt sạch MeatDeli và rau, củ, quả VinEco, mỳ gói, gạo, gia vị, nước rửa tay, khẩu trang... Các hệ thống bán lẻ luôn đồng hành cùng chính quyền và người dân TP Hà Nội đẩy lùi dịch bệnh, người dân không cần phải lo lắng, ồ ạt đi mua đồ dự trữ, bởi việc chen chúc mua sắm cũng có nguy cơ truyền nhiễm cao, chỉ khiến công tác kiểm soát dịch bệnh thêm khó khăn.

Sẵn sàng các phương án cung ứng

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội sáng 7-3, Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết, Sở đã yêu cầu các siêu thị, trung tâm thương mại không được tăng giá hàng hóa. Ðồng thời, khẳng định lại Hà Nội không thiếu hàng, và các mặt hàng thiết yếu sẽ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân trước dịch Covid-19. Ngay từ đầu tháng 2, Sở đã chủ động tiếp tục triển khai công tác bình ổn thị trường sau Tết theo Chương trình bình ổn thị trường của thành phố.

Nếu trường hợp dịch xảy ra ở cấp độ 1 và cấp độ 2, Sở sẽ chỉ đạo các DN điều tiết, luân chuyển hàng hóa thường xuyên, kịp thời từ kho hàng hoặc giữa các điểm bán hàng, không để thiếu hàng tại điểm bán; đồng thời, báo cáo thường xuyên, đột xuất khi có hiện tượng lượng khách hàng tăng đột biến tập trung vào một số mặt hàng. Sở cũng đề nghị Sở Công thương các tỉnh, thành phố phối hợp, hỗ trợ giới thiệu, kết nối các đơn vị cung ứng mặt hàng mà Hà Nội đang xảy ra biến động để cung ứng cho thị trường Hà Nội; đồng thời, đề nghị Cục Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp chỉ đạo các đội QLTT tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá
đột biến...

Ðối với dịch xảy ra ở cấp độ 3 và 4, thông qua việc nắm bắt thông tin và báo cáo của DN, xác định vị trí có hiện tượng thiếu hàng, khả năng cung ứng của các đơn vị, nhóm hàng có sức mua tăng cao; trường hợp nguồn cung các đơn vị đủ đáp ứng nhu cầu của người dân, đề nghị các đơn vị không găm hàng, có phương án điều tiết, luân chuyển, kiểm soát lượng hàng hóa bán ra, bảo đảm mỗi người dân đều mua đủ tiêu dùng, không mua gom, tích trữ. Trường hợp tại một số điểm bán xảy ra hiện tượng thiếu hàng, xác định ngay địa điểm cụ thể thiếu hàng. Sở Công thương Hà Nội đã yêu cầu Phòng kinh tế các quận, huyện, thị xã thuộc Hà Nội tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh tại hệ thống chợ, cửa hàng thực phẩm... Phối hợp Cục QLTT Hà Nội tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, không để hiện tượng găm hàng, bán tăng giá, không niêm yết giá nhằm trục lợi trong bối cảnh dịch bệnh.

Trong chiều 7-3, Bộ Công thương đã chỉ đạo Vụ Thị trường trong nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, chỉ đạo các DN, Sở Công thương Hà Nội và Sở Công thương các tỉnh, thành phố khác, phối hợp triển khai các biện pháp nhằm hỗ trợ tăng nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho địa bàn TP Hà Nội. Tổng cục QLTT chỉ đạo các đội QLTT giám sát chặt địa bàn, xử lý nghiêm, kịp thời hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, đầu cơ, nâng giá bất hợp lý; kinh doanh hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng. Các DN phân phối hỗ trợ đẩy mạnh các hoạt động, hình thức mua bán hàng hóa trực tuyến để tăng khả năng đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho người dân, nhất là cho các khu vực bị cách ly. Bộ cũng yêu cầu Sở Công thương TP Hà Nội bám sát diễn biến của thị trường, và tiếp tục phối hợp chặt chẽ, trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, tạo điều kiện cho DN phân phối tăng cường các biện pháp cung ứng, điều phối và bán lẻ hàng hóa phục vụ người dân. Các DN bán lẻ tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp để bảo đảm nguồn cung, chất lượng hàng hóa cung cấp cho hệ thống bán hàng tốt nhất, nhanh nhất. Vụ Thị trường trong nước và Sở Công thương các địa phương, DN phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông để cung cấp thông tin đầy đủ cho người dân về diễn biến dịch bệnh, tình hình thị trường, nguồn cung hàng hóa để tránh tâm lý hoang mang gây bất ổn thị trường.

Yêu cầu bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa cho Hà Nội

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa chỉ đạo Bộ trưởng Công thương, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và các doanh nghiệp cung ứng lương thực, thực phẩm cung cấp đủ hàng hóa cho các hệ thống siêu thị và cửa hàng ở Hà Nội, không để thiếu hàng hóa. Thủ tướng yêu cầu lực lượng quản lý thị trường và các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, tích trữ, nâng giá trái pháp luật. Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tập đoàn Dabaco và Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cung cấp đủ gạo, thực phẩm cho các nhà bán lẻ ở Hà Nội; đồng thời yêu cầu hệ thống các nhà bán lẻ mở cửa bán gạo đến 23 giờ để đáp ứng nhu cầu mua bán của nhân dân Thủ đô.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội sáng 7-3, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: Người dân không nên lo lắng, hoảng loạn quá mức, mà cần phải có hành động thực tế, tự bảo vệ bản thân và gia đình để không bị lây nhiễm tại những nơi đông người như siêu thị. Hiện, các hệ thống siêu thị đều có đủ nguồn hàng, bảo đảm cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm cho người dân không cần tích trữ.

Giang Dũng Hải, Nguyên Trang

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43524002-bao-dam-nguon-cung-hang-hoa-tai-ha-noi.html